Hoang sơ thác Lệ Kim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những dòng thác đẹp của huyện Ia Grai, thác Lệ Kim còn giữ được nét hoang sơ, mang đến cho du khách nhiều hứng thú khi đặt chân tham quan.

Thác Lệ Kim cách TP. Pleiku gần 40 km, nằm trên địa bàn xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Bắt nguồn từ suối Ia Pếch, dòng nước đục đỏ màu đất bazan chảy về địa phận xã Ia Tô, gặp đoạn địa hình đứt gãy, nước cứ đua nhau mà đổ xuống một hồ nước rồi tiếp tục chảy về phía hạ du-ấy là thác Lệ Kim. Bây giờ, người dân các làng quanh thác chẳng còn biết ai đã đặt cho dòng thác một cái tên diễm lệ như tên gọi của một thiếu nữ.

 

Thác Lệ Kim.                                                                                                  Ảnh: N.T
Thác Lệ Kim. Ảnh: N.T

Huyện Ia Grai có nhiều dòng thác đẹp và hoang sơ như: Lệ Kim (xã Ia Tô), Chín Tầng (xã Ia Sao), Ba Tầng (xã Ia Khai)… nhưng đẹp nhất vẫn là thác Lệ Kim. Đứng tại nơi nước bắt đầu đổ xuống, phóng tầm mắt sẽ nhìn thấy một vùng rộng lớn với nhiều cây cối xanh tươi. Hai bên là vách đá sừng sững. Do ít chịu sự can thiệp của con người nên thác Lệ Kim còn hoang sơ. Để tìm được đường xuống chân thác, chúng tôi phải men theo một lối mòn nhỏ trơn trượt bên vách đá. Đang là mùa mưa nên đường đã khó càng khó đi hơn. Tuy nhiên, khi vượt qua những khó khăn ban đầu ấy sẽ mang đến một niềm thích thú khi nhìn thấy toàn cảnh ngọn thác này.

Từ độ cao khoảng 30 mét, dòng nước đổ qua vách đá sừng sững rơi xuống dưới. Nước tung bọt trắng xóa tạo một vùng mờ ảo như sương. Dưới chân thác có một vòm đá cao hơn 20 mét, dài khoảng 30 mét và rộng hơn 10 mét, nước thấm qua đất đá kết thành hạt nhỏ xuống nền đất phía dưới vòm đá. Có thể đứng trong mái vòm giữa thác để giơ tay hứng lấy những dòng nước đổ ào ạt từ trên cao xuống. Xung quanh thác còn nhiều cây to, trong đó có một cây sung tỏa bóng che mát khu vực dưới chân thác. Dưới gốc cây sung già là những hòn đá vuông vức xếp chồng lên nhau. Ngồi trên những hòn đá dưới bóng cây sẽ nghe được âm thanh kỳ thú như một bản nhạc núi rừng từ tiếng gió thổi vọng vào vách đá hòa cùng tiếng reo của thác nước.

Già Ksor Soát-người sống ở gần ngã ba Cây Cầy (xã Ia Tô) kể rằng: Trước đây, thác Lệ Kim là nơi hò hẹn và điểm vui chơi của thanh niên các làng Jrai quanh đây. Đặc biệt là vào mùa nắng, người dân thường tập trung đông ở đây để tận hưởng không khí mát mẻ. “Bây giờ, người dân các làng ít ra đây rồi, chủ yếu là những người đánh bắt cá và người dân nơi khác đến. Thường đến dịp Tết, mọi người đến tham quan đông lắm, có nhiều người còn mang theo cả thức ăn và đồ uống”-già Soát nói.

Là một dòng thác đẹp và còn giữ được nét hoang sơ nên thác Lệ Kim đang được nhiều du khách thập phương ghé thăm. Nơi đây cũng là địa điểm để các cặp đôi lựa chọn ghi lại khoảnh khắc của tình yêu.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.