Cơm gà Mỹ Tâm: Ký ức và hiện tại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1981, trong buổi chiều đầu tiên tôi lên Pleiku nhận công tác ở Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum, một ông “ma cũ” là anh P.T.D., cùng làm ở Phòng Văn nghệ với tôi bảo: “Chiều đi ăn cơm gà Mỹ Tâm, tao bia mày cơm, kỷ niệm ngày đầu tiên mày lên Pleiku và chia tay tao, tuần sau tao về Hà Nội, mày ở lại ngoan nhé”.
Trước đấy, thời sinh viên, tôi hay đi tàu chợ (là những chuyến tàu không có ghế hoặc ghế gỗ nhưng rất ít, người ngồi lẫn với hàng, với cả... súc vật vạ vật dưới sàn tàu). Những chuyến tàu Huế-Vinh thường xuyên có những bà, những chị đội cái thúng bán cơm, trong ấy có cơm và thịt gà kho. Cơm xới ra mỏng dẹt trên đĩa, có một hai lát thịt gà và rưới thêm thứ nước kho thịt vàng vàng. Cái màu vàng kia chính là nghệ, họ kho gà với nghệ để bán cho khách đi tàu. Ôi giời, đấy là những đĩa cơm trong mơ của bọn sinh viên chúng tôi, bởi rất ít đứa có tiền để ăn. Đa phần là chúng tôi nhảy tàu đi chơi, trước khi đi đã chuẩn bị... bánh mì, là tiêu chuẩn cắt cơm những ngày ấy. Thế nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn... tiêu hoang, kêu mỗi đứa một đĩa cơm gà, hôm ấy thấy đời lên hương, lâng lâng suốt, hát hò suốt. 
  Tiệm cơm gà Mỹ Tâm.   (Ảnh nguồn internet)
Tiệm cơm gà Mỹ Tâm. (Ảnh nguồn internet)
Hôm ăn cơm gà Mỹ Tâm với anh P.T.D. ấy, một đĩa cơm đỏ xụm được bưng ra. Ban đầu, tôi nghĩ, có lạ quái gì, chắc cũng tương tương cơm gà tàu chợ thuở nào. Nhưng khi ăn thì mới biết nó không phải thế. Nó là cả một thiên đường theo kiểu khác. Năm 1981 mà mỗi đứa một đĩa cơm gà Mỹ Tâm, chai bia con cọp chia hai, chả thiên đường thì là cái gì nữa?
Cách mấy năm sau, hôm ấy cũng chơi sang, là mới có nhuận bút, bèn xông vào Mỹ Tâm ăn cơm gà. Đang cắm cúi với cái xương giòn rụm chợt nghe tiếng kéo cửa sắt roàn roạt, tiếng người nhốn nháo như có... biến. Ngẩng lên, thì ra là nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín vào ăn. Và dân đổ xô vào xem... nghệ sĩ. Cửa sắt đóng rồi mà vẫn bị bu đầy. Mới nghĩ bụng, ông nghệ sĩ đẹp trai này cũng nghiện... cơm gà, mà rồi vì thế mà quán bị vạ lây, vì nghe nói sau đấy mấy cái cửa xếp bị cong hết.
Lại nhớ một cái Tết cũng đến hơn hai mươi năm rồi, giữa ngọ mùng 5, nhà thơ Phạm Doanh, hồi ấy là Phó Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Đak Lak dẫn một xe 15 anh chị em văn nghệ sĩ Đak Lak ập vào nhà tôi. Bối rối, bởi nếu ngồi tại nhà thì đông quá, mà ra ngoài thì chưa quán xá nào mở cửa. Hồi ấy còn bao cấp nhưng quán xá và dịch vụ chơi rất sang, nghỉ trước 23 tháng Chạp và sau rằm mới mở lại, chứ không như giờ, 30 Tết vẫn bán và trưa mùng Một đã mở lại, thậm chí sáng mùng Một Tết chợ đã họp. Vừa may vợ tôi hiến kế: Ra Mỹ Tâm. Thế là tôi mời các bạn ra cơm gà Mỹ Tâm kêu mỗi người một đĩa, xách theo chai rượu Tết của nhà. 
Trong đoàn có mấy chị tiểu thư, thấy đĩa cơm bưng ra, các chị nghĩ nó giống như cơm bụi tẩm màu trong chợ nên ban đầu có vẻ cảnh vẻ, gẩy gẩy làm cảnh. Nhưng sau thìa cơm thứ 3, thứ 4 chi đó thì tôi thấy tay các chị hoạt bát hẳn, mắt các chị lúng liếng hẳn và câu chuyện cũng khoáng hoạt hơn dù các chị vừa trên xe đi 200 cây số xuống. Sau này, một bạn thơ còn nhắn tin cho tôi: “Bữa cơm ấy của anh đúng là cơm phiếu mẫu”. Và dẫu không tò mò nhưng nhìn cái cảnh tượng 15 cái đĩa gần như không còn hạt cơm nào dính, các cánh gà hoặc đùi-tương đương một phần tư con gà-cũng tương tự thế là đủ hiểu. Gà ở đây luộc rồi mới rán nên xương rất giòn, chả cứ các bác đàn ông, mà các tiểu thư cảnh vẻ cũng rôm rốp tan hết, rất ít phần còn sót...
Cái quán Mỹ Tâm giờ vẫn ở chỗ cũ, dẫu nó xập xệ nhất ở khu này. Nhiều người nói sinh ra đã thấy nó, như một phần của Pleiku, một góc nhớ, một góc ký ức, hằng nhiên như thế, tự tại như thế, tất yếu thế. Những ai ở Pleiku từ ngày xưa thì đều biết cái khu đất ấy nó đắc địa đến như thế nào. Bây giờ mở ra, nhiều khu khác trở thành “trung tâm” chứ ngày xưa ngã ba Diệp Kính chính là trái tim của Pleiku và cơm gà Mỹ Tâm tọa lạc ở đấy chứng tỏ nó từng là một đẳng cấp.
Giờ đã có Mỹ Tâm 2 ở cách đấy một đoạn, rộng hơn, có chỗ đậu xe... nhưng mỗi trưa, mỗi chiều thấy cái Mỹ Tâm cũ cũng vẫn cứ đông nghẹt người. Tôi hay được nhờ bạn bè thiết kế các tour khi vào Tây Nguyên du lịch và cơm gà Mỹ Tâm bao giờ cũng được tôi dành cho một buổi với chú thích: Không phải chỉ vì rẻ mà là nó ngon thật sự và là một phần ký ức của Pleiku...
Pleiku giờ cũng có thêm nhiều quán cơm gà khác, nhưng nhiều người vẫn đến với Mỹ Tâm, như một hoài niệm, mà lại cũng rất hiện tại. Lại chợt nghĩ, dễ gì một bữa ăn mà lại có sự vang vọng cả ký ức và hiện tại như thế!
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.