(GLO)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta mặc dù dịch bệnh gia súc, gia cầm tương đối ổn định, không có địa phương nào xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tuy nhiên thời tiết bắt đầu chuyển lạnh giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm; tình hình mưa lũ, bão lụt diễn biến phức tạp kéo theo các loại mầm bệnh trôi nổi và phát tán; nhiều người chăn nuôi bắt đầu tập trung tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền 2014... nên nguy cơ tái phát dịch bệnh và lây lan diện rộng trong những tháng cuối năm là rất cao.
Để chủ động phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chức năng và người chăn nuôi không được chủ quan lơ là mà phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống dịch, ngăn chặn không cho các dịch bệnh gia sức, gia cầm lây lan vào tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công điện số 14/CĐ-BNN-TY ngày 10-10-2013. Trong đó tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo các nội dung sau:
UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Xác định công tác phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là một trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ các tháng cuối năm 2013. Với phương châm: “Phòng hơn chống”, trong đó công tác phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải được thực hiện từ cơ sở, phát huy vai trò trong phòng bệnh cho đàn vật nuôi của các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh buôn bán và người dân; chủ động phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm chăn nuôi không có nguồn gốc hoặc không được chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.
Duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là Ban chỉ đạo cấp xã. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để mọi người dân tích cực tham gia thực hiện.
Chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đến thôn xóm, hộ chăn n uôi. Nếu phát hiện có gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh cúm gia cầm, LMLM, tai xanh... hoặc ốm, chết không rõ nguyên nhân phải triển khai quyết liệt các biện pháp khống chế, bao vây dập dịch không để lây lan rộng. Nghiêm cấm việc giấu dịch và vứt xác động vật chết ra môi trường. Tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Đặc biệt đối với con giống nhập về nuôi phải tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thú y tại nơi đi và nơi đến, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.
Phát động đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường trong tháng 10-2013; tiến hành song song với đợt tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm để tiêu diệt mầm bệnh. Nội dung tiêu độc, khử trùng thực hiện theo văn bản số 1377/BNN-TY ngày 24-4-2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại do dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định. Nếu vượt quá khả năng tài chính của địa phương thì báo cáo về UBND tỉnh để xem xét, hỗ trợ.
Sở Nông nghiệp và PTNT:
Tiếp tục đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh (theo nhiệm vụ đã phân công) thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh:
Chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố tích cực tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tích cực phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, chủ động phòng chống dịch bệnh lây nhiễm, bảo toàn số lượng và sức khỏe cho đàn vật nuôi; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tiêm phòng; cùng với các đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ chốt chặn tại các Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn theo đúng quy định.
Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh thường xuyên kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh và xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh động vật, công tác phòng-chống dịch và đề xuất gửi về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Sở Công thương:
Chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường phối hợp với chính quyền địa phương các huyện biên giới, lực lượng thú y, Công an để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn các huyện biên giới, không để gia súc, gia cầm (kể cả sản phẩm gia súc, gia cầm) chưa qua kiểm dịch, không nguồn gốc xuất xứ vào tiêu thụ trên địa bàn hoặc vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh khác.
Chủ trì phối hợp với Chi cục Thú y, Công an tỉnh kiểm tra việc mua bán gia súc, gia cầm (sản phẩm gia súc, gia cầm) tại các Trung tâm Thương mại, chợ, vận chuyển trên đường và xử lý vi phạm theo quy định.
Sở Y tế: Chủ động triển khai công tác phòng-chống dịch cúm A(H5N1) và cúm A (H7N9) ở người khi có dịch xảy ra.
Chi cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tăng cường ngăn chặn việc nhập lậu gia súc, gia cầm vào tỉnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và qua đường biên giới. Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.
Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai: Phối hợp với các sở, ngành chức năng và địa phương thông tin tuyên truyền kịp thời các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh để các cấp, các ngành và nhân dân chủ động phòng-chống dịch bệnh có hiệu quả.
Nhận được công văn này, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Thông tin-Truyền thông, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên p hòng tỉnh, các sở ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
T.M ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đã ký
Đào Xuân Liên