(GLO)- “Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là dự án đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc phát triển kinh tế Tây Nguyên. Tôi đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng như tính đồng thuận, trách nhiệm hoàn thành dự án của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án”-ông Lâm Văn Hoàng-Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nhận định. Và trong những ngày này, để kịp tiến độ, trên cung đường quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên, không khí thi công khẩn trương, gấp rút hơn bao giờ hết.
Tuyến quốc lộ 14 đang trong giai đoạn nước rút để đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Hà Duy |
Hệ thống giao thông vận tải Tây Nguyên đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng, góp phần tích cực vào việc vận chuyển hàng hóa, hành khách trong phạm vi cả nước và vận tải quốc tế. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hệ thống giao thông vận tải vùng này cần được ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, trước hết là ưu tiên nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch làm tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng và cả nước.
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông-Vận tải, dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14, đoạn qua Tây Nguyên dài khoảng 663 km sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016. Đến nay, đoạn Đak Giôn-Tân Cảnh (Kon Tum), chiều dài 110 km đã hoàn thành trong năm 2013; đoạn còn lại từ Tân Cảnh đến Chơn Thành-Bình Phước (có chiều dài 553 km) đang được tiếp tục đầu tư dưới hình thức BOT và nguồn trái phiếu Chính phủ, với tổng vốn 10.824 tỷ đồng. Riêng đoạn từ Gia Lai đi Bình Phước, dự án đường được chia ra làm 3 gói nhỏ là “Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pleiku đến Cầu 110”, “Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), đoạn Km 817-Km 887 tỉnh Đak Nông” (hiện đã thi công 9/10 gói thầu, tiến độ, chất lượng tương đối đảm bảo) và “Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh điều chỉnh đoạn Km 1667+570 – Km 1738+148 (Km 607+600 – Km 678+734 quốc lộ 14), tỉnh Đak Lak bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng đang được Tập đoàn Đức Long Gia Lai triển khai thi công.
Ông Bùi Pháp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai khẳng định: “Trong giai đoạn gấp rút thi công để hoàn thành các dự án trước mùa mưa năm 2015, lãnh đạo Tập đoàn luôn chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn tài chính, nhân lực, vật tư và thiết bị máy móc thi công đáp ứng tiến độ. Đối với công tác quản lý chất lượng công trình, từ khâu kiểm tra vật tư, vật liệu xây dựng, quá trình thi công, công tác đo đạc… đều được tư vấn giám sát thực hiện kiểm tra thường xuyên tại hiện trường bằng máy thủy bình, máy toàn đạt, thước thép… Qua đó kịp thời phát hiện và khắc phục sai sót để đảm bảo chất lượng công trình. Trường hợp kết quả không đạt so với thiết kế, Tập đoàn kiên quyết yêu cầu tư vấn giám sát từ chối nghiệm thu, yêu cầu nhà thầu thi công lại để đạt yêu cầu thiết kế”.
Ảnh: Đức Thụy |
Dự án BOT Gia Lai với chiều dài 57 km, tính đến thời điểm hiện nay, tiến độ dự án cơ bản đảm bảo so với yêu cầu. Trong năm 2014, theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành cơ bản thảm bê tông nhựa mặt đường lớp 1 hạt trung, cơ bản thông tuyến chiều dài 40 km. Trong giai đoạn gấp rút thi công để hoàn thành các dự án trước mùa mưa năm 2015, nhà đầu tư đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tiến hành công tác đảm bảo an toàn giao thông theo đúng quy định. Về cơ bản đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn tuyến thuộc dự án.
Có thể thấy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường xuyên Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là tuyến đường vận tải quân sự chiến lược, tuyến đường chi viện từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, thậm chí cho nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia. Nó có tầm vóc và ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở những địa phương có tuyến đường đi qua, dễ thấy là bộ mặt kinh tế-xã hội đã có sự đổi thay rõ rệt. Và không khó để có thể thấy trước tương lai rằng tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực cho toàn vùng có điều kiện phát triển kinh tế.
Hiện tại, tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có khối lượng xây lắp nền đường đạt 90%, móng đường đạt gần 70% và mặt đường bê tông nhựa đạt gần 40%. Trong lần kiểm tra tình hình triển khai thi công gói thầu trái phiếu Chính phủ tại tỉnh Đak Lak do Tập đoàn Đức Long Gia Lai trực tiếp thi công gần đây nhất, ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đánh giá: “Đây sẽ là một trong 2 đơn vị về đích sớm so với kế hoạch”.
Hà Duy