Trung Quốc khánh thành phòng thí nghiệm ngầm lớn nhất thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phòng Thí nghiệm Khoa học Cẩm Bính có tên gọi DURF được xây dựng dưới độ sâu 2.400 m, tổng thể tích phòng 330.000 m3. Đây được xem là phòng thí nghiệm dưới lòng đất sâu nhất và lớn nhất thế giới.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 7-12, Trung Quốc khánh thành và đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm khoa học ngầm sâu nhất và lớn nhất thế giới.Phòng thí nghiệm này có tên gọi DURF được xây dựng dưới núi Cẩm Bính thuộc châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.

Phòng Thí nghiệm Khoa học Cẩm Bính của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Phòng thí nghiệm DURF được bắt đầu xây dựng từ tháng 10-2020. Đại học Thanh Hoa và Công ty Phát triển Thủy điện Sông Nhã Lung đảm nhận trách nhiệm xây dựng phòng thí nghiệm này.

Tân Hoa Xã cho biết, các nhà khoa học tin rằng phòng thí nghiệm ngầm lớn nhất, sâu nhất thế giới cung cấp không gian “sạch” để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về vật chất tối. Độ sâu cực lớn của phòng thí nghiệm này giúp ngăn chặn hầu hết các tia vũ trụ gây cản trở việc quan sát.

Giáo sư Yue Qian thuộc Đại học Thanh Hoa cho biết, phòng thí nghiệm ngầm lớn nhất, sâu nhất thế giới DURF có những ưu điểm như thông lượng tia vũ trụ cực thấp, bức xạ môi trường cực thấp, nồng độ radon cực thấp, không gian siêu sạch giúp tăng khả năng phát hiện vật chất tối.

Cũng theo các nhà khoa học, vật chất nhìn thấy chỉ chiếm khoảng 5% vũ trụ, trong khi khoảng 95% vũ trụ được tạo thành từ vật chất tối và năng lượng tối.

Có tổng cộng 10 nhóm dự án thí nghiệm của các nhà khoa học các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học như Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu Khoa học Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Cơ học nham địa Vũ Hán (Viện Khoa học Trung Quốc)... sẽ đến phòng thí nghiệm này để triển khai thí nghiệm khoa học.

Phòng thí nghiệm này được xác định trong tương lai sẽ phát triển thành một trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên sâu và đẳng cấp thế giới bao gồm sự giao thoa đa ngành của vật lý hạt, vật lý thiên văn hạt nhân, vũ trụ học, khoa học đời sống và cơ học đá…, góp phần giúp nền tảng sáng tạo khoa học của Trung Quốc có bước tiến nhảy vọt.

Có thể bạn quan tâm