Đak Pơ dồn sức về đích nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đak Pơ là huyện điểm được UBND tỉnh chọn để phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2020. Trong 3 năm tới, bên cạnh việc duy trì và nâng cao các tiêu chí ở 4 xã đã đạt chuẩn, huyện sẽ phải nỗ lực giúp 3 xã còn lại về đích NTM. Tuy nhiên, huyện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để hoàn thành mục tiêu này.

Loay hoay với các tiêu chí khó

Theo báo cáo của UBND xã Yang Bắc, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã là 19,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23,28%. Toàn xã có 210 hộ dân đang sống trong những căn nhà dột nát, tạm bợ; tỷ lệ hộ dân có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh mới chỉ đạt 46%. Các thiết chế về văn hóa, y tế, trường học còn nghèo nàn, thiếu thốn, chưa đạt yêu cầu. Hệ thống chính trị của xã cũng chưa đạt theo chuẩn đề ra. Vì vậy, để chạm đích NTM trong vòng 3 năm tới với Yang Bắc là một thử thách rất lớn, cần sự hỗ trợ tích cực từ huyện cũng như sự đồng thuận của người dân.

 

Để chạm đích NTM, huyện phải nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất cho người dân. Ảnh: N.H
Để chạm đích NTM, huyện phải nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất cho người dân. Ảnh: N.H

Ông Trường Trung Tuyến-Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc, cho biết: “Hai tiêu chí khó khăn nhất đối với địa phương hiện nay là thu nhập và hộ nghèo. Ngay từ khi mới bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương cũng xác định 2 tiêu chí này là mấu chốt, quan trọng nhất trong 19 tiêu chí. Để đạt được 2 tiêu chí này bắt buộc phải đầu tư phát triển sản xuất cho người dân.

Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, với hơn 90% dân số là người Bahnar, trình độ nhận thức còn hạn chế nên việc hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, chúng tôi giúp giảm được 73 hộ nghèo nhưng lại có 21 hộ tái nghèo. Do đó, xã xác định vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở bản thân mỗi người dân. Nhưng nói thì dễ, còn làm được thì không dễ chút nào. Hiện tại, Đảng ủy xã đã phân công các ban ngành, đoàn thể phối hợp với Trung đoàn Bộ binh 38 giúp đỡ từng làng, từng hộ để vươn lên thoát nghèo”.

Cùng với Yang Bắc, xã Ya Hội và An Thành cũng có xuất phát điểm khiêm tốn so với các địa phương khác trong huyện. Dân cư các xã này chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Ông Đinh Bre-Bí thư Đảng ủy xã Ya Hội, cho biết: Những năm qua, từ các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình phúc lợi trên địa bàn như: đường giao thông, trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm y tế… đã được xây dựng, đi kèm với đó là các chính sách về an sinh xã hội. Đặc biệt, với sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã và sự tích cực tham gia của cộng đồng dân cư, đến nay, Ya Hội đã đạt 9/19 tiêu chí.

Từ nay đến năm 2020, xã phải hoàn thành 10 tiêu chí còn lại để chạm đích NTM. Đối với Ya Hội, đây là một bài toàn khó nhưng vẫn phải làm. Trước mắt, xã chủ trương cứ cái gì dễ làm trước, khó làm sau, từng bước hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình đã đề ra. “Khó nhất vẫn là tiêu chí thu nhập vì bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ chưa phát triển, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào cây mía, mì, bắp, lúa. Trong 2 năm qua, giá cả nông sản giảm mạnh, thu nhập của bà con cũng bị ảnh hưởng. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới chỉ đạt 21 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 37,11%”-ông Đinh Bre nói.

Dồn sức để về đích

Để trở thành huyện NTM vào năm 2020, Đak Pơ đã và đang tập trung hỗ trợ 3 xã Yang Bắc, An Thành và Ya Hội thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, phần đông dân số là người Bahnar nên chương trình xây dựng NTM ở các xã này gặp rất nhiều khó khăn. Những tiêu chí chưa đạt như: nhà ở dân cư, trường học, thu nhập, hộ nghèo, y tế, văn hóa và hệ thống chính trị đều cần nguồn lực đầu tư lớn để hoàn thành.

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, cho biết: Ủy ban nhân dân huyện đang xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể và phân bổ theo lộ trình từng năm để đạt chuẩn NTM. Huyện dự kiến nguồn vốn cũng như kinh phí của Trung ương, tỉnh, huyện và khả năng của từng xã để hoàn thành các chỉ tiêu NTM. Đồng thời, tập trung huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, khai thác triệt để các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM và phát triển sản xuất. Cùng với đó, huyện tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các xã sử dụng nguồn vốn đúng quy định nhằm phát huy hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước và nhân dân cho xây dựng NTM.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm