Tỷ phú trên vùng chiến địa xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và chăm chỉ làm ăn, vợ chồng lão nông Nguyễn Văn Nghị (thôn Đoàn Kết, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) đã dần bỏ xa cái nghèo từng dai dẳng đeo bám. Từ số vốn ít ỏi ban đầu, giờ đây, một cơ ngơi khang trang đã được họ tạo dựng nên trên vùng chiến địa Plei Me ác liệt thuở nào.

Gần 30 năm về trước, 4 anh em ông Nghị theo bố mẹ rời mảnh đất Xuân Trường (Nam Định) xa xôi vào làm kinh tế mới tại địa bàn thôn Tân Thủy, xã Ia Pia, huyện Chư Prông (nay là thôn Đoàn Kết, xã Ia Ga). “Lúc mới chuyển đến, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì đất đai cằn cỗi, khó sản xuất; nguồn nước sinh hoạt thiếu thốn; chưa có điện thắp sáng; khí hậu lại nắng lắm, mưa nhiều… Cũng bởi thế nên những người đi cùng chúng tôi khi ấy, một số chuyển đến địa phương khác, một số nản chí quay về quê nhà”-ông Nghị nhớ lại.

 

Ông Nghị chia sẻ về những thời điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình. Ảnh: Hồng Thi
Ông Nghị chia sẻ về những thời điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình. Ảnh: Hồng Thi

Bền lòng, bố mẹ ông quyết tâm bám trụ. Cả nhà bắt tay vào khai hoang, mở đất, trồng thêm lúa, mì và bắp địa phương. Lúc được mùa, khi thất bát, cơm bữa đói bữa no, song, cả nhà vẫn cố gắng làm lụng. Và rồi, trời đã không phụ lòng người. Vài năm sau đó, cuộc sống của gia đình ông đã dần khấm khá và đủ đầy hơn.

Ông Nghị kết hôn với bà Phạm Thị Vui-cũng là một người theo gia đình vào Ia Pia làm kinh tế mới-vào năm 1989. Cầm trong tay số vốn ra riêng ít ỏi, vợ chồng ông tiếp tục sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày dù hiệu quả kinh tế không cao. Dành dụm được đồng nào, ông dùng mua đất để mở rộng sản xuất. Đến năm 1994, vợ chồng ông có được 4 ha đất và 1 cặp bò kéo cày.

 

Năm 1997, ông Nghị chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ bắp, mì sang cà phê với số lượng ban đầu là 500 gốc. Hai năm sau, ông lại xuống giống gần 2 ha cây điều địa phương rồi chuyển sang điều ghép vào năm 2004. Nhưng vì nhận thấy loại cây này khó thích nghi được với khí hậu nơi đây, năng suất thấp, không lợi nhuận, cho nên vợ chồng ông quyết định phá bỏ phần lớn để trồng 1.000 trụ tiêu. “Thời điểm đó ai cũng bảo vợ chồng tôi liều, vốn ít thậm chí kinh nghiệm chưa có mà dám đầu tư vào cây hồ tiêu, đó là chưa kể đến các yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng… Rồi khi thấy loại cây trồng này sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu nhập bước đầu khá cao, bà con trong thôn cũng như trên địa bàn xã bắt đầu rục rịch trồng theo. Riêng gia đình tôi, mỗi năm lại trồng thêm khoảng 200 trụ và đến nay đã được 3.600 trụ”-ông Nghị chia sẻ.

Có được thành quả ấy là cả một quá trình ông mày mò nghiên cứu qua sách báo hay chạy đôn chạy đáo khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm; tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nhằm nâng tầm hiểu biết của mình về việc trồng và chăm sóc cây tiêu. Năm 2009, ông tiên phong áp dụng mô hình IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) và cuối năm 2011, tiếp tục áp dụng mô hình tiêu sạch, hướng đến phát triển hồ tiêu bền vững. Bên cạnh đó, ông còn trồng cây đậu dại dưới gốc tiêu để ngăn chặn tuyến trùng, giữ ẩm, tăng độ phì nhiêu cho đất; trồng cây sống che bóng mát và đào mương thoát nước để bảo vệ vườn tiêu...

 

Ngôi nhà khang trang của vợ chồng ông hiện tại. Ảnh: Hồng Thi
Ngôi nhà khang trang của vợ chồng ông hiện tại. Ảnh: Hồng Thi

Nhờ biết vận dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc đúng cách nên tiêu nhà ông bị dịch bệnh rất hạn chế, tỷ lệ tiêu chết không đáng kể (khoảng 15%). Hiện tại, 2.200 trụ tiêu đã cho thu hoạch với năng suất trung bình 11 tấn. Ngoài tiêu, ông Nghị còn trồng thêm 1,2 ha bời lời và 0,8 ha điều. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 1,1 tỷ đồng.

Nói về gia đình lão nông Nguyễn Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ga-Trần Hiếu-cho hay: “Vợ chồng ông Nghị là hộ rất cần cù và chịu khó làm ăn. Không những tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Nghị còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con, vận động mọi người cùng nhau học hỏi và tiếp cận khoa học-kỹ thuật áp dụng vào sản xuất; hỗ trợ giống, vốn cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã để cùng nhau phát triển kinh tế; tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động với mức lương từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng. Đó là những việc làm đáng ghi nhận”.

Từ những nỗ lực của mình, ông Nghị được tuyên dương “Nông dân sản xuất giỏi” cấp huyện liên tiếp 3 năm liền (2011-2013) cũng như “Nông dân sản xuất giỏi” cấp tỉnh trong năm nay.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm