Giấc mơ nào đẹp bằng quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những gốc điều cổ thụ trải suốt dọc con đường dẫn vào các làng De Lung 1, 2 của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) bất giác lôi ngược tiềm thức tôi về mùa quả chín vài năm trước. Nhưng đó là mùa buồn của cây điều khi rớt giá thảm hại. Còn năm nay, cây điều là cứu cánh cho rất nhiều gia đình khi được mùa được giá.

Chuyện của một thời

Sinh ra đã là một nhà diễn thuyết bẩm sinh, già làng Siu Blim (làng De Lung 2) có lối nói chuyện cuốn hút từ ánh mắt đến ngữ điệu. Kinh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, sau đó ông còn tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia vài năm. “Công việc của mình là đi vận động lương thực trong dân để cung cấp cho chiến trường. Không phải người dân nào cũng giác ngộ nên cần nói để họ hiểu. Khi hiểu rồi thì người ta dốc hết gan ruột của mình cho cuộc kháng chiến, không tiếc thứ gì. Mình thạo cả tiếng Kinh, tiếng Pháp, tiếng Bahnar. Khi cần thì mình hát cho dân nghe cả mấy thứ tiếng đó”-già Siu Blim nói.

 

Bộ mặt của 2 ngôi làng kháng chiến De Lung 1, 2 khá quy củ, ngăn nắp. Ảnh: H.N
Bộ mặt của 2 ngôi làng kháng chiến De Lung 1, 2 khá quy củ, ngăn nắp. Ảnh: H.N

Sau giải phóng, ông được điều động về ngành Giao thông-Thủy lợi của tỉnh Gia Lai-Kon Tum. “Các công trình đường sá, cầu cống, đặc biệt là các tuyến đường biên giới ở Gia Lai và Kon Tum được khai thông, không đâu tôi vắng mặt”-ông nói. Xây dựng lại cơ sở hạ tầng giao thông là một chương dài trong công cuộc xây dựng lại quê hương sau giải phóng. Sau một thời gian dài cống hiến sức lực, tuổi trẻ trên đại công trường ngổn ngang ấy, ông được tỉnh rút về làm Phó Giám đốc Sở Giao thông. Ông kể: “Tôi đã thẳng thắn từ chối chức vụ đó. Vì sao à? Vì tôi chỉ mới học hết lớp 2 trong hệ thống giáo dục của Pháp. Với trình độ học vấn thấp như vậy, tôi không thể làm lãnh đạo những người có trình độ cao hơn. Sau đó, tôi được tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã B14 (nay là xã Ia Tô) và bắt tay vào nhiều công việc không kém phần gian khó”. Từ chối vị trí cao ở tỉnh rồi chấp nhận về xã nghèo với ngổn ngang khó khăn, với già Siu Blim, đó vừa là sự tự trọng, biết lượng sức mình, làm cái gì phù hợp để mang lại hiệu quả thiết thực, vừa là nỗi mong nhớ, muốn được trở về để thay đổi quê hương.

Giấc mơ nào đẹp bằng quê hương

Đói ăn, thiếu mặc là nỗi lo thường trực của những ngày sau giải phóng. Già Siu Blim ví việc thay đổi tập quán lao động, sản xuất của người dân thời bấy giờ như một người dùng sức mọn để nhổ gốc cây cổ thụ. “Không thể nói mà phải làm, mà làm phải có hiệu quả để họ thấy mà làm theo. Chẳng hạn huyện cho xã mượn bò để nuôi gây giống nhưng dứt khoát không ai nuôi. Họ chưa có thói quen nuôi con vật đi mượn. Vậy là tôi nhận nuôi. Từ 1 cặp bò giống tới khi đàn bò của tôi lên tới 20 con rồi thì dân làng mới chịu thay đổi suy nghĩ”.

Vị già làng kể thêm, nếu ông không dấn thân để làm những việc đầu tiên chưa ai làm kiểu như mượn bò nuôi thì dân làng vẫn chưa thoát khỏi suy nghĩ bảo thủ, lạc hậu. Chính ông là người đầu tiên trồng lúa nước 2 vụ, mở đầu cho một cuộc cách mạng nông nghiệp về sau ở những ngôi làng Jrai này. Ông nhớ lại: “Giữa thời kỳ đói khổ, không đủ cái ăn cái mặc mà mỗi năm mình thu 400 bao lúa. Riêng người làm công đã được mình trả vài chục bao, bằng họ làm cả mùa lúa rẫy. Lúc đó, người làng mới chịu từ bỏ lúa rẫy để trồng lúa nước 2 vụ, giải quyết vấn đề thiếu đói. Tôi còn trồng cả rừng lồ ô, trồng hàng trăm cây gỗ để phục vụ nhu cầu cho gia đình mà không phải phụ thuộc nhiều vào rừng đang mỗi ngày mỗi cạn kiệt. Người làng cứ thế làm theo rồi thay đổi từng chút một”.

Làng De Lung 1, 2 hôm nay không chỉ thoát nghèo, mà có nhiều gia đình trở thành triệu phú. Ông Đặng Tiến Sỹ-Chủ tịch UBND xã Ia Tô nhắc cho chúng tôi hàng loạt cái tên nông dân triệu phú như: Rơ Châm Khut, Rơ Châm Thah, Rơ Mah Bliu... Ông khoe rằng: “Ngoài lúa, cà phê, cao su, các làng quanh đây còn có thế mạnh về cây điều. Năm nay, giá điều tăng cao. Nhiều gia đình sau một vụ điều đã có tiền để dành. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều gia đình làm công nhân cho Nông trường Cao su Ia Pếch, vì thế đời sống kinh tế tương đối ổn định”.

Tuy vậy, trong hành trình đi tới ấy, không tránh khỏi những nốt trầm, đó là một thời kỳ mà cuộc sống đang yên lành bỗng bị xáo trộn bởi một vài người có ý định vượt biên. Già Siu Blim kể: “Có lần tôi đến gặp thằng Bum-nó đã chuẩn bị đầy đủ tư trang, lương thực cho chuyến bỏ làng-nói với nó rằng, mày muốn đi đâu thì cứ đi, nhưng hãy đi một cách đàng hoàng. Người Jrai bao đời luôn sống ngay thẳng hiên ngang như cây kơ nia, không ai sống lén lút, vụng trộm cả...”. Đó không phải là trường hợp duy nhất trong làng. Nhiều người nghe lời dụ dỗ, bắt đầu xao nhãng công việc để nuôi giấc mơ nơi đất khách. Chúng nói chuyện với ông bằng sự xấc láo, nông nổi. “Nhưng có giấc mơ nào đẹp bằng giấc mơ trên quê hương”-già Blim nói. Chính ông đã gặp từng người có ý định bỏ làng, bằng tài kể chuyện, diễn thuyết bẩm sinh được rèn luyện, ông đã khơi dậy tình cảm sâu kín trong lòng những người đàn ông Jrai. Nhờ đó, suốt thời kỳ ông làm lãnh đạo, không một trường hợp nào người dân bỏ làng ra đi. Họ vẫn bám trụ lại mảnh đất quê hương để viết tiếp những câu chuyện của lớp hậu bối trên hành trình dựng xây. “Giờ kinh tế của gia đình Bum khá lắm, lúa thóc đầy nhà, heo bò đầy chuồng. Bum đã làm được cái nhà rất to”-già Blim nói trong ánh mắt cười lấp lánh.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm