Nhà rông chiếc lá cuối ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rừng là cõi thăm thẳm, huyễn hoặc, thâm u và sáng chói, thân tình và xa lạ, gần gụi mà cao ngời. Là sờ chạm được nhưng vẫn có khoảng cách. Cử động nào, cảm thức nào, sợi dây trao đổi chất nào của cộng đồng cũng đều liên quan tới nó, có bóng dáng của rừng. Những kon, bon, plei chỉ là phần lẩy ra từ rừng, là chỉ dấu của một nhóm người, tổ người đang nương tựa dưới bóng đại ngàn.
Và cái nhà rông cất lên thật cao để người thấy bớt lẻ loi, côi cút. Sự vút lên trời xanh của mái nhà rông là nhát chém vào cõi tĩnh lặng, thâm u. Những căn nhà sàn, nhà dài của cư dân nép mình dưới bóng nhà rông-kiến trúc trái tim, tâm điểm sống của làng, hội tụ tinh thần cộng đồng. Chỉ một khối nhà rông này thôi, nhưng nó mạnh mẽ, dữ dội, rõ ràng, thông qua bóng dáng kiến trúc quyết liệt đó. Dù cái nhà rông cất lên toàn bằng thảo mộc, lấy từ rừng.
Cộng đồng lựa tháng mùa lành nhất, tốt nhất để vào rừng lọc chọn vật liệu, và cái cây kchik muốn chặt, vạt tranh muốn cắt cũng đều xin phép rừng hoang, cúng con gà, con heo, chút cơm muối, bôi chút huyết vật cúng lên để cam kết trung thành với rừng, tôn kính rừng. Nên chỉ chặt vừa đủ để cất, không vượt quá lượng thảo mộc đã hứa trước cõi quyền uy vô hình đó. Cõi quyền uy bao dung. Thứ kiến trúc thấu tận gan ruột, nồng nàn thảo mộc, chứa đầy triết lý nhân sinh.
*
*     *
Cùng với sự vút cao của nhà rông, lửa bên dưới, rực sáng khi đốt lên, là lúc cộng đồng sinh hoạt, lẩy mình ra khỏi rừng. Lửa đã đốt lên là cơ thể con người rục rịch, chuyển động. Múa nhảy, âm nhạc là thứ nghệ thuật bản năng tinh tế, máu huyết của người còn giữ được những vẻ đẹp tinh khiết thời xã hội bộ lạc và bán khai sau này. Cuộc sống tươi vui là cuộc sống khi trở về với chính mình. Dưới biểu tượng “cõi người” của mái nhà rông, thì nhảy múa và hát hò hồn nhiên, kiêu hãnh làm sao không thả ga, tưng bừng, thật lòng. Những cuộc sinh hoạt rực cháy sơn nguyên thế này là mùa, là dịp lễ lạt, hội hè của bon, plei đó mà. Là khi làng có việc, tụ họp sẻ chia là kỳ xả hơi uống rượu, thưởng thức ẩm thực, nghỉ ngơi sau một năm lao lực trên rừng núi, rẫy nương-mùa ning nông. Là những dịp mừng chiến thắng với kẻ thù xâm lấn không gian sinh tồn, bắt được tù binh. Là nơi để trai làng chưa có gia đình lên đây ngủ khi cần sự thư thái khác ngoài gia đình. Là nơi để triệu tập dân làng khi cần. Và đây cũng là nơi để đưa người vi phạm những quy ước chung sống, luật tục, ra xét xử-một thứ không gian “tòa án” của xã hội sơn nguyên, bộ lạc… Rồi một miếng thịt trâu, con cá suối cũng chia nhau bên dưới sân nhà rông. Một cần rượu uống chung cũng bên nhà rông. Họ sống hạnh phúc và thấy an lành trong thế giới gắn bó với thế giới tâm hồn đó.
  Nhà rông làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Pah). Ảnh: internet
Nhà rông làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Pah). Ảnh: internet
Trên đại ngàn Tây Nguyên chỉ có một phần ba xứ sở xuất hiện thứ tín hiệu nhà rông thôi, thuộc về cực Bắc Tây Nguyên, địa bàn Kon Tum, Gia Lai ngày nay. Chỉ sắc dân Xê Đăng, Giẻ Triêng, Rơ Ngao, Cà Tu, Rơ Mâm, Brâu, Jrai, Bahnar mới sáng tạo ra thứ không gian và kiến trúc này. Cứ mỗi khi ta gặp một mái nhà rông vút lên ở một plei nào là sững sờ. Là hân hoan, suy cảm về cuộc sống thanh lành sơn nguyên ngay trên đất nước này trỗi dậy. Không thể tìm thấy nó ở phần cực Nam Tây Nguyên, dù diện tích chiếm đến ba phần tư miền Thượng, vì các sắc dân bản địa Mnông, kho, Cil, Mạ, Chu Ru, Ê Đê, STiêng lại không có nhà rông trong buôn của mình. Không biết có phải vì vậy mà hơi thở các làng người bản địa ở Bắc Tây Nguyên bao giờ cũng mạnh mẽ hơn, khốc liệt và chống chọi, kiên cường và thâm hậu, sức sống ngút ngàn, dội thẳng vào trời xanh, khác hẳn sự êm ả, chừng mực của những làng người ở Nam Tây Nguyên.
