Cần thận trọng khi chọn ngành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1” vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa lấy điểm tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 có một số nét mới căn bản. Vì vậy, thí sinh nên thận trọng khi đăng ký chọn ngành nghề tương ứng với nguyện vọng và năng lực thực tế.

Hiện nay, đa số học sinh cuối cấp THPT không quan tâm lắm đến việc có đủ điểm tốt nghiệp phổ thông trong kỳ thi THPT Quốc gia hay không, vì dường như nó trở thành đương nhiên với học sinh có học lực trung bình trở lên, mà điều các em lo lắng là điểm số xét tuyển vào đại học theo nguyện vọng của mình. Để xóa dần những bất bình đẳng về điểm số xét tuyển, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có quy định giảm điểm ưu tiên khu vực 50% so với các năm trước và làm tròn điểm ở 2 chữ số thập phân (ví dụ 4,993 thì làm tròn 4,99 chứ không làm tròn 5,00).

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rút kinh nghiệm năm ngoái do đề thi chưa có tính phân hóa cao nên xảy ra tình trạng “mưa điểm 10” ở nhiều môn thi, năm nay độ khó của đề thi sẽ được tăng lên, ít nhất là sẽ có 30% số câu hỏi dùng để phân hóa trình độ thí sinh. Như vậy, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không còn nhiều như mọi năm. Do đó, các trường phổ thông cần nắm bắt để có kế hoạch ôn tập thật sát chương trình theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Đối với công tác tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng đã bắt đầu khởi động từ đầu tháng 3-2018. Một trong những thay đổi quan trọng năm nay là bộ chủ quản bỏ quy định điểm sàn đối với các cơ sở đào tạo, giao quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh. Riêng với các trường đại học, cao đẳng ngành Sư phạm, Bộ GD-ĐT đã có quy định riêng nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào như: yêu cầu học sinh lớp 12 phải đạt học lực giỏi mới được xét tuyển vào đại học sư phạm, học sinh khá mới tuyển vào cao đẳng sư phạm…

Trong các ngành đào tạo đại học, năm nay sẽ có thêm 100 ngành mới được phép tuyển sinh. Riêng ngành Sư phạm sẽ mở các khoa đào tạo tiếng dân tộc ít người như: tiếng Khmer, Jrai, Xê Đăng… nhằm đáp ứng cho yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp đến. Đây là điều kiện thuận lợi cho thí sinh lựa chọn ngành nghề trong tương lai, song cũng cần cẩn trọng và được tư vấn đầy đủ, cần tránh những “cảm xúc nhất thời” để hối tiếc về sau.

Năm nay, mặc dù các trường đại học ở tốp trung bình và tốp dưới đã được “tháo khoán” nhưng cũng sẽ không dám liều lĩnh tuyển sinh ồ ạt nếu còn muốn tồn tại lâu dài. Chất lượng sẽ luôn được đặt lên hàng đầu; bên cạnh đó, việc phải lo đầu ra cho sinh viên là yêu cầu bắt buộc, khiến các cơ sở đào tạo phải vào cuộc. Tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu của xã hội sẽ được hạn chế dần và thí sinh cũng ngày càng nhận thức thực tế hơn nhờ thông tin cập nhật.

Theo thống kê, năm 2017, số học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng khoảng 41%; vào cao đẳng nghề, trung cấp 23%, học nghề khoảng 13%. Dự báo, năm 2018, có thể con số vào cao đẳng, đại học sẽ cao hơn vì bỏ điểm sàn nhưng sẽ không có đột biến vì phụ huynh và học sinh không còn chạy theo bằng cấp bằng mọi giá như trước đây.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.