Trăn trở với Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần nào xuống huyện Kông Chro mà gặp bạn bè, quanh quất rồi cũng quay lại chuyện nghèo. Một lần, tôi đã hỏi một vị lãnh đạo xã: “Bao giờ thì xã mình thoát nghèo?”, anh buồn bã lắc đầu: “Ô, không tính được đâu”. Một vị cán bộ huyện cũng từng thổ lộ: “Làm kinh tế ở huyện thì thật khó”. Cũng có ý kiến lạc quan hơn: “Ít ra cũng phải 1, 2 thế hệ nữa”. Ý rằng phải đợi thế hệ đang được học hành bây giờ trưởng thành, chứ với đa số người dân nơi đây, cái tâm lý ngại khó, ngại cái mới dường như đã ăn sâu thành cội rễ.
1. Nguyên nhân cái nghèo của Kông Chro cũng là điều dễ thấy: đất đai phần lớn dốc, pha cát; sâu xuống vài mươi phân đã trơ sỏi đá, không thể trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Huyện không có một công trình thủy lợi lớn nào. Người dân từng bao phen lao đao với những bông, ớt, bí…, đến cây mía tưởng có thể ổn định được thì lại gặp lúc ngành mía đường lao đao. Cho đến tháng 11 vừa rồi, nhà máy đường vẫn chưa thể công bố giá mua. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thời tiết diễn biến càng ngày càng bất lợi. Năm nay, bà con phải phá bỏ hàng trăm héc ta vì mưa ít, mía phát triển kém. Dễ tính như cây mì mà cũng có nguy cơ mất mùa.
 Tác giả bên vườn keo lai của hộ ông Đinh A Rơh. Ảnh: Hà Phương
Tác giả bên vườn keo lai của hộ ông Đinh A Rơh. Ảnh: Hà Phương
Nói là vậy, nhưng cái khắc nghiệt của thổ nhưỡng Kông Chro cũng chưa là gì so với nhiều vùng biên giới phía Bắc, nơi người ta phải cõng từng gùi đất đổ vào hốc đá để trồng bắp. Nhiều người cho rằng, cái nghèo của vùng đất này là do một nguyên nhân quan trọng hơn thế: Ấy là cái nghèo của ý chí con người. Tôi nhớ cuộc trò chuyện với anh Đinh Thơ-Bí thư Đảng ủy xã Ya Ma. Kế ngay thị trấn vậy mà trong tổng số 346 hộ của xã thì có đến 262 hộ nghèo. Với giọng không vui, Đinh Thơ diễn giải cho tôi vì sao dân xã anh vẫn cứ mãi nghèo: “Cho đến bây giờ mà bà con vẫn nặng lòng với cây lúa rẫy. Lúa rẫy 9 tháng mới cho thu hoạch, năng suất chỉ đạt 6-7 tạ/ha. Cây mía có vận động nhưng không ai chịu trồng. Đến bời lời là cây dễ nhất cũng bị chê là lâu ăn. Ai đời thời buổi này mà có nhà mỗi năm chỉ làm được vỏn vẹn 3 bao lúa trong khi phân bò thì đem bán. Ngân hàng mang tiền xuống tận nơi, vận động mãi mới có người dám vay đến dăm triệu đồng. Nhà nước cấp bò để xóa đói giảm nghèo, chưa kịp đẻ đã bán rồi đòi cấp nữa. Năm nào cũng phải cứu đói nhưng nhiều người lại coi việc đi làm thuê mỗi ngày được trăm ngàn đồng là “hiệu quả kinh tế” nhất”.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là hàng bao con người sống trên vùng đất này đều cam chịu đói nghèo. Đã có một đảng viên dân tộc Bahnar, không chỉ là ông chủ của một gia sản tiền tỷ mà còn dẫn dắt cả một ngôi làng thoát nghèo. Đó là ông Đinh A Rơh ở xã Đak Kơ Ning… Mất 1 cánh tay vì tai nạn lao động, cũng từng trải những ngày nghèo đói để rồi nung nấu ý chí không cam chịu đói nghèo, ông đã tìm tòi học hỏi người Kinh, tự mình “đổi mới tư duy”. Sau hơn 20 năm miệt mài lao động, bây giờ ông Đinh A Rơh đã có trong tay 19 ha đất canh tác, gồm 15 ha mía, 3 ha mì, 1 ha rau bí, hơn 100 con bò… Mà cũng chẳng ví dụ đâu xa, chính trên vùng đất Ya Ma này, ông Đinh  Đôi (làng Măng) lại có trong tay 3 ha rừng bạch đàn, có ao thả cá, ruộng lúa nước…, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Hay ông Đinh Đuk (làng Tờ Nùng 1) cũng có 2 ha bạch đàn, chăn nuôi hàng chục con bò. Tất nhiên, với số đông đồng bào dân tộc thiểu số, làm được như ông Đinh A Rơh hay ở mức độ khiêm tốn hơn như các ông Đinh Đôi, Đinh Đuk là không phải chuyện dễ dàng.
2. Phải mấy cuộc điện thoại mới hẹn gặp được ông Trần Trọng Tấn. Thì ra, ông đang vướng vào chuyện trồng rừng. Tôi biết thời đương chức Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kông Chro, ông đã đam mê trồng rừng. Chính vì vậy mà tới lúc nghỉ hưu, ông đã để lại cho công ty “di sản” tới 1.700 ha rừng trồng. Gợi chuyện mới hay cái đam mê của ông không chỉ bởi “sinh nghề” mà còn là sự tính toán hiệu quả kinh tế rất rõ ràng: Với điều kiện thổ nhưỡng Kông Chro, mỗi héc ta keo lai 5 năm tuổi tối thiểu cũng có thể cho 60 m3 gỗ. Với giá bán hiện nay, trừ chi phí, ít ra cũng lãi được 30 triệu đồng. Đấy là nói bán rừng non để làm dăm gỗ, nếu bán cây để làm gỗ xẻ, cứ thêm mỗi năm sinh khối sẽ thêm 10% thì lợi nhuận còn cao hơn nhiều. Để tăng năng suất và rút ngắn thời gian sinh trưởng, theo kinh nghiệm của ông thì nên trồng cây vào gần cuối mùa mưa để tránh bị úng ngập; chỉ nên trồng ở độ cao 600 m trở xuống với mật độ khoảng 3.000 cây/ha. Vườn cây của ông Tấn đạt tỷ lệ sống gần 100%, sau 1 năm đã đạt chiều cao hơn 1 m chính là từ kinh nghiệm này.         
Những ngày này ở Kông Chro, tôi đã nghe người dân bàn tán khá nhiều chuyện trồng rừng. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện, không tính 2 công ty lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn, từ năm 2017 đến nay, các xã đã trồng được trên 2.000 ha. Ông Đinh A Rơh có lẽ là người dân tộc thiểu số trồng rừng nhiều nhất mà tôi từng biết. Từ năm 2018, tôi đã thấy ông chuẩn bị 10 ha đất để trồng keo. Theo ông thì nếu mỗi hộ đồng bào trồng được chục héc ta keo, với giá cả hiện tại, 5 năm sau cũng lãi ròng trên 300 triệu đồng, hiệu quả hơn bất cứ cây trồng nào hiện tại; đấy là chưa nói đến cái lợi về môi trường.
Từ hiệu quả kinh tế, từ thực tế của một người gắn bó với rừng bao năm trên địa bàn, theo ông Tấn, huyện Kông Chro nên chọn nghề rừng để phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số là phù hợp nhất. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là vốn, là giải quyết cái ăn trước mắt cho họ. Cần phải có mô hình “lấy ngắn nuôi dài” để bà con học làm theo. Đây cũng chính là nút thắt mà các đời lãnh đạo huyện Kông Chro vẫn hằng trăn trở. Và bây giờ, cây keo lai phải chăng là một cơ hội, một cứu cánh? Điều này phụ thuộc vào ý chí của huyện, tuy nhiên cũng cần thấy rất nhiều cái khó, rất nhiều việc phải làm nếu chọn hướng này: vốn, sinh kế trước mắt cho bà con; tìm đối tác để hợp tác đầu tư. Nghĩa là phải làm sao gỡ cho được sợi dây “cái khó bó cái khôn” như người xưa vẫn nói về con nhà nghèo.
*
*          *
Chiều muộn. Lại thêm một lần tôi rời Kông Chro với bao ý nghĩ. Chợt bâng khuâng nhớ mùa lúa rẫy, nhớ cái màu vàng miên man trên thung đồi bây giờ chỉ còn thoi thót và bỗng ước: Mênh mang trên màu đất kia bỗng vun lại màu xanh-cái màu xanh mà cách nay chưa lâu người ta vẫn gọi nó bằng hai từ ngắn ngủi: xứ rừng…
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm