Nghị lực vượt khó của Siu Beo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được sự giới thiệu của Huyện Đoàn Đức Cơ, Gia Lai chúng tôi về thăm mô hình kinh tế vườn của anh Siu Beo (SN 1989) ở làng Mook Trê (xã Ia Dom). Chính quyết tâm thoát cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương đã giúp anh Siu Beo thành công.

Cái nghèo mãi đeo bám gia đình nên từ nhỏ Siu Beo đã quen với việc phụ giúp bố mẹ làm rẫy. Nghỉ học giữa chừng khi đang lớp 11, Siu Beo bắt đầu đi làm thuê làm mướn để vừa có thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm sản xuất. Năm 2008, Siu Beo cưới vợ và được bố mẹ cho 2 ha vườn điều để lập nghiệp. Tuy nhiên, do vườn điều thiếu kỹ thuật, thiếu nước tưới… nên thường xuyên mất mùa, sâu bệnh. Vì vậy, anh đã mạnh dạn chặt bỏ những cây già cỗi rồi vay hơn 70 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ, vay mượn thêm từ bạn bè và dốc hết tiền tiết kiệm vào việc cải tạo vườn điều, đưa giống mới vào trồng.

 

Anh Siu Beo đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: P.L
Anh Siu Beo đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: P.L

Bên cạnh đó, anh còn chịu khó tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc điều do xã phối hợp tổ chức, thường xuyên tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt qua ti vi để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Anh chia sẻ: “Dù khó khăn nhưng mình vẫn quyết tâm bám vườn. Nếu chịu khó thì nhất định sẽ thành công”.

Nhờ đó, vườn điều đã cho năng suất khá cao, mang lại nguồn thu nhập tốt. Siu Beo lại dành một phần thu nhập trả nợ vay, một phần tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, gia đình anh có 3 ha điều, 500 cây cà phê, 600 cây cao su, 5 sào bơ, 1 ha mì. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Công việc bận rộn, vất vả từ sáng đến tối mịt nhưng Siu Beo rất vui, bởi anh đã lập nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương. Anh Siu Beo tâm sự: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với mình cũng như nhiều hộ dân ở đây là đường từ làng vào khu sản xuất gần 10 km nhưng có quá nhiều dốc núi, suối Trôi mùa mưa ngập lớn không qua lại được. Vì thế, việc vận chuyển nông sản gặp khó khăn, ảnh hưởng tới giá cả nông sản. Mình mong sao có một con đường đi lại thuận tiện để mọi người yên tâm phát triển kinh tế”.

Từng là Bí thư chi đoàn làng Mook Trê từ năm 2012 đến 2016, hiện anh vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương. Bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những thanh niên có khát vọng làm giàu. Anh còn tạo thu nhập cho đoàn viên thanh niên địa phương bằng cách thuê làm cỏ vườn cà phê, cao su. Anh Đinh Hữu Năng-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Dom, cho biết: “Anh Siu Beo là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Chúng tôi thường tổ chức cho anh em đến tham quan mô hình kinh tế của anh Siu Beo để học tập, giúp họ có thêm niềm tin để lập nghiệp thành công trên quê hương mình”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

270 đội viên, thiếu nhi TP. Pleiku được trang bị kỹ năng phòng cháy-chữa cháy

270 đội viên, thiếu nhi TP. Pleiku được trang bị kỹ năng phòng cháy-chữa cháy

(GLO)- Sáng 17-3, Cụm thi đua số 3 (trực thuộc Hội đồng Đội TP. Pleiku) phối hợp với Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Phòng cháy-chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Gia Lai tổ chức hoạt động tuyên truyền phòng cháy-chữa cháy, phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước năm học 2023-2024.
Hoạt động về nguồn thu hút hơn 100 đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia. Ảnh Vũ Chi

Hơn 100 đoàn viên, thanh niên, học sinh về nguồn tại Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi

(GLO)- Chiều 14-3, Đoàn xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Trường THCS Quang Trung tổ chức hoạt động về nguồn, giao lưu văn nghệ, kể chuyện truyền thống tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi.