Uỷ ban Tư pháp đang báo cáo cấp 'có thẩm quyền' về vụ Hồ Duy Hải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Uỷ ban Tư pháp, sau khi được giao xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, ủy ban này đã tổ chức họp và "đang báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan có thẩm quyền".
 
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình (bên trái) và Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ tại phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải ẢNH TTXVN
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình (bên trái) và Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ tại phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải ẢNH TTXVN
Đề nghị Quốc hội giám sát và sớm thông tin cho cử tri biết quan điểm chính thức về vụ án
Theo tập hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 9 do Ban Dân nguyện (thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) thực hiện, có 14 ý kiến cử tri quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải, gồm cử tri Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, An Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương và Long An.
Gửi kiến nghị đến Uỷ ban Tư pháp, cử tri TP.HCM, Đà Nẵng, An Giang, Đắk Lắk… bày tỏ quan tâm đến phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải, và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp giám sát vụ án này, sớm thông tin cho cử tri và nhân dân biết quan điểm chính thức về vụ án.
Trả lời kiến nghị này, Uỷ ban Tư pháp cho biết, ngày 8.5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải, quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM xử phạt tử hình bị cáo Hồ Duy Hải về tội “giết người” và tội “cướp tài sản”.
Ủy ban Tư pháp thấy rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đã kéo dài qua nhiều năm, được cử tri và dư luận quan tâm.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự đã báo cáo Quốc hội về vụ án này.
Để xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Tư pháp nghiên cứu. Ủy ban Tư pháp đã tổ chức họp ủy ban và đang báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan có thẩm quyền.
Tại phần trả lời kiến nghị cử tri này, Uỷ ban Tư pháp chưa nêu rõ quan điểm của mình về vụ án.
Trước đó, tại họp báo kết thúc kỳ họp thứ 9 hồi tháng 6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 16.6, Ủy ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể xem xét nội dung này. Theo đó, các thành viên ủy ban đã được phát phiếu lấy ý kiến.
Tuy nhiên, tại thời điểm diễn ra họp báo, Ủy ban Tư pháp chưa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, ông Phúc cho biết, sau khi Ủy ban Tư pháp báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe, có quyết định và "khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin với báo chí".
Đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động điều tra, truy tố, xét xử
Cũng liên quan đến vụ án, cử tri TP.Hà Nội và một số địa phương khác bày tỏ đánh giá cao kết quả hoạt động của các cơ quan tư pháp thời gian qua, đã điều tra và đưa ra xét xử nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được nhân dân trong cả nước đồng tình.
Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới một số vụ án hình sự như vụ án Hồ Duy Hải ở tỉnh Long An, vụ án Lương Hữu Phước ở tỉnh Bình Phước, vụ án tài xế Lê Ngọc Hoàng ở tỉnh Thái Nguyên...
Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn nữa đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm, củng cố niềm tin của nhân dân đối với nền tư pháp.
Nêu quan điểm, Ủy ban Tư pháp cho biết trong những năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp như: tiến hành chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Đồng thời, thực hiện giám sát tối cao theo chuyên đề của Quốc hội đối với các cơ quan tư pháp.
Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp hằng năm đều tiến hành các phiên giải trình, thực hiện giám sát chuyên đề đối với các cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan; giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực tư pháp, trong đó tập trung giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các vụ án lớn, phức tạp, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm…
Qua giám sát, đã làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan tư pháp; kiến nghị thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Ủy ban Tư pháp cũng cho hay đã kịp thời có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, xử lý một số vụ án cụ thể bảo đảm đúng quy định của pháp luật và trả lời dư luận, cử tri.
Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp khẳng định sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp, hạn chế đến mức thấp nhất oan, sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, củng cố lòng tin của cử tri đối với các cơ quan tư pháp.
Sẽ làm tốt công tác truyền thông "để nhân dân cả nước kịp thời nhận được những thông tin đầy đủ và chính thống về các vụ việc được các tòa án giải quyết"
Gửi kiến nghị đến Toà án nhân dân tối cao, cử tri Bến Tre cho rằng, thời gian qua, một số vụ án ngành Tòa án xét xử chưa tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tạo dư luận không tốt, đặc biệt có trường hợp các thế lực thù địch lợi dụng, kích động gây bất ổn tình hình đất nước. Đề nghị ngành Tòa án chấn chỉnh công tác chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng xét xử.
Trả lời kiến nghị này, Toà án nhân dân tối cao cho biết, những năm qua, ngành Toà án đã xác định nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Với việc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp đề ra, trong những năm qua, chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ.
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Riêng trong năm 2020 (từ ngày 1.10.2019 - 31.7.2020), các tòa án đã thụ lý 550.830 vụ việc, đã giải quyết được 408.908 vụ việc (đạt tỷ lệ 74,23%); so với cùng kỳ năm 2019, số vụ việc đã thụ lý tăng 11.271 vụ việc. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 1,1%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Bên cạnh việc làm tốt công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ việc, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tòa án nhân dân chú trọng làm tốt công tác truyền thông để nhân dân cả nước kịp thời nhận được những thông tin đầy đủ và chính thống về các vụ việc được các tòa án giải quyết, nhằm định hướng, tạo dư luận tốt trong xã hội, hạn chế để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, chia rẽ, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.