(GLO)- Chỉ cách trung tâm xã 5 km, cách đường tỉnh 666 chưa đầy 10 km, nhưng để vào được làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang với thời tiết thuận lợi phải mất khoảng một giờ đi xe máy. Còn trời mưa vào được làng thì thực sự là một thử thách.
Chúng tôi đến UBND xã Lơ Pang liên hệ công tác đúng thời điểm xã có cuộc họp, vì vậy chưa thể nắm được thông tin từ xã. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của một thầy giáo đã có thời gian công tác tại Pờ Yầu dẫn đường, chúng tôi quyết tâm vào tận làng.
Vượt rừng núi vào làng
Ảnh: Duy Hiển |
Con đường đất bắt đầu từ bìa rừng còn ướt đẫm bởi trận mưa đêm hôm trước. Xe chạy khoảng vài trăm mét qua Trạm Quản lý Bảo vệ rừng làng Len, chúng tôi đã phải đối mặt với con dốc đầu tiên. Hai chiếc xe 110 phân khối đều cài về số một, vậy mà người ngồi sau vẫn phải tụt xuống để xe ì ạch bò lên dốc.
Chúng tôi thay nhau người lái xe rồi người đi bộ từ từ vượt qua ngọn núi thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường cách bìa rừng khoảng 4 km, chiếc điện thoại báo tín hiệu “không có dịch vụ”, thầy giáo dẫn đường giải thích: “Bắt đầu từ nơi này vào đến trong làng sóng điện thoại vẫn chưa có”.
Hết lên dốc, đoạn xuống dốc cũng nguy hiểm không kém, hai chiếc xe máy liên tục trở về số hai rồi số một, kết hợp với thắng chân. Chúng tôi suýt bị lộn nhào bởi những khúc cua “tay áo”, dốc đứng, những đoạn gỗ rừng chắn ngang đường bị đổ rạp bởi những vết cưa máy vẫn còn mới. Thỉnh thoảng bắt gặp một vài chiếc xe ô tô trọng tải khoảng 3 tấn, bánh xe quấn xích, phủ kín bạt trên thùng xe, chầm chậm tiến về phía cửa rừng. Nhọc nhằn hơn một giờ, qua hai ngọn núi chúng tôi cũng vào đến Pờ Yầu. Ngôi làng yên bình nằm gọn một góc núi.
Đã quá trưa, trong làng chỉ còn những người già và trẻ con đang nô đùa. Rất may chúng tôi gặp được anh Đinh Mra vừa về nhà lấy cơm mang ra chỗ làm. Mra nhanh nhảu: “Mấy ngày mưa vừa qua làm hỏng cầu đoạn đường sang xã Hà Ra, dân làng đang chuyển gỗ làm lại cầu, các anh có đi thì theo mình”. Hướng đường sang nơi làm cầu của dân làng cũng không kém phần nguy hiểm, đường quanh co, dốc cao, hiểm trở.
Qua một chiếc cầu gỗ tạm, chúng tôi cũng đến nơi dân làng tập trung làm cầu. Gọi là cầu nhưng thực tế là một cây gỗ rất to rỗng ruột, được chắn ngang qua suối, sau đó đắp đất lên trên. Ai cũng nóng lòng để làm cho xong, vì để đến khu trồng lúa nương, bời lời của đa số người dân đều phải qua “chiếc cầu” này.
Mong lắm một con đường
Dân làng tập trung đẩy khúc gỗ xuống suối để bắc cầu. Ảnh: D.H |
Làng Pờ Yầu có 95 hộ đều là người Bahnar, với 447 nhân khẩu, 100% thuộc diện hộ nghèo. Từ tháng 6 đến tháng 8 là thời kỳ mùa giáp hạt, thời điểm khó khăn nhất trong năm của dân làng. Người dân Pờ Yầu cũng không quan tâm đến thời gian trong tuần vì thứ bảy, chủ nhật họ đều phải đi làm, chỉ khi có việc làng mới ở nhà. Nguồn thu nhập chính của dân làng Pờ Yầu là lúa nương và bời lời. Thông thường để làm nhà xây hay mua xe máy, người dân đều lấy vài đám bời lời để đổi trực tiếp với thương lái.
Chính vì nghèo mà đến thời điểm này cả làng mới có anh Đinh Tèo học hết lớp 12, đang đảm nhiệm thư ký thôn kiêm y tế thôn. Qua lời kể của các cô giáo chúng tôi được biết, học sinh từ mẫu giáo đến tiểu học ở đây đều rất ngoan, ham học, các buổi học đều có mặt đông đủ. Nhưng đến trung học cơ sở thì các em nghỉ dần để giúp gia đình làm nương rẫy.
Trao đổi với chúng tôi, Thôn phó H’Yi không giấu nổi niềm mong mỏi: “Thực tế một phần vì các gia đình còn phải lo cái ăn, phần vì đường đi lại quá khó khăn, trong làng chỉ có trường tiểu học và mầm non nên không thể học cao hơn. Nguyện vọng duy nhất của làng bây giờ là mong sao có con đường thuận lợi để đi lại, các cháu đi học, chứ như bây giờ làng mình khổ lắm”.
Thiết nghĩ, nguyện vọng của người dân Pờ Yầu là rất chính đáng, có lẽ trước mắt chỉ cần một con đường cấp phối để ít nhất xe máy có thể đi lại vào mùa mưa cũng là điều đáng làm.
Duy Hiển-Nguyễn Vinh