Nghệ nhân trẻ của làng Klă

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi những người trẻ trong làng không mấy mặn mà với những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì anh Rơ Lan Mít (SN 1977, làng Klă, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) vẫn tận tụy, tâm huyết với nghề tạc tượng gỗ dân gian của người Jrai.

  Anh Rơ Lan Mít thường tìm đến những bức tượng cũ để học hỏi cách tạo hình. Ảnh: P.V
Anh Rơ Lan Mít thường tìm đến những bức tượng cũ để học hỏi cách tạo hình. Ảnh: P.V

Từ nhỏ Rơ Lan Mít đã rất nhiều lần được xem những nghệ nhân già trong làng tạc tượng. Dù rất yêu thích nhưng anh chỉ thật sự gắn bó với công việc này cách đây 3 năm. “Khi mình bắt đầu tạc tượng thì những nghệ nhân trong làng đã già yếu hết cả, không ai còn đủ sức khỏe để cầm rìu vạt, khắc, tạo hình cho tượng được nữa. Vì thế, từ những gì từng thấy, cộng với trí tưởng tượng, mình từng bước tập làm tượng gỗ và cảm thấy rất thú vị”-anh Mít chia sẻ.

Người Jrai và Bahnar thường quan niệm, những nghệ nhân tạc tượng là người được Yàng lựa chọn, ban cho năng khiếu. Anh Mít là một trong số ít những người may mắn đó khi anh tái hiện và sáng tạo những gì đã nhìn thấy từ những nghệ nhân đi trước trong làng một cách xuất sắc. Anh Mít nhớ lại: “Bức tượng đầu tiên mình tạc một người đàn ông mặc khố cầm nỏ đi săn thú. Cái khó nhất của việc đẽo tượng chính là việc tạo các hành động và điểm lõm như hốc mắt, nách, các chi tiết gập của cánh tay…”. Từ đó đến nay, anh Mít đã tạc tượng cho các lễ bỏ mả trong làng và tạc một số tượng để trang trí. Đáng nói là, ngoài 9 bức tượng anh tạc cho người quen trong làng thì mới đây, anh đã tạc được 12 bức tượng cho đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do Bảo tàng tỉnh chủ trì. Tất cả đang đặt trong khu trưng bày tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku) cho du khách gần xa đến thưởng lãm.

Để có được những bức tượng gỗ ưng ý, anh Mít thường chú ý quan sát thật tỉ mỉ từng đường nét, từng biểu cảm trên khuôn mặt, từng hành động của những người xung quanh. “Khi đi tạc tượng nhà mồ, mình thường lắng nghe người nhà kể về hình dáng, tính tình của người đã khuất, từ đó tưởng tượng để tạc theo. Như vậy, tượng mới chân thực và có hồn”-anh Mít chia sẻ bí quyết. Với sự tâm huyết, niềm yêu thích với tượng gỗ dân gian, anh Mít trở thành nghệ nhân trẻ không chỉ của làng mà còn của xã Ia Kly. Mỗi khi xã, huyện tổ chức hội thi tạc tượng, anh đều hăng hái tham gia và đạt giải cao.

Dù yêu thích công việc tạc tượng là vậy nhưng cơ hội để anh Mít thể hiện tài năng và niềm đam mê của mình không nhiều. Đặc biệt là những năm gần đây, trong làng vắng dần các lễ bỏ mả, nhu cầu trang trí nhà cửa bằng tượng gỗ của dân làng cũng không nhiều. “Vì thế, để duy trì tay nghề và đỡ nhớ nghề, mình thỉnh thoảng vẫn tạc tượng cho các con của mình xem”-anh Mít bày tỏ. Không chỉ vậy, anh Mít còn sẵn sàng dạy nghề tạc tượng cho các thanh niên trong làng. Anh phấn khởi khoe: “Mình cũng đã dạy cách tạc tượng cho một số thanh niên trong làng, trong đó có một thanh niên người Mường nhưng rất thích các bức tượng gỗ của người Jrai. Mình muốn thật nhiều người trong làng biết tạc tượng để gìn giữ lại những nét đẹp văn hóa của đồng bào mình cho mai sau”.

Anh Nguyễn Trọng Luyến-cán bộ Văn hóa xã Ia Kly cho biết: “Anh Rơ Lan Mít là một trong những nghệ nhân trẻ của làng Klă rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương. Khi số lượng nghệ nhân biết tạc tượng trong làng nói riêng và cả xã nói chung còn khá ít, lại đều già cả không thể truyền nghề được nữa thì những người tâm huyết với nghệ thuật tượng gỗ dân gian như anh Mít là rất quý”.

 Phương Vi

Có thể bạn quan tâm