*
*     *
Giờ đi qua các buôn làng Bắc Tây Nguyên, thi thoảng vẫn còn thấy những làng còn bóng nhà rông. Rất rất nhiều buôn làng đã không còn hoặc do không có cây, có tranh, có tiền để cất. Có những nhà rông, nhưng lại thấy bỏ hoang, rệu rã, bà con không bước lên đấy. Thấy nhà rông, ta mừng như gặp cố nhân. Nhưng sao nó vô hồn quá. Dưới bóng nhà rông ấy không có vũ điệu, tiếng nhạc tung hoành và những cơn say rượu cần nghiêng ngửa nào cả.
Ta chợt vỡ vụn thẫn thờ, như cá mất sông, thú mất rừng. Là lúc ta nhận ra nhà rông vô hồn bởi đã tách ra khỏi hơi thở đại ngàn, không còn dẫn sự thổn thức của con thú hoang, chiếc lá, giọt nước đầu nguồn về tim thảo dân mình. Có những băng rôn, khẩu hiệu giờ đã treo, gắn thẳng đầy trên các nhà rông, bên trong lẫn bên ngoài. Nhà rông trở thành nơi đã đổi khác, sống đời sống khác, mang hình hài và cái vía khác. Sự tiến bộ thách thức sự thuần hậu. Kiến trúc nào mà không ánh xạ lên đó tâm thức, công năng, phẩm chất, bổn phận. Nhận thức nào thì phẩm tính kiến trúc đó.
Nhưng sao ta cứ bần thần mãi thế này. Ta như thất lạc một thế giới. Ta như thất lạc một đóa hoa ngàn. Ký ức về sự thuần hậu cứ tràn lên. Nhà rông còn đó nhưng sao nó “xa rừng”. Nhà rông đó sao nó không nồng nàn, ít ấm, ít tình quá. Nhà rông dựng lên mà vẫn không từ cây rừng nhà, rừng quê hương. Vẫn cái khối kiến trúc là nhà rông đó, sao nó nhàn nhạt, lành lạnh. Cộng đồng được quyền sở hữu, sử dụng hoàn toàn nó, mà sao cứ thấy nó như “khách” ở trong làng.
Mới hôm nào nhà rông là sợi dây siêu hình kết nối các căn nhà trong buôn làng lại mà, thở chung một nhịp, hòa chung một bài ca về không gian sống, sục sôi sinh khí. Nên khi có hư hỏng thì cộng đồng ngồi lại bàn bạc cùng nhau dành thời gian sửa chữa, hay tìm cây lá dựng cất cái mới. Buôn làng không thể thiếu cái nhà rông, vì nó là ngón tay trỏ mà. Lập cái làng thì chọn chỗ cho nhà rông trước, nhưng nó được cất sau cùng, là khi cả cộng đồng có điều kiện. Ai đi xa nhớ về nhà rông quay quắt. Tên làng gắn vào tên nhà rông.
*
*     *
Ta thấy bàng bạc bên những khối nhà rông nhân bản vô tính đó là hình bóng ngây thơ của chiếc nhà rông xưa. Vì cái xưa đó nó vượt qua thể vật chất, kiến trúc, kết tinh thành phi vật chất rồi. Nó sâu lắng, oai hùng, kiêu hãnh, mà không kiêu ngạo. Khó có pho sử thi nào của người Bahnar, Jrai, Xê Đăng, Giẻ Triêng mà không nhắc đến hình bóng nhà rông. Khối kiến trúc ấy đạp trên thời gian để hiện hữu sừng sững, là chứng nhân cho mùa màng, nắng-mưa, khô-ẩm, no-đói, được-mất, thắng-bại, sum vầy-chia ly, buồn-vui của cộng đồng, vì nhà rông cao nhất trong chỏm không gian người đó.
Nhiều nhà rông giờ chỉ còn cái vỏ kiến trúc, vật chất, mà không tình.
Ta trở về Nam Tây Nguyên, nhìn thấy người ta dựng lên những ngôi nhà rông kiểu Xê Đăng, Bahnar để làm du lịch, ngay trên xứ người Mạ, người Lạch mà ngàn đời qua không hề có nhà rông. Và du khách dưới xuôi lên cũng ngắm ngía, vẫn tin là của người Mạ, người Lạch.
Ta thương nhà rông như thương những cánh rừng lá rộng không trở về, những cánh rừng vỡ trận, bỏ núi, hệ thống ký ức đại ngàn, tâm linh thảo mộc-một quỹ giá trị đặc sắc từng có thật trên đời.
 Nguyễn Hàng Tình

Có thể bạn quan tâm