Theo dấu Cinchona

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ít ai biết rằng, gần hàng thông cổ thụ trăm tuổi tại khu vực Biển Hồ chè (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) từng tồn tại một vườn thuốc đặc biệt được người Pháp trồng để lấy vỏ làm nguyên liệu sản xuất thuốc ký ninh điều trị bệnh sốt rét. Đó là vườn cây Cinchona (canh-ki-na). Tại Việt Nam, loài cây này gắn liền với tên tuổi của nhà khoa học, bác sĩ nổi tiếng người Pháp Alexandre Yersin.
Theo một số tài liệu được ghi chép lại, từ năm 1869, một số nhà khoa học Pháp đã có ý định đưa cây Cinchona về trồng thử nghiệm tại một số nước thuộc khu vực Tây và Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến năm 1917, nhà khoa học, bác sĩ Yersin cùng các cộng sự của mình mới chính thức di thực thành công cây Cinchona về trồng tại một số cao nguyên ở Nha Trang và Đà Lạt.
  Một trong 4 cây Cinchona còn sót lại tại khu vực Biển Hồ chè.
Một trong 4 cây Cinchona còn sót lại tại khu vực Biển Hồ chè. Ảnh: Lê Hòa
Những tài liệu ghi chép về sự có mặt của cây Cinchona tại cao nguyên Pleiku gần như chưa được tìm thấy. Vậy nhưng, trong ký ức nhiều người từng sinh sống và gắn bó tại khu vực Biển Hồ chè vẫn còn lưu lại hình ảnh vườn Cinchona được trồng tại đây. Và điều may mắn là ngay sát hàng thông cổ thụ đoạn gần chùa cổ Bửu Minh hiện vẫn còn 4 cây Cinchona vươn mình giữa những vườn chè xanh mướt. Đây là minh chứng xác thực nhất cho sự có mặt của loài cây đặc biệt mà người Pháp từng mất hàng chục năm trời ròng rã tìm cách trồng thử nghiệm để phát triển tại Việt Nam.
Thượng tọa Thích Giác Tâm-Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Bửu Minh-nắm những thông tin khá xác thực về vườn Cinchona. Thượng tọa Giác Tâm cho rằng, vị trí khu vườn nằm tại địa phận thôn 2 (xã Nghĩa Hưng). “Thời đầu khai phá, đây là chốn rừng thiêng nước độc. Phu chè, người dân các làng sinh sống quanh vùng bị sốt rét rất nhiều. Người nào da cũng vàng bủng, bụng chướng bởi sốt rét. Đó là lý do người Pháp lập vườn Cinchona tại đây. Ngoài ra, Cinchona còn có tác dụng khử độc nước rất tốt, do đó khi tìm hiểu và phát hiện ra vị trí mạch nước ngầm dẫn từ Biển Hồ chảy về các khu làng công nhân, họ đã trồng cây ngay trên mạch nước để khử độc. Từ khi có vườn Cinchona, dòng nước trở nên mát lành”-Thượng tọa Giác Tâm chia sẻ câu chuyện.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng, người được sinh ra từ một trong những làng phu đồn điền chè Biển Hồ-cho rằng, vị trí vườn cây Cinchona chính xác là nằm tại khu vực cổng chào thôn 2 hiện nay, rộng tầm 2-3 ha. “Cây Cinchona không chỉ là “bộ máy” xử lý nguồn nước mà người dân còn dùng thân cây để giã ra làm thuốc chữa sốt rét. Nó rất đắng!”-ông Dũng nhớ lại.
Không giống như vườn cây Cinchona nhanh chóng bị xóa sổ, hàng thông cổ thụ tại Biển Hồ chè (cũng do người Pháp trồng) may mắn được gìn giữ cho đến hôm nay. 4 cây Cinchona còn sót lại không hề to lớn. Chúng chỉ ngang những cây thân gỗ tầm thấp và nhỏ bé hơn nhiều khi so dáng với những hàng muồng vàng được trồng chắn gió cho đồi chè. Quan sát sẽ thấy thân cây không có dáng vẻ tương xứng so với tuổi đời ngót trăm năm nhưng phần gốc lại khá lớn. Có lẽ, chúng đã từng bị cưa đốn, phần thân cây hiện nay là cành nhánh tái sinh. Theo ông Trịnh Đình Trường-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Biển Hồ, Công ty sẽ giữ lại 4 cây Cinchona để mọi người có thể đến tham quan, chiêm ngưỡng. 
…Đã ngót 100 năm kể từ khi người Pháp bắt đầu khai phá, thành lập các đồn điền chè tại khu vực Biển Hồ, dấu ấn người Pháp để lại sau công cuộc khai thác thuộc địa vẫn còn hiện diện không ít. Hầu hết chúng đã trở thành “di sản”: hàng thông cổ thụ trăm tuổi, đồi chè, những xóm phu đồn điền… Và từ đây, chúng ta còn biết thêm về một loài cây đặc biệt từng được người Pháp đem đến trồng trên vùng đất này: cây Cinchona.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.