(GLO)- 1. Mỗi lần đi chợ về, còn mấy ngàn đồng tiền lẻ tôi lại hay để lung tung đâu đó, rồi khi dọn nhà, giặt đồ thấy nó nhàu nhĩ, rách nát, tôi lại bỏ vào sọt rác. Những lần như thế bu tôi thường mắng: “Có nhiều tiền lẻ mới đổi được tiền chẵn, dùng cái gì cũng phải biết tiết kiệm, thế mới khá được”. Lúc đầu tôi hay làu bàu vì cái tính kỹ càng của bu tôi, một người đã bước vào tuổi mừng thọ. Có lẽ thời cụ sinh ra với khó khăn nên cụ vẫn giữ thói quen tiết kiệm, từ điện, nước, đến tiền lẻ. Nhưng sau này mới nhận thấy đó toàn là thói quen tốt, chỉ là người trẻ bồng bột, hờ hững, sống gấp thường vội và bỏ qua. Mỗi lần như thế tôi bảo dạ dạ nhưng quên béng.
Ảnh minh họa |
Hôm qua, bu tôi khệ nệ lôi cái hộp đựng giày ra từ gầm giường. Bu nói: “Số tiền lẻ bu nhặt được từ ngày ở với con, con đếm coi rồi ra ngân hàng đổi thành tiền chẵn, gửi Hội Chữ thập đỏ ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt”. Tôi bỏ tai phone, nhìn vào màn hình ti vi, hình ảnh người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão vừa qua nhòe đi trước mắt. Mấy đồng tiền lẻ mà tôi vẫn thường cho là ít tác dụng thì... Người càng già, càng trải nghiệm, sống càng sâu sắc. Các cụ dạy đố sai “gừng càng già càng cay”…
2. Một ngày tạnh ráo, tôi đến ngân hàng để giao dịch theo lời dặn của bu tôi. Trong lúc còn lui cui phủi những hạt bụi mưa còn vương trên áo thì chứng kiến một câu chuyện nhỏ về tiền lẻ. Một chị nhìn khá lịch sự, chắc cũng là công chức cơ quan nào đó, đang trò chuyện với một cô nhân viên ngân hàng. Nội dung xoay quanh sự việc chị ấy đi đóng lãi, gốc theo định kỳ, số tiền của chị phải trả là 1.997.000 đồng. Tuy nhiên sau khi đưa 2 triệu đồng cho cô nhân viên ngân hàng mà mãi không thấy cô ấy trả lại tiền lẻ, chị ấy mới nhẹ nhàng hỏi. Tuy nhiên câu trả lời nhận lại là “có 3.000 ngàn đồng, không đáng nên em nhập vô tài khoản cho chị rồi”.
Người phụ nữ bước đi với thái độ không hài lòng, tôi ngoái nhìn theo chị. Cách chị đi, trang phục của chị với chiếc xe thì chị không phải là người ki bo 3 ngàn đồng tiền lẻ, nhưng có lẽ chị bực vì thái độ khi cô ngân hàng nói “3 ngàn đồng có đáng gì đâu mà chị phải nói thế”. Tôi sửng sốt nhìn cô nhân viên ngân hàng và tự nhủ, ô hay cái cô này, tiền nào chả là tiền.
Vậy mà lâu nay tôi vẫn nghĩ ngân hàng phải là nơi quý tiền nhất, quý đến từng hào, vì thường xuyên làm việc với nó thì buộc phải yêu nó…
3. Trước kia, tôi từng làm việc cho một dự án của Nhật Bản, với vai trò là cán bộ dự án. Hết tháng là chúng tôi lại hồ hởi nhận lương. Cô thủ quỹ là người Nhật, nói tiếng Việt lơ lớ nhưng tiền thì chặt chẽ từng cắc. Lương của ai lẻ đến 200 đồng chị ấy đều trả lại chu đáo. Chúng tôi vẫn đùa nhau: “Ngân hàng chắc không nhiều tờ 200 đồng bằng bà này”. Nhiều lần chúng tôi chỉ lấy số chẵn đến hàng chục, chị ấy kéo lại và bảo “công sức lao động của mày, mày phải nhận hết chứ, mày có về sớm được phút nào đâu mà không lấy số tiền này”. Tôi nghĩ, họ giàu thế nhưng họ vẫn rất chặt chẽ, có lẽ họ giàu nhờ tiết kiệm. Họ bảo cách chúng tôi tiêu xài phung phí, thể hiện qua cách chúng tôi dùng tiền lẻ, hầu như hộc bàn của đứa nào trong văn phòng cũng có vài chục tờ tiền lẻ… Họ đến nước mình, làm việc vì sự phát triển nông thôn của nước mình, lương của họ cao hơn mình cả chục lần (vì họ đi theo diện chuyên gia), đi ăn họ sẵn sàng chi tiền tip (tiền boa) cho phục vụ vài chục ngàn đồng, ấy vậy mà…
Nhìn những đồng tiền lẻ có ích từng bị bỏ quên, tôi tự nhủ, từ giờ có lẽ phải tự đánh thức thói quen dùng mấy đồng tiền lẻ của mình và nhiều người khác để mỗi chúng ta hình thành thói quen dùng tiền lẻ có văn hóa và tiết kiệm.
Tạ Ngọc Diệp