Đổi thay ở Chư Mố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, đời sống của người dân xã Chư Mố (huyện Ia Pa) đã khá lên trông thấy nhờ triển khai công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng và xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng thêm khởi sắc.

 
Con đường mới được dự án hỗ trợ. Ảnh. H.T
Con đường mới được dự án hỗ trợ. Ảnh. H.T

Chúng tôi đến xã Chư Mố vào một buổi chiều cuối tuần. Dẫn tôi dạo quanh các thôn, anh Rcom Dam Mơ Ai-cán bộ CF xã Chư Mố chỉ tay xuống những ruộng lúa chín vàng, cho biết: “Đây là những thửa ruộng của các hộ tham gia nhóm lúa do dự án đầu tư. Năm 2016, toàn xã có 60 hộ tham gia 3 nhóm với diện tích 18 ha. Cùng với việc đưa vào sử dụng giống lúa mới TH6, người dân trong thôn còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên 18 ha đã thu về 145 tấn lúa (năng suất bình quân đạt trên 8 tấn/ha)”.

Một trong số những hộ tham gia nhóm đạt năng suất cao là bà Siu Hyui ở thôn Ơi Hchông. Những năm trước, 3 sào lúa của bà chỉ thu được 30-32 bao nhưng năm 2016 thu tới 46 bao thóc (trung bình mỗi bao từ 50 đến 53 kg). Giải thích lý do năng suất lúa tăng cao, bà Hyui lấy quyển tài liệu tập huấn kỹ thuật sản xuất do Dự án cấp mang ra rồi cho biết: “Trước đây, mình và mọi người trong thôn thường dùng giống lúa cũ và sạ dày từ 25 kg đến 30 kg/sào nên lúa phát triển kém, dễ sâu bệnh và năng suất thấp. Năm nay, mọi người không chỉ trồng giống lúa mới mà còn áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” nên tiết kiệm được chi phí mà cây lúa còn phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao, từ 8 tạ đến 1,1 tấn/sào. Giờ thì không còn ai lo thiếu đói lúc giáp hạt nữa”.

Giống với sự vui mừng về vụ mùa bội thu của các hộ tham gia nhóm lúa, hơn 800 hộ dân ở các thôn Amalim 1, Ơi Briu 2, Chrôh Braih cũng đang tỏ ra phấn khởi khi trục đường chính của thôn Amalim 1, Ơi Briu 2 và con đường vào khu sản xuất giữa thôn Ơi Briu 2 và Chrôh Braih vừa được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư kinh phí để bê tông hóa. Cảnh sắc nơi đây vì thế trở nên thoáng đãng và sạch đẹp hơn so với trước. Trong thôn, mọi người gắn bó với nhau hơn kể từ khi các con đường được bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thăm hỏi và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

Ông Ra Lan Ký-Trưởng thôn Ơi Briu 2 phấn khởi cho biết: Thôn Ơi Briu 2 vừa được dự án đầu tư bê tông hóa con đường trục chính, vừa được đầu tư làm con đường vào khu sản xuất nên người dân trong thôn rất phấn khởi. Đặc biệt, thôn có 20 ha lúa, mì, mía trong khu vực sản xuất nằm giữa thôn Ơi Briu 2 và Chrôh Braih nên 20 hộ dân đã tự nguyện di dời hàng rào để mở rộng con đường. “Con đường này trước đây là đường đất pha bùn, lại có con suối chảy qua nên thường lầy lội vào mùa mưa rất khó đi, giá thuê chở nông sản vì thế đắt đỏ. Con đường được bê tông,bà con không chỉ đi lại dễ dàng mà còn đỡ vất vả hơn khi nông sản được chở về tận nhà nên phấn khởi lắm”-ông Ký cho biết.

Ngoài 60 hộ tham gia nhóm lúa và hàng trăm hộ được hưởng lợi từ các công trình đường nội thôn và đường vào khu vực sản xuất, xã Chư Mố còn có hàng chục hộ được hưởng lợi từ việc tham gia các nhóm cải tạo vườn hộ theo hình thức trồng rau xanh và nuôi heo thịt. Đến thời điểm này, ngoài nguồn rau để cải thiện bữa ăn, nhiều hộ còn tăng thu nhập từ việc bán heo thịt hoặc heo con sau khi heo nái sinh sản.

Ông Ksor Ju-Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Chư Mố vui mừng cho biết: Năm 2016, xã Chư Mố được dự án hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật triển khai 4 nhóm cải tạo vườn hộ và 3 nhóm lúa. Nguồn lực này đã không chỉ giúp các hộ nâng cao hiệu quả năng suất và thu nhập để cải thiện cuộc sống mà còn tạo nền tảng để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đồng thời, xã được dự án hỗ trợ kinh phí gần 2 tỷ đồng để bê tông hóa 3 công trình gồm trục đường chính thôn Amalim 1, Ơi Briu 2 và đường vào khu sản xuất giữa thôn Ơi Briu 2 và thôn Chrôh Braih. Bên cạnh giúp xã phát triển hạ tầng, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, việc bê tông hóa các công trình này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con, qua đó, tạo động lực cho bà con phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm