Phố núi Pleiku với những hàng quà… VIP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó chỉ là những hàng ăn sáng hay ăn giữa buổi rất đỗi phổ biến, giá cả bình dân, nhưng muốn mua được phải chuẩn bị sẵn tâm thế “xếp hàng” chờ đến lượt.
Một lần, tham dự cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh tổ chức ở cơ quan nơi tôi công tác, vào giờ giải lao giữa buổi sáng, chúng tôi được mời món bánh mì, thức uống tự chọn. Mọi người tấm tắc khen ổ bánh mì thơm ngon, hợp khẩu vị. Cô nhân viên văn phòng trẻ trung xinh đẹp, cười rạng rỡ: “Bánh mì Thu mà lại!”.
  Xe bánh mì Thu đông đảo khách đợi mua từ 6 giờ sáng đến tận khuya. Ảnh: Minh Triều
Xe bánh mì Thu đông đảo khách đợi mua từ 6 giờ sáng đến tận khuya. Ảnh: Minh Triều
Xe bánh mì Thu nằm ở góc đường Hùng Vương-Thống Nhất (TP. Pleiku). “Bén” hương vị ngay từ ổ bánh mì đầu tiên, hôm sau, từ sáng sớm, tôi dong xe máy đi mua về cho các con kịp giờ đến trường, cho mình lót dạ buổi lên lớp. Phải mất hơn 10 phút tôi mới có phần. Trong thời gian chờ, “tám” mới biết xe bánh mì Thu có từ giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, truyền đời đến bây giờ đã thế hệ thứ 4, qua nhiều vị trí đứng bán quanh khu vực dốc Lò Bò. Thu là tên của người cháu ngoại, thế hệ thứ 3, chừng 45 tuổi. Cùng phụ bán với chị có cô con gái xinh xắn và mau miệng. Người “sáng nghiệp” xe bánh mì thì đã qua đời. Vào giờ cao điểm, học sinh chuẩn bị đến trường, người đi làm đến công sở, 2 mẹ con chị Thu cùng người phụ nữ luống tuổi phụ việc luôn tay như múa hết công suất. Chốc chốc lại nghe điện thoại từ khách hàng đặt mua. Bận rộn là thế mà họ vẫn tươi cười: “Mỗi ngày bán được hơn 1.000 ổ bánh, có cả bánh trứng, nếu không nhanh tay để khách đợi lâu cũng phiền”-chị Thu cho biết.
Điều khiến bánh mì Thu trở nên đặc biệt là pa tê thơm ngon nhưng không hề ngậy; sợi ruốc thịt ngòn ngọt vị mặn đủ vừa, các loại chả mỗi thứ mỗi lát, có cả giò; kết hợp với cách nướng làm vỏ bánh nóng rộp đều mà không cứng, cùng vài lát dưa chuột, mấy loại rau thơm tạo hương vị đặc trưng, hấp dẫn. Cư dân lâu đời sành ăn ở Phố núi đều nhận xét chất lượng ổ bánh mì Thu khá ổn định, đồng giá 10.000 đồng/chiếc.
Nói đến hàng ăn sáng ở Pleiku không thể không nhắc đến xôi, có ở khắp ngõ hẻm, phố đông: xôi thúng, xôi xe, xôi quán bán, lò xôi chuyên bỏ mối nhà hàng tiệc cưới như xôi cúc bác Bằng hiện nằm trên đường Lê Thị Hồng Gấm... Ngay góc đường Hùng Vương-Võ Thị Sáu có một xe xôi lúc nào cũng đầy người đứng chờ tới lượt mua. Xe xôi này “mở cửa” từ rất sớm, chừng 5 giờ 30 phút. Lúc nào người mua cũng đứng lớp trong lớp ngoài. Không chỉ bán những món xôi truyền thống như: xôi nếp muối đậu, xôi cúc, xôi bắp, xôi đậu đen, xôi gấc… xe xôi này còn có xôi mặn ruốc thịt, giò chả, pa tê, lạp xưởng. Cái sự ngon ở đây nhờ vào nguyên liệu nếp, đậu, bắp chọn loại tốt; cách đồ xôi chín đều, mềm dẻo đúng độ dù ăn nóng hay ăn nguội. Muối chấm các loại xôi truyền thống được làm rất ngon, hương vị mặn ngọt đủ vừa cả khi chấm nắm xôi đẫm vào muối chấm. Thời gian đứng đợi dẫu có sốt ruột nhưng nhìn đôi vợ chồng người hàng xôi độ tuổi trung niên gương mặt hiền lành, phúc hậu (có hôm lại thêm cậu con trai khỏe khoắn, tuổi ngoài đôi mươi) bận rối mà từng lời với nhau, với khách hàng lúc nào cũng nhỏ nhẹ là lý do giữ chân khách không bước chân sang các hàng xôi bên cạnh.
Món bánh rán (còn gọi là bánh cam) của vợ chồng anh Thắng ngồi ở vỉa hè đường Trần Phú (cạnh ngã rẽ vào đường Thi Sách) “lên lửa” từ 14 giờ cũng thu hút đông đảo người đi đường dừng lại ghé mua. Dưới chiếc dù sắt tán rộng, chảo dầu cỡ bự sôi réo quanh những chiếc bánh cam từ màu trắng bột nếp chuyển dần sang màu vàng hươm. Nhịp độ đôi bàn tay chị vợ thoăn thoắt nặn bánh cho vào chảo, anh chồng vớt bánh vào rổ, đưa bánh và nhận tiền từ khách nhìn hài hòa, chuẩn xác như được lập trình. Bánh cam của vợ chồng anh Thắng hấp dẫn từ vỏ ngoài đến nhân bên trong. Sau miếng cắn rộp lúc bánh còn nóng ấm, vị béo giòn, bùi, ngọt như tan như hòa thấm vào kẽ răng, đầu lưỡi dậy lên vị ngon từ ký ức ngày thơ bé với món quà quê buổi mẹ đi chợ về…
 ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.