(GLO)- Những ngày cuối tháng 3-2016, 9 công trình đấu thầu cộng đồng có vốn đầu tư mỗi công trình 300 triệu đồng do Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ cho 9 thôn thuộc 5 xã: Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi và Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đồng loạt được triển khai. Đây thực sự trở thành điểm sáng trong công tác đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, đồng thời tạo thêm việc làm, thu nhập cho người nghèo vùng sâu.
Xã có công trình, dân có việc làm
Chúng tôi về thôn Ma Rin 2 (xã Ia Ma Rơn) vào một ngày nắng. Người dân nơi đây ai nấy đều vui mừng vì con đường của thôn với chiều dài 230 mét đang được san ủi mặt bằng để bê tông hóa. Ông Nay Vin (một hộ dân trong thôn) cho biết, gia đình ông cùng nhiều bà con định cư ở đây đã vài chục năm. Suốt chừng ấy thời gian, bà con hàng ngày phải đi lại trên con đường đất gồ ghề, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi mù mịt. Mặc dù hàng năm thôn vẫn huy động bà con phát dọn, sửa chữa, nhưng do là trục đường chính, phần lớn việc đi lại, vận chuyển nông sản trong thôn đều đi qua con đường này nên cứ sửa xong một thời gian thì đâu lại vào đấy.
Con đường ở thôn Ma Rin 2 (xã Ia Ma Rơn) được dự án hỗ trợ bê tông hóa. Ảnh. Đ.Y |
Từ khi Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ làm đường và công trình lại được thực hiện theo chủ trương đấu thầu có sự tham gia của cộng đồng, người dân thôn Ma Rin 2 đã mạnh dạn đề xuất được thi công con đường. Trưởng thôn Ma Rin 2-Ksor Am Lah được người dân tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng có nhiệm vụ liên hệ với Ban Phát triển xã và các bên liên quan để ký hợp đồng thực hiện. “Nhóm tham gia thi công trong thôn có từ 10 đến 20 hộ. Mới đầu nhận nhiệm vụ, được sự hướng dẫn của cán bộ dự án, chúng tôi họp nhóm, thống nhất cách làm, liên hệ mua nguyên liệu, thuê máy móc và thuê kỹ thuật về hướng dẫn cho các thành viên trong nhóm làm để đường đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng thiết kế”-Trưởng thôn Ksor Am Lah nói.
Do mới lần đầu tham gia thực hiện công trình đấu thầu cộng đồng nên các nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Ông Ksor Son-Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Phát triển xã Ia Ma Rơn, cho biết: Khi thôn Ma Rin 2 triển khai thi công công trình cộng đồng, chúng tôi thường xuyên có mặt để động viên người dân. Vì vậy, công trình đã hoàn thành trong vòng nửa tháng với kinh phí trên 200 triệu đồng. Kinh phí còn lại là để trả công cho các thành viên trong nhóm tham gia, công kỹ thuật hướng dẫn bà con làm và tiền thuê máy móc.
Tương tự, các công trình đường bê tông nội thôn Hlin 1 (xã Ia Ma Rơn), thôn Jứ Ama Hoét và thôn Ia Rniu (xã Ia Broăi), thôn Tờ Khế và Blanh (xã Ia Tul), thôn Ama Lim 1 và Ơi Briu (xã Chư Mố) và thôn Hbel 1 (xã Ia Kdăm) cũng đang được người dân trong thôn tham gia để đẩy nhanh việc thực hiện. Trưởng thôn Rơ Ô Kly-thôn Hlin 1 cho biết: Dự án cho phép người dân tự đứng ra thành lập nhóm đấu thầu cộng đồng để làm đường, mua vật liệu. Cụ thể, mỗi lao động tham gia làm đường được trả công 200 ngàn đồng/ngày, kèm bữa ăn trưa. Tiêu chí “xã có công trình, dân có việc làm” đã được thực hiện. Người dân làm chủ dự án phục vụ cho chính quyền lợi của mình nên hộ dân nào trong làng cũng tham gia rất trách nhiệm, dù không phải là thành viên trong nhóm.
Phát huy nguồn lực từ nhân dân
Trong quá trình thi công, công trình được sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng và người dân cùng tham gia thực hiện, nhờ thế, chất lượng những con đường khi đưa vào sử dụng được đánh giá tốt, không chỉ tránh được tình trạng lãng phí mà còn giúp tạo thêm việc làm và thu nhập cho một bộ phận người dân tại địa phương.
Ông Rah Lan Dyeng-Phó Chủ tịch HĐND xã Ia Ma Rơn, kiêm Trưởng ban giám sát các công trình trên địa bàn xã, cho biết: “Tôi từng tham gia giám sát nhiều hạng mục công trình ở địa phương, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia một công trình hoàn toàn do người dân chủ động từ khâu đề xuất ban đầu đến lập kế hoạch, tham gia đấu thầu, tự thi công và tự giám sát”. Cũng theo ông Dyeng, với cách triển khai này, nguồn lực của người dân vùng dự án được huy động một cách tối đa, công trình không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn khích lệ tinh thần, huy động sự vào cuộc tích cực của người dân.
Trao đổi với P.V, ông Võ Tấn Công-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Ia Pa, nói: Thời gian qua, trên địa bàn 5 xã hưởng lợi đã thực hiện tốt hợp phần 1-Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, buôn, các công trình có yêu cầu kỹ thuật đơn giản, có tổng vốn đầu tư nhỏ dưới 300 triệu đồng do cộng đồng đề xuất và tự thực hiện thông qua hình thức đấu thầu. Ở hợp phần này, người dân không chỉ là người thụ hưởng công trình mà họ chính là những người tham gia quyết định hoàn toàn, từ việc lựa chọn đầu tư cho công trình, rồi tham gia đấu thầu thi công, giám sát, nghiệm thu, tất cả các công đoạn đều do người dân cùng bàn bạc và triển khai thực hiện, có sự hướng dẫn hỗ trợ của cán bộ dự án.
Đinh Yến