Còn chút gì để nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo dự kiến, lượng du khách đổ về Gia Lai trong dịp Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sẽ rất đông. Nhưng để chuyến trải nghiệm này thực sự trở thành một chuyến đi của kỷ niệm, bạn đừng nên bỏ qua những điểm đến thú vị “ngoại vi” Festival.
Nếu ai còn vương tiếc nuối khi không thể về tham dự lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya vừa diễn ra thì “động hoa vàng” này đến thời điểm hiện tại vẫn còn đủ sức lay động. Những thảm hoa giữa đông càng rừng rực sắc vàng dưới chân núi, dọc những con đường hun hút chỉ có vàng hoa với ta. Núi lửa Chư Đăng Ya chỉ cách trung tâm TP. Pleiku chừng 25 km, nhưng trên con đường chu du để đến với miền dã quỳ-núi lửa này, đừng quên ghé thăm Biển Hồ-”Đôi mắt Pleiku” đẹp tự nhiên, thơ mộng được thiên nhiên ban tặng. Mặt nước xanh trong thăm thẳm soi bóng những rặng cây ven hồ, soi bóng huyền tích đẹp về vùng đất, soi cả những tâm tư của chính bạn khi tĩnh lặng dạo chơi vòng quanh. Sẽ có thêm những bất ngờ cho du khách khi đến tham quan danh thắng Biển Hồ dịp này, đó là chiêm bái tượng Phật Quan Thế Âm tại nơi trước kia là vọng lầu ngắm “viên ngọc bích” từ trên cao. Cũng trên cung đường chu du này, xa hơn một chút về phía Bắc là chùa cổ Bửu Minh, vườn chè trăm tuổi và những hàng thông cổ thụ. 
 Làng Văn hóa-Du lịch Plei Ốp (TP. Pleiku)-nơi diễn ra “Lễ mừng nhà rông mới” của dân tộc Bahnar. Ảnh: K.N.B
Làng Văn hóa-Du lịch Plei Ốp (TP. Pleiku)-nơi diễn ra “Lễ mừng nhà rông mới” của dân tộc Bahnar. Ảnh: internet
Làng trong phố vốn là đặc trưng hấp dẫn của đô thị cao nguyên này, do đó du khách không nên bỏ lỡ cơ hội được sống chậm khi ngoạn du nơi này. Làng Văn hóa-Du lịch Plei Ốp là nơi sẽ diễn ra một hoạt động khá thú vị của Festival lần này, đó là “Lễ mừng nhà rông mới” của dân tộc Bahnar. Sẽ là một trải nghiệm khó quên khi thưởng thức một sự kiện văn hóa diễn ra trong không gian sinh sống vốn có của nó-không gian làng. Nhưng đừng vội rời làng khi “Lễ mừng nhà rông mới” kết thúc. Từ nhà rông, du khách hãy bộ hành vào sâu bên trong để cảm nghiệm không gian của người bản địa. Thấp thoáng những mái nhà xen lẫn trong vườn cà phê đang mùa chín đỏ. Dã quỳ vàng miên man trên những con đường nhỏ dọc ngang chia làng thành một bàn cờ. Trên nẻo đi ấy, thấp thoáng những nụ cười trẻ thơ, những chiếc gùi sau lưng các bà mẹ sau một ngày nương rẫy trở về nhà. 
Cách trung tâm thành phố chừng chục cây số, Công viên Đồng Xanh được ví như một Tây Nguyên thu nhỏ, nơi này đồng thời diễn ra 2 nghi lễ: “Lễ cầu an” của dân tộc Bahnar (tỉnh Kon Tum) và “Lễ sạ lúa” của người Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng). Vì sao Đồng Xanh lại được ví như một Tây Nguyên thu nhỏ? Điều đó tùy thuộc cảm nhận của mọi người. Có phải ở những khu nhà mồ với hệ thống tượng gỗ phong phú, đủ trạng thái cười khóc, vui buồn, ở âm điệu tự nhiên của trưng gió, trưng nước dìu dặt, trầm bổng lúc xa lúc gần dẫn dắt bước chân du khách phải kiếm tìm. Hay ở những thác nước nhân tạo nhưng có đủ sự hùng vỹ giữa những khe đá và cổ thụ, những “kỳ hoa dị thảo” nở suốt 4 mùa, những giống chim quý dâng hiến tiếng hót làm vui… 
Trở về Phố núi, ngay giữa trung tâm lễ hội có một nơi bạn rất dễ bỏ qua nếu không thực sự chú ý, đó chính là Bảo tàng tỉnh-nơi lưu giữ những giá trị tuyệt vời của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Có những điều, những thứ bạn khó tìm thấy trong lễ hội, nhưng sẽ tìm thấy tại Bảo tàng qua những hiện vật được dày công sưu tầm. Bảo tàng tỉnh được đánh giá là bảo tàng hàng đầu khu vực Tây Nguyên bởi sự phong phú về số lượng hiện vật còn lưu giữ. Với hàng ngàn hiện vật, cổ vật tái hiện dòng chảy văn hóa của cư dân bản địa, du khách có thể tìm về với thời gian đã mất để có một sự so sánh thú vị giữa sắc màu lễ hội ngoài kia với những gì còn lưu giữ.
Đêm xuống, trong khí trời se lạnh đặc trưng, Phố núi có rất nhiều quán trà, cà phê ấn tượng để bạn có thể bắt đầu những cuộc truyện trò về chuyến đi, về vùng đất, lắng nghe những gì còn đọng lại sau cùng trong tâm trí. Ngoài những quán trà cung đình, du khách có thể tìm lại chút bâng khuâng với cà phê “Huế xưa”-một kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của kinh đô xưa hoặc một số quán gắn với những thương hiệu cà phê nổi tiếng như: Lamant, Classic, Thu Hà…
Bên những tách trà, cà phê nóng, khách chầm chậm cùng Phố núi chìm vào sự êm đềm, tĩnh lặng của đêm. Họ vì hội hè mà đến. Nhưng hội hè có thể kết thúc, còn kỷ niệm thì không. Phố núi Pleiku sẽ khiến người ta nhớ như nhớ đến cái ôm thật dịu dàng, tình cảm.
Minh Châu

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.