Về Quảng Ngãi xuôi dòng Kinh Giang tham quan rừng dừa nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng chục hộ dân tham gia chèo thuyền, làm hướng dẫn viên du lịch phục vụ khách đến tham quan rừng dừa nước bên dòng sông Kinh Giang, thuộc xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).

Rừng dừa nước xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh "Căn cứ rừng dừa nước". Người dân nơi đây đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Rừng dừa nước Tịnh Khê nằm trên dòng sông Kinh Giang, đang là địa điểm du lịch sông nước hữu tình của nhiều du khách. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm chèo thuyền băng qua các con lạch, thưởng thức trái dừa nước và cùng người dân làm nghề thủ công.

Rừng dừa nước Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: HẢI PHONG

Rừng dừa nước Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: HẢI PHONG

Gia đình ông Phạm Văn Hiền (ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê) có 2.000m2 dừa nước, hàng ngày ông mưu sinh nhờ rừng dừa, hái lá dừa về chằm thành tấm để bán. Khi địa phương có chủ trương phát triển du lịch, ông cùng nhiều người dân tham gia vào du lịch cộng đồng, nông dân vừa là người thạo nghề sông nước vừa là hướng dẫn viên.

Ông Hiền cho biết, rừng dừa nước Tịnh Khê là nơi từng che chở cho bộ đội ta trong những năm kháng chiến. "Mỗi lần có khách tham quan rừng dừa, tôi vừa chèo vừa giới thiệu về lịch sử. Tôi kể với họ rằng, mỗi người dân nơi đây tự hào với rừng dừa nước vì gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc", ông Hiền nói.

Du khách tham quan rừng dừa nước Tịnh Khê bằng thuyền. Ảnh: HẢI PHONG

Du khách tham quan rừng dừa nước Tịnh Khê bằng thuyền. Ảnh: HẢI PHONG

Chị Lê Thị Thu Sang (ở xã Tịnh Phong, H.Sơn Tịnh) nhận xét: "Rừng dừa có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ, xuôi dòng dưới những tán dừa xanh mát tôi và những người người bạn của mình như hòa vào thiên nhiên, rất thú vị".

Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mỹ Khê chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2023.

Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mỹ Khê, cho biết toàn xã Tịnh Khê có khoảng 12 ha diện tích dừa nước, tập trung thôn Trường Định và thôn Cổ Lũy, dọc dòng sông Kinh Giang.

Đến nay, có khoảng 10 hộ dân tham gia chèo thuyền phục vụ du khách tham quan. Vào ngày cuối tuần, rừng dừa nước Tịnh Khê đón khoảng 200 khách/ngày. Nhờ đó, những người tham gia chèo thuyền có thêm nguồn thu nhập khoảng 120.000 đồng/chuyến.

Rừng dừa nước Tịnh Khê gắn liền với lịch sử. Ảnh: HẢI PHONG

Rừng dừa nước Tịnh Khê gắn liền với lịch sử. Ảnh: HẢI PHONG

Theo anh Dũng, du lịch cộng đồng là người dân tự làm. Vì thế, hợp tác xã đã tập huấn cho họ cách làm du lịch và cùng người dân khôi phục một số nghề truyền thống từ nguồn nguyên liệu lấy từ cây dừa, cây cói và nguồn lợi thủy sản sinh tồn.

"Hợp tác xã đang thiết kế 10 homestay ngay trên rừng dừa nước làm nơi lưu trú cho du khách, xây các tuyến đường nội bộ dẫn vào rừng dừa để khách đi bộ. Hướng tới phát triển du lịch nâng cao giá trị rừng dừa nước. Từ đó, người dân ý thức trong quản lý, bảo tồn, phục hồi và phát triển rừng dừa, để phát huy giá trị lịch sử văn hóa của nó vào đời sống xã hội", anh Dũng cho biết thêm.

Toàn xã Tịnh Khê có khoảng 12 ha diện tích dừa nước. Ảnh: HẢI PHONG

Toàn xã Tịnh Khê có khoảng 12 ha diện tích dừa nước. Ảnh: HẢI PHONG

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được tỉnh quan tâm phát triển định hướng gắn với lợi thế cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương. Các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình homestay.

Hiện TP.Quảng Ngãi đã đăng ký phát triển 6 mô hình phát triển du lịch nông thôn, gồm: Mô hình du lịch cộng đồng dừa nước xã Tịnh Khê, mô hình phát triển du lịch làng hoa xã Nghĩa Hà, mô hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn rau an toàn xã Nghĩa Hà, mô hình du lịch cộng đồng xã Nghĩa Phú, mô hình du lịch cộng đồng bãi biển xã Nghĩa An và mô hình du lịch cộng đồng gắn với tham quan các khu di tích lịch sử.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.