Thanh niên xã Đak Pling làm nhà cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù ở một xã đặc biệt khó khăn, với 68% là hộ nghèo, nhưng thanh niên xã Đak Pling (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã làm được những công trình thanh niên mang đậm dấu ấn của tinh thần đoàn kết, vượt khó.

Kế hoạch làm nhà cho bà Đinh Thị La ở làng Tbưng được Bí thư Đoàn xã Đinh Lành ghi chép chi tiết vào một cuốn sổ: làm nhà ở đâu, bao nhiêu mét vuông, huy động bao nhiêu thanh niên, cần bao nhiêu ván, bao nhiêu tôn lợp, bao nhiêu cây lồ ô làm sàn nhà… Sở dĩ anh nắm rõ như vậy vì đã có kinh nghiệm làm 2 căn nhà cho người neo đơn không nơi nương tựa trước đó.

Ở một xã đặc biệt khó khăn như Đak Pling, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không ít, nhưng không chồng, không con, lại không nhà cửa như bà La thì là số ít. Nếu nói 60 năm là một cuộc đời thì bà Đinh Thị La đã đi ở nhờ trọn đời mình ở khắp các nhà anh em. “Hoàn cảnh của bà rất tội. Mặc dù Đoàn xã còn nhiều khó khăn nhưng mình vẫn quyết định họp Đoàn Thanh niên quyết tâm làm nhà cho bà La. Mình đã xin ý kiến của trưởng thôn, già làng Tbưng và được làng đồng ý cho đất rồi, nay mai sẽ huy động toàn thể thanh niên làm cho bà căn nhà nhỏ”-anh Lành chia sẻ.
 

Căn nhà của bà Đinh Thị Bươi ở làng Brang được tuổi trẻ xã Đak Pling làm năm 2013.    Ảnh: H.N
Căn nhà của bà Đinh Thị Bươi ở làng Brang được tuổi trẻ xã Đak Pling làm năm 2013. Ảnh: H.N

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đinh Cư rất phấn khởi khi biết kế hoạch của Đoàn Thanh niên. Ông kể: “Hơn 30 năm trước, sau một trận đau nặng kéo dài nhiều ngày, bà La tắt thở trong sự thương tiếc của cả làng vì bà còn trẻ quá. Bà mồ côi từ nhỏ nên làng đứng ra lo ma chay, lên rừng chặt cây làm hòm xong xuôi thì đột nhiên bà La sống lại. Nhưng sau lần chết đi sống lại ấy bà ấy bỏ luôn cơm, chỉ ăn củ mì cho tới tận bây giờ. Cũng từ đó, tính khí của bà thay đổi, nhưng đó là một số phận rất đáng thương. Thanh niên làm nhà cho bà La là việc làm rất ý nghĩa”.

Để làm nhà cho bà La, Đoàn xã huy động thanh niên của 4 làng góp ngày công lao động, phân công cụ thể người lên rừng chặt cây, chặt tre nứa, người làm sàn, chẻ lạt buộc... Riêng chi đoàn làng Tbưng ngoài góp ngày công còn xuất một phần quỹ Đoàn để mua tôn lợp. “Làng nào cũng có nguồn quỹ Đoàn từ việc tổ chức cho thanh niên đi làm thuê nên mua vài tấm tôn lợp nhà không phải là vấn đề lớn. Quan trọng là lựa thời gian thuận lợi để có thể huy động được tối đa thanh niên giúp công thì chỉ làm trong 1-2 ngày là xong nhà”-anh Lành nói.

Trước đó, cũng theo hình thức này, năm 2013, Đoàn Thanh niên xã đã làm được 2 căn nhà cho 2 phụ nữ neo đơn là bà Đinh Thị Bươi ở làng Brang và bà Đinh Thị Tôi ở làng Tbưng. Dẫn chúng tôi đến thăm nhà bà Bươi, Đinh Lành cho biết, căn nhà này là một kỳ tích của thanh niên trong xã khi làm trong 1 ngày. “Kế hoạch chi tiết thì mất cả tháng, nhưng khi thực hiện thì hầu hết thanh niên các làng đều tham gia. Căn nhà này làm từ hơn 100 cây rừng trong giới hạn cho phép của lâm trường, ngoài ra chỉ tốn thêm mấy triệu đồng mua tôn lợp”-anh Lành nói. Ngoài mái tôn phải đi mua vì khó kiếm tranh lợp, ngôi nhà hoàn toàn theo kiến trúc nhà truyền thống Bahnar, khá vững chãi.

Điều khiến chàng trai Bahnar Đinh Lành tự hào không phải là thành tích làm được bao nhiêu ngôi nhà, mà chính là tinh thần đoàn kết “ba cây chụm lại” của thế hệ trẻ trong những việc chung. “Mặc dù ở một xã xa xôi, nghèo khó nhất của huyện, nhưng nhiều năm nay tuổi trẻ của xã đã có nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa được cấp trên biểu dương, ghi nhận”-anh Lành cho biết thêm.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm