Trải nghiệm sông nước Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến với thiên nhiên tươi đẹp luôn là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi đã có 1 ngày thật thú vị khi ngược dòng Sê San thưởng ngoạn mây trời, sông nước quyện hòa cùng cảnh vật nơi đây.

Xuất phát từ TP. Pleiku theo tỉnh lộ 664 khoảng 70 km, chