Sinh ra là một người bình thường, nhưng từ năm 20 tuổi, Christine Hà bắt đầu mất dần thị lực do một căn bệnh hiếm gặp và vài năm sau cô hoàn toàn không còn nhìn thấy gì. Với nghị lực phi thường, Christine Hà đã vượt qua trở ngại, nhận bằng Thạc sĩ Mỹ thuật của Chương trình Viết sáng tạo, Đại học Houston, nơi cô là biên tập chính cho Tạp chí văn học Gulf Coast, và bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh từ Đại học Texas. Cô cũng là biên tập viên về văn học nghệ thuật cho nhiều tạp chí Mỹ.
Christine Hà nấu ăn cùng phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Làng nông nghiệp di sản Agritage Vân Hồ, Bản Bướt, Hòa Bình. Ảnh: M.HẰNG |
Năm 2012, ở tuổi 32, Christine Hà đăng quang Vua đầu bếp Mỹ mùa thứ 3. Vượt qua khoảng 100 thí sinh khác trong vòng chung kết, cô là người gốc Việt đầu tiên giành danh hiệu danh giá này, cũng là đầu bếp khiếm thị đầu tiên tham gia cuộc thi. Chưa từng học nấu ăn chuyên nghiệp, Christine Hà chinh phục ban giám khảo cuộc thi bằng tài năng thiên bẩm, bằng cả tâm hồn đam mê ẩm thực với những món ăn mang hương vị Việt Nam. Đó là thế mạnh của cô so với các thí sinh khác, và hơn hết, với chính cô, đó là một phần trong trái tim.
“Yếu tố văn hóa và di sản Việt Nam ảnh hưởng khá nhiều đến phong cách nấu nướng và cuộc sống của tôi”, Christine Hà chia sẻ trong chuyến trở về Việt Nam vào tháng 9 vừa qua theo chương trình “Sứ giả nghệ thuật” do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức.
Sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở Mỹ, song Christine Hà thường xuyên được ăn những món ăn Việt do bà, mẹ nấu. Christine Hà rất thích các món ăn như thịt kho, cơm tấm sườn, bún bò Huế… Năm 14 tuổi, mẹ cô mất vì bệnh. Khi đó Christine Hà chưa nghĩ nhiều đến việc học nấu món Việt, nhưng rồi một ngày cô nhận ra rằng, nếu mình không tự nấu thì sẽ chẳng ai nấu cho những món ăn mang đầy ký ức về bà, về mẹ như thế. Từ đó, cô bắt đầu tự học nấu ăn, hoàn toàn bằng sự tưởng tượng những hương vị mẹ cô đã nấu, và bằng sự nhạy bén của các giác quan khác thay cho đôi mắt.
“Sau khi học được cách nấu cơ bản, tôi thấy mình thích chia sẻ việc nấu nướng và chia sẻ văn hóa ẩm thực ảnh hưởng từ Việt Nam. Các thí sinh tham gia cuộc thi (Master Chef) mang đến những món ăn ngon nhất thế giới, nhưng tôi muốn kể câu chuyện của mình, là mình, muốn món ăn có yếu tố văn hóa trong đó”, Christine Hà chia sẻ.
Sau cuộc thi tới nay, Christine Hà đã mở 3 nhà hàng trên nước Mỹ, trong đó 2 nhà hàng chuyên về món Việt. Nhà hàng đầu tiên của Hà ở Houston, “The Blind Goat”, là những món ăn đường phố Việt Nam được biến tấu với chút phong cách Texas. Nhà hàng thứ 2 của cô có tên thuần Việt “Xin Chào”, khai trương tháng 9-2020 cùng với đầu bếp Tony Nguyen, chuyên về các món ăn Việt Nam nhưng có nhiều món nướng gần với khẩu vị người Mỹ. Cả hai nhà hàng đều đã được đề cử các giải thưởng dành cho nhà hàng mới xuất sắc hoặc đầu bếp ưu tú.
“Tôi muốn giới thiệu cho người Mỹ các món ăn Việt tuyệt vời như thế nào”, Christine Hà nói. Nhưng cô làm điều đó với sự sáng tạo của riêng mình. Christine Hà sử dụng nhiều nguyên liệu thuần Việt cho món ăn, kể cả nước mắm tưởng vốn khó chấp nhận với người nước ngoài, và kể cả với những món không phải của Việt Nam. Chẳng hạn, khi nấu món thịt bò cay Texas, cô cho một chút nước mắm, khiến người ăn cảm thấy vị mặn, vị ngon nhưng họ không biết rõ là gì. “Nếu sử dụng khéo léo, nước mắm trở thành một vũ khí bí mật”, Christine Hà bật mí.
Về Hà Nội lần này, Christine Hà thử rất nhiều món ăn Hà Nội, từ bún đậu mắm tôm đến bún chả, bánh cuốn. Mắm tôm cũng là một nguyên liệu mà Christine Hà ưa thích. Với Christine Hà, món ăn ngon là món ăn tạo được sự cân bằng của các vị chua cay mặn ngọt, hài hòa trong cấu trúc món ăn. Mà ẩm thực Việt có tất cả những yếu tố đó, lại có sự thanh thoát nhờ nhiều nguyên liệu tươi ngon.
Christine Hà đồng ý với ý kiến cho rằng ẩm thực Việt có thể trở thành một sức mạnh mềm để giới thiệu Việt Nam ra thế giới. “Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng về hương vị. Nếu đi từ miền Bắc vào miền Trung rồi vào miền Nam sẽ thấy những hương vị khác nhau, những món ăn khác nhau mang đậm nét truyền thống của vùng đó. Vì vậy, khi bạn chia sẻ thức ăn với các quốc gia khác, nền văn hóa khác hoặc những người khác, theo một cách nào đó, là để hiểu mọi người và làm cho các mối quan hệ bền chặt hơn”, Christine Hà chia sẻ.