Nước sạch về vùng khó Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dòng nước trong vắt tuôn trào từ những van nước của một chiếc bồn chứa hàng trăm mét khối tại xã Ayun. Tiếng nô đùa của các mẹ, các chị rôm rả hứng nước vào bầu rồi gùi từng tốp về nhà, lên rẫy... Một buổi sáng thật náo nhiệt làm tôi liên tưởng đến thời xa xưa, nơi đầu làng những giọt nước róc rách chảy ra từ khe núi của Yàng cho. Nhưng đây lại là nước sạch do Nhà nước quan tâm đầu tư cho xã đã một năm nay.
Tôi lần về đầu mối cấp nước theo hướng dẫn của anh Ngô Thanh Việt-Phó Giám đốc Công ty Cấp nước Chư Sê. Một nhà máy được xây dựng bên bờ hồ Ia Ring (thôn Thái Hà, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, Gia Lai) với nhiệm vụ bơm lấy nước và xử lý nghiêm ngặt để cho ra dòng nước mát lành, trong sạch.
  Nước sạch về với người dân  xã Ayun (huyện Chư Sê). Ảnh: A.S
Nước sạch về với người dân xã Ayun (huyện Chư Sê). Ảnh: A.S
Tôi tham quan một vòng nhà máy. Đầu hút nước được đặt giữa lòng hồ Ia Ring, một trạm bơm nước thô 400 m3/giờ dẫn nước vào bằng một cầu phao để lên bồn chứa, bồn lọc. Có một phòng lấy mẫu nước kiểm nghiệm hàng tháng báo về Trung tâm Y tế Dự phòng. Tất cả các hệ thống của nhà máy đều vận hành tự động. Với công suất thiết kế 9.000 m3/ngày, tổng kinh phí 125 tỷ đồng, nhà máy chính thức khởi công vào tháng 10-2016, cung cấp nước cho 8.000 hộ ở thị trấn Chư Sê và giải quyết khó khăn về nguồn nước của 2 xã Hbông và Ayun. Đường ống chính được dẫn theo trục quốc lộ 14 về đến thị trấn Chư Sê (chừng 20 km). Từ đó đường ống đưa nước về xã Ayun phải qua một chặng đường vượt đèo Tung Ke quanh co khúc khuỷu 15 km nữa để chảy về bể chứa.
Cách đây không lâu, 3.400 nhân khẩu thuộc 14 làng của xã Ayun phải tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt bằng cách moi cát dọc sông Ayun thành giếng cạn để lấy nước ăn uống hoặc tắm giặt. Thực tế, hơn 15 năm trước, tỉnh cũng đã chủ trương khoan giếng tại đây nhưng nước lại bị nhiễm phèn, vôi khiến người dân thường xuyên bị các bệnh về đường ruột.
Ông Phạm Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Ayun-cho biết: “Từ ngày nước sạch về xã vào đầu năm 2018, 465/866 hộ của các làng Tung Ke 1, Tung Ke 2, Vương, Achép, Hvắk 1, Hvắk 2 đã được thụ hưởng với định mức 50 lít/hộ/ngày đêm. Các làng còn lại nước chưa đến được. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có nước sạch cho toàn xã. Về lâu dài khi đã xã hội hóa, người dân sẽ tự trả tiền nước”.
Ông Đinh Nhêr-cựu chiến binh ở làng Tung Ke 1-vui mừng nói: “Từ ngày Nhà nước cho nước sạch để nấu ăn, nhà mình không còn đau bụng nữa nên không phải lên trạm y tế xin thuốc uống. Trước kia, mùa lũ nước đục ngầu cũng phải uống, chứ biết tìm đâu ra hơn”. Chị Dương Thị Non Bồng-phụ trách Y tế xã Ayun-cũng xác nhận tỷ lệ người mắc bệnh đường ruột trên địa bàn xã từ đầu năm 2018 đến nay đã giảm 18%.
Chúng tôi dạo một vòng xuống các làng dưới tiết trời mùa khô. Đường làng một số nơi còn là đường đất. Đến một điểm làng có bể nước thì gặp nhiều người đang vây quanh bên những vòi nước để hứng vào can, vào chai nhựa rồi mang về nhà, lên rẫy. Gương mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi. Với một xã vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn như Ayun, việc các cấp chính quyền nỗ lực giải quyết bài toán nước sinh hoạt đã khiến người dân thật sự yên tâm. Có nước sạch mới có thể kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của xã trong nay mai.
An Sinh

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.