Từ ngày 2 đến 9-2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc sẽ dẫn đầu đoàn liên ngành của Việt Nam tham dự phiên bảo vệ báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ.
Thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền
Các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu bầu cao nhất. |
Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế mới và liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền có nhiệm vụ thực hiện kiểm điểm tổng thể các vấn đề nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc; đình kỳ bốn, năm năm một lần theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và chính trị hóa.
Mục tiêu của cơ chế UPR là cải thiện tình hình nhân quyền và thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền; tăng cường năng lực thực thi nhân quyền cho các quốc gia thông qua tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm.
Hội đồng Nhân quyền thành lập Nhóm làm việc về UPR do Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền làm Chủ tịch với sự tham gia của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc. Các thành phần khác (các tổ chức quốc tế, cơ quan nhân quyền quốc gia, tổ chức phi chính phủ) được dự với tư cách quan sát viên nhưng không phát biểu.
Trong quá trình kiểm điểm có ba tài liệu chính thức được xem xét gồm Báo cáo quốc gia (không quá 20 trang) do quốc gia kiểm điểm chuẩn bị; tài liệu tổng hợp các nhận xét, đánh giá, khuyến nghị (kể cả bình luận của quốc gia liên quan) của các cơ quan và cơ chế chuyên môn của Liên hợp quốc; tài liệu tổng hợp thông tin của các thành phần khác gồm các cơ quan nhân quyền quốc gia, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, học giả, cá nhân... Hai tài liệu tổng hợp này do văn phòng Cao ủy nhân quyền chuẩn bị và mỗi tài liệu dài không quá 10 trang.
Mỗi nước thành viên có thời gian kiểm điểm kéo dài 3 tiếng rưỡi, dưới hình thức đối thoại tương tác, trong đó quốc gia kiểm kiểm có 70 phút để trình bày báo cáo, trả lời câu hỏi, bình luận của các nước. Các nước thành viên và quan sát viên có 10 phút để bình luận, nêu câu hỏi và khuyến nghị đối với quốc gia bị kiểm điểm. Tất cả các nước quan tâm đều được phát biểu và thời lượng phát biểu (140 phút) được chia đều cho số nước đăng ký.
Sau 48 giờ kể từ phiên kiểm điểm, Nhóm làm việc về UPR sẽ họp và thông qua báo cáo kết quả kiểm điểm của quốc gia. Báo cáo này sẽ được trình Hội đồng Nhân quyền xem xét thông qua tại khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền sau phiên kiểm điểm khoảng năm tháng.
Sự tham gia của Việt Nam
Việt Nam chính thức nộp Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát cho Ban Thư ký Hội đồng Nhân quyền ngày 31-10-2013. Phiên kiểm điểm về Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 5-2-2014 tại Geneva và phiên thông qua kết quả kiểm điểm sẽ diễn ra ngày 7-2-2014.
Đoàn Việt Nam tham gia Phiên bảo vệ Báo cáo UPR chu kỳ II nhằm nêu bật chính sách, nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, phát huy dân chủ và bảo đảm quyền con người; thúc đẩy đối ngoại cởi mở, chân thành trên tinh thần hợp tác xây dựng với tất cả các nước, kể cả về những điểm còn khác biệt nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đồng thời sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong việc đảm bảo quyền con người.
Việt Nam lần đầu tiên thực hiện cơ chế UPR tháng 5-2009 và đã nhận được 123 khuyến nghị, trong đó chấp thuận 96 khuyến nghị. Các khuyến nghị còn lại không được chấp thuận do không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam. Việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho 17 bộ, ngành và cơ quan thuộc chính phủ việc thực hiện các khuyến nghị được phân công.
Thực hiện các khuyến nghị UPR được thể hiện rõ nét trên tất cả các mặt đời sống xã hội như hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về quyền con người, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội.
Trong Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ II, Việt Nam đã tích cực soạn thảo với sự tham gia của 18 bộ, ngành, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ và Quốc hội. Nội dung báo cáo tập trung vào việc thực hiện các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận và những phát triển mới trong việc đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam, đồng thời chỉ rõ những thách thức còn tồn tại và những hướng ưu tiên của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền con người.
Quá trình soạn thảo còn có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho mọi tầng lớp và cộng đồng dân cư, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, phương tiện truyền thông đại chúng cũng như sự tham gia trực tiếp của mọi người dân quan tâm.
Theo TTXVN