(GLO)- Là một trong các nhánh sông lớn của lưu vực hạ du sông Mê Kông, được hợp thành bởi hai nhánh sông chính là Krông Pô Kô (phía hữu ngạn) và Đak Bla (tả ngạn) rồi chảy theo hướng Đông Bắc sang Tây Nam dãy Trường Sơn. Phần thượng lưu của sông nằm trong vùng đồi núi thấp, độ dốc địa hình trung bình, nhưng phần hạ lưu lại có những thung lũng sông nằm trong các hẻm sâu của các dãy núi cao, độ dốc địa hình khá lớn. Đây là điểm vô cùng thuận lợi cho việc phát triển hệ thống các nhà máy thủy điện bậc thang.
Dòng sông điện
Hiện nay, sông Sê San được đánh giá là con sông đứng thứ ba trong các con sông trên cả nước về tiềm năng thủy điện, sau sông Đà và sông Đồng Nai. Trên chiều dài hơn 273 km, dòng sông mang trên mình 6 công trình thủy điện lớn nhỏ, gồm: Thủy điện Ia Ly, Sê San 3, Plei Krông, Sê San 3A, Sê San 4 và thủy điện Thượng Kon Tum. Tổng công suất của 6 thủy điện trên lên tới 1.800 MW. Hàng năm, các nhà máy thủy điện trên sông Sê San cung cấp cho thị trường bình quân 8,5 tỷ kWh điện. Đây là con số không nhỏ góp phần đóng góp vào hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt cũng như góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa nước nhà.
Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đức Thụy |
Trong số 6 nhà máy đã và đang xây dựng trên dòng Sê San, thì công trình thủy điện Ia Ly là công trình được khởi công đầu tiên và cũng là thủy điện có công suất lớn nhất trong hệ thống thủy điện bậc thang Sê San. Ngày 4-11-1993, công trình thủy điện Ia Ly được khởi công xây dựng. Đến 12-5-2000, tổ máy số 1, công trình thủy điện Ia Ly chính thức phát điện, hòa vào lưới quốc gia. Công suất thiết kế của thủy điện Ia Ly là 720 MW, sản lượng điện bình quân theo thiết kế là 3,68 tỷ kWh/năm. Đây là công trình có phần lớn các hạng mục được xây dựng ngầm trong lòng núi, là công trình duy nhất ở Việt Nam có hệ thống cáp dầu 500 KV.
Ngoài thủy điện Ia Ly, trên dòng Sê San còn 2 thủy điện khác thuộc Công ty Thủy điện Ia Ly: Sê San 3 (Công suất thiết kế 260 MW, sản lượng điện bình quân thiết kế là 1,22 tỷ kWh/năm) và Nhà máy Thủy điện Plei Krông (công suất 100 MW, sản lượng điện bình quân 417 triệu kWh/năm). Trong đó, thủy điện Plei Krông là công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống thủy điện bậc thang sông Sê San bởi nhiệm vụ phát điện và điều tiết lượng nước lũ về hồ chứa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xả nước thừa vào mùa mưa, nâng cao hiệu ích cho các nhà máy phía hạ du công trình. Ngoài ra, còn có các thủy điện khác là: Sê San 3A, Sê San 4, thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty cổ phần Sông Đà và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, khai thác.
Một điều vô cùng đáng quý khi xây dựng các công trình thủy điện này là đã khám phá ra những công trình khảo cổ lớn, có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng của người tiền sử ở Tây Nguyên: Di chỉ Lung Leng (Sa Bình-Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) năm 1999-2001 với gần 1.000 công cụ đá, hàng vạn mảnh gốm, mộ chum, bếp lò… khi thi công xây dựng công trình thủy điện Ia Ly. Tiếp đó, năm 2003, Viện Khảo cổ học lại phát hiện ra gần 20 di tích dưới lòng hồ thủy điện Plei Krông (Kon Tum). Hàng ngàn hiện vật được tìm thấy, nhất là các mảnh gốm được chế tác tinh xảo, mang dấu ấn kỹ nghệ của hai luồng văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng đã khiến giới nghiên cứu, khảo cổ phải sững sờ…
Dòng Sê San- dòng sông điện đã không chỉ là dòng sông ánh sáng, mang lại giá trị điện năng cho Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung mà còn góp phần vươn dài tầm ảnh hưởng, mang lại lợi ích cho người dân 2 nước bạn Lào và Camphuchia.
Bên dòng Sê San
Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sê San là một trong 2 nhánh sông chính cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong tỉnh. Nếu như dòng sông Ba- con sông dài thứ hai trên Tây Nguyên là “mạch sống”, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng lúa, rau màu trải dài ngút tầm mắt ở các huyện phía Đông tỉnh, thì dòng Sê San hùng vĩ lại là bầu nước mát đem lại sự sống và phát triển cho hàng ngàn ha cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, hồ tiêu… của các huyện phía Tây Gia Lai.
Dòng Sê San. Ảnh: Duy Danh |
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đất đỏ bazan trù phú, lại được cộng hưởng thêm bởi dòng Sê San ngọt lành, hàng ngàn ha cà phê, hồ tiêu... của người dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đã làm nên một vùng cao nguyên xanh trù phú, những buôn làng người Jrai ổn định, ấm no. Những công ty cà phê dọc suốt các huyện Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ… vốn một thời nổi tiếng giàu có, ăn nên làm ra đã đem lại cuộc sống mới cho hàng ngàn công nhân. Rồi những ông chủ vườn cà phê người Jrai, những “ông chủ” mới từ miền Bắc, miền Trung lên Tây Nguyên lập nghiệp chưa bao lâu đã giàu đến mức “tiêu tiền không cần trả giá”. Những năm gần đây, tuy cà phê không còn giữ thế hoàng kim, song hồ tiêu rồi đủ thứ loại cây trồng khác cần đến nước tưới cũng đã góp phần không nhỏ đem lại nguồn thu, làm giàu cho những hộ dân trong tầm ảnh hưởng của dòng Sê San. Cũng bởi nhờ có cuộc sống ấm no mà tình hình an ninh chính trị nơi địa bàn vùng biên được giữ vững.
6 công trình thủy điện được xây dựng trên sông đã kéo theo rất nhiều công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng, từ đường giao thông, trường học… Không những thế, đây còn là những điểm du lịch hấp dẫn. Cuối năm 2010, Công ty Thủy điện Ia Ly chính thức khai thác dịch vụ tham quan du lịch. Điểm thu hút nhất khách đến với Ia Ly chính là hệ thống nhà máy ngầm trong lòng núi với hệ thống công nghệ hiện đại, phức tạp. Ngoài ra, còn có các công trình khác như: Đập dâng, đập tràn xả lũ, hồ nước rộng lớn... Trong dịp Tết Tân Mão vừa qua, Thủy điện Ia Ly đón hơn 2.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng ngoạn, du xuân. Đây là con số biết nói, thể hiện sức hút và khả năng làm du lịch của công trình thủy điện cho đến bây giờ được coi là lớn thứ 2 cả nước này.
Sẽ là thiếu sót nếu ai đó có sở thích du lịch, thích khám phá vùng đất Tây Nguyên kỳ bí lại không tìm đến những tuor du lịch sinh thái, hòa mình với tự nhiên, hoang sơ nhưng hấp dẫn, đậm “chất” Tây Nguyên khi xuôi thuyền trên dòng Sê San. Trong tương lai không xa, chắc chắn, đây sẽ là loại hình du lịch “hút” khách, người dân Tây Nguyên lại được hưởng thêm nguồn lợi không nhỏ từ dòng sông đã bao đời ôm lấy mảnh đất quê hương và tiếp nguồn sức mạnh cho đất nở trái ngọt cho buôn làng, cho những cộng đồng vùng biên.
Lê Hòa