Hợp tác xã kiểu mới ở Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thiện thành lập từ năm 1993 với tên gọi đầu tiên là Xí nghiệp Nông-Lâm-Công nghiệp Ia Sol, đến năm 1997 chuyển thành Hợp tác xã Phú Thiện theo Luật Hợp tác xã 1996 và đến năm 2015 tiếp tục chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012. Ông Phùng Tất Thắng-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thiện cho biết: “Hợp tác xã luôn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đúng với thực trạng, coi lợi ích phát triển kinh tế hộ là mục tiêu hoạt động, đồng thời cũng là động lực để phát triển kinh tế tập thể một cách bền vững, lâu dài”.

  Vườn rau an toàn trong nhà lưới của anh Lê Văn Ngọc. Ảnh: H.D
Vườn rau an toàn trong nhà lưới của anh Lê Văn Ngọc. Ảnh: H.D

Tính từ năm 2010 đến năm 2015, doanh thu của hợp tác xã đạt trên 118,5 tỷ đồng, lãi gần 700 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 540 triệu đồng. Để có được những kết quả đó, hợp tác xã đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Trước tiên là tuyên truyền để cán bộ, xã viên tham gia góp vốn điều lệ đúng theo Luật Hợp tác xã 2012 (góp vốn để trở thành thành viên hợp tác xã); xác định giá trị tài sản của hợp tác xã, tài sản chia và không chia để đảm bảo lợi ích của thành viên tham gia, đồng thời bảo toàn nguồn vốn để hoạt động hiệu quả; tiếp tục đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thiện có công trình thủy lợi Ayun Hạ phục vụ tưới lúa nước 1 năm 2 vụ với diện tích 814 ha/năm (gồm 4 xứ đồng, chiều dài hơn 50.000 mét kênh dẫn nước). Hợp tác xã thành lập 3 tổ dịch vụ: 1 tổ dịch vụ thủy nông; 1 tổ bảo vệ thực vật chuyên theo dõi và dự báo tình hình sâu bệnh hại cây lúa, kịp thời thông báo đến các hộ biết để có cách phòng dịch bệnh, đồng thời cung cấp các loại phân bón, thuốc trừ sâu theo nhu cầu của nông dân; 1 tổ bảo vệ cánh đồng. Hợp tác xã có dịch vụ san lấp mặt bằng, khai hoang đồng ruộng. Nguồn thu chủ lực của đơn vị là cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Hiện hợp tác xã đang phát triển cánh đồng lớn 1 giống với tổng diện tích 70 ha lúa nếp. Nhiều xã viên tham gia đã nhận được những hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng. Anh Lê Văn Ngọc (tổ dân phố 13, thị trấn Phú Thiện) có một vườn rau sạch và 2 ha lúa tham gia cánh đồng lớn, hồ hởi: “Tham gia hợp tác xã, gia đình tôi được dự các lớp tập huấn hội thảo đầu bờ, được hướng dẫn kỹ thuật mới vào trồng trọt và được cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học có chất lượng. Nhờ vậy, tôi mới có thể trồng rau sạch bằng nhà lưới với kỹ thuật chăm sóc đặc thù. Bình thường, trời nắng quá hoặc mưa quá, người dân khó trồng tỉa nhưng qua các lớp tập huấn tôi đã áp dụng và đã làm được. Không chỉ gia đình tôi mà xã viên khác chưa có điều kiện thanh toán tiền mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu hay các dịch vụ khác thì, khi thu hoạch sẽ hoàn trả đều được”.

Cũng là hộ tham gia cánh đồng lớn, ông Đoàn Văn Lưu (tổ dân phố 10, thị trấn Phú Thiện) vui mừng khi nhìn cánh đồng lúa trải dài hút mắt đang chuẩn bị làm đòng: “Tôi được giới thiệu những sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu sinh học có chất lượng. Giao thông nội đồng cũng rộng rãi, thoải mái. Nước được đưa đến tận ruộng. Nói chung mọi thứ đều có sẵn nên chúng tôi đỡ công nhiều lắm”.

 Hà Duy

Những năm qua, huyện Phú Thiện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi, đăng ký thành lập mới theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012. Đến nay, ngoài Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thiện, toàn huyện còn có 8 hợp tác xã khác đang hoạt động chuyển đổi qua mô hình hợp tác xã kiểu mới (tổng số hơn 1.700 thành viên), hoạt động chủ yếu là cung ứng giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cùng nhiều loại hình dịch vụ khác, góp phần tạo việc làm và lợi nhuận cho xã viên.

Có thể bạn quan tâm