Tránh quá tải ôn thi THPT Quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Còn đúng 1 tháng nữa, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ diễn ra. Vì vậy, giáo viên và học  sinh trong tỉnh đang bước vào thời gian tăng tốc ôn luyện. Năm nay, phạm vi kiến thức không chỉ gói gọn trong lớp 12 như mọi năm mà mở rộng ra ở cả lớp 11 nên phần nào đã gây ra sự quá tải cho cả học sinh lẫn giáo viên.

“Theo phân tích đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), lượng kiến thức lớp 11 sẽ chiếm khoảng 20% đề thi THPT Quốc gia 2018. Tỷ lệ này không nhiều nhưng do không được giới hạn phạm vi kiến thức nên buộc giáo viên và học sinh phải ôn tập gần như toàn bộ nội dung chương trình lớp 11. Điều này gây ra sự quá tải cho các em, đặc biệt là những em có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng. Do đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức phân loại học sinh để tổ chức ôn tập một cách khoa học nhất, tránh nhồi nhét dẫn đến không hiệu quả”-ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết.

 

Học sinh lớp 12 trong một buổi ôn tập môn Giáo dục công dân. Ảnh: N.G
Học sinh lớp 12 trong một buổi ôn tập môn Giáo dục công dân. Ảnh: N.G

Học sinh và giáo viên quá tải

Năm nay, em Nguyễn Võ Huyền Trang (lớp 12A1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Đây là trường có điểm số đầu vào rất cao nên Trang đang phải nỗ lực rất nhiều trước kỳ thi THPT Quốc gia. Tỏ ra khá mệt mỏi với lịch ôn thi kín bưng cả ngày nhưng Trang cho biết không thể nào khác vì phạm vi kiến thức quá rộng. Trang nói: “Để nắm chắc được toàn bộ kiến thức lớp 12 đã là nhiều rồi, giờ phải tải thêm phần nội dung lớp 11 nên chúng em thực sự bị quá tải. Không được giới hạn phạm vi ôn tập, cộng thêm hình thức thi trắc nghiệm buộc chúng em phải học lại toàn bộ chứ không dám bỏ phần nào. Khi phải tiếp nhận quá nhiều kiến thức trong một khoảng thời gian ngắn sẽ khiến việc ôn tập, ghi nhớ không đạt hiệu quả nên em cảm thấy khá lo lắng”.

Cũng như Trang, em Võ Anh Quốc (lớp 12B1, Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) ít có thời gian nghỉ ngơi trong thời điểm này vì lịch ôn tập kín mít. Quốc cho biết: “Ngoài thời gian ôn tập trên trường, chúng em còn đi học thêm ở nhà thầy cô để nắm được lượng kiến thức nâng cao. Phần kiến thức lớp 11 rất rộng và nhiều nội dung quan trọng nên gần như chúng em phải ôn tập lại toàn bộ. Vất vả nhưng em cố gắng hết sức để đậu vào ngành Công nghệ Ô tô của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Điều em mong muốn lúc này là mình sẽ không bị bất kỳ một vấn đề gì về sức khỏe để tránh ảnh hưởng đến việc ôn tập, thi cử”.

Không chỉ với học sinh, nhiều giáo viên cũng cảm thấy mệt mỏi. Cô Trịnh Thị Doan-giáo viên dạy Lịch sử  Trường THPT Phạm Văn Đồng, nói: “Lịch sử vẫn khiến nhiều học sinh e ngại. Hình thức thi trắc nghiệm làm tăng lượng kiến thức cần ghi nhớ. Thực sự mà nói thì giáo viên cũng không dám đoán trọng tâm kiến thức nên cô trò buộc phải gồng mình ôn luyện”.

Xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp

Chủ trương đưa kiến thức lớp 11 vào kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được Bộ GD-ĐT công bố ngay từ đầu năm học. Do đó, các trường đã tiến hành phân loại học sinh nhiều lần để ôn tập phù hợp với từng đối tượng. Thầy Trương Quang Mẫn-Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) cho biết: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nhà trường có 323 học sinh đăng ký dự thi. Trong đó, khoảng 1/3 học sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT. Đối với những em này, nhà trường chú trọng ôn luyện phần kiến thức cơ bản nằm trong chương trình lớp 12 để đáp ứng khoảng 50-60% yêu cầu đề thi, bởi nếu  dàn trải thì không có hiệu quả. Đối với những học sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng thì khó hơn, thầy cô phải giúp các em nắm vững những phần kiến thức quan trọng, tránh ôn tập tràn lan, gây quá tải dẫn đến không hiệu quả”.

Tiến hành ôn tập phù hợp với từng đối tượng học sinh nhằm đạt hiệu quả tốt nhất là cách mà các trường đang áp dụng. Đa số các trường đều tổ chức kiểm tra định kỳ sau một đợt ôn tập để phân loại đối tượng học sinh. “Nhà trường đã giao trách nhiệm cho giáo viên bộ môn kèm cặp, ôn luyện kiến thức cơ bản cho những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp sau các đợt kiểm tra. Đối với những em này, chúng tôi tuyệt đối không gây quá tải để giúp các em nắm chắc lượng kiến thức cơ bản nhất, tránh bị điểm liệt”-cô Nguyễn Thị Huệ-Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) chia sẻ.

Trao đổi thêm về vấn đề tránh quá tải cho học sinh trong thời gian này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: “Ngay từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức dạy-học kỹ lưỡng từng phần kiến thức, học đến đâu chắc đến đó để quá trình ôn tập không bị nặng nề. Giáo viên tăng cường kiểm tra, sâu sát từng học sinh giúp các em nắm chắc kiến thức, không được tự ý học tủ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức biên soạn đề theo cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT với sự phân bổ kiến thức lớp 11, 12 để các em học sinh tập giải đề. Sở cũng vừa tổ chức thi thử cho toàn bộ thí sinh trên địa bàn tỉnh, coi như đợt tập duyệt cuối cùng. Việc xét thử tốt nghiệp THPT 2018 sau kỳ thi này sẽ giúp các trường phân loại một lần nữa những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp để tập trung ôn tập cho các em”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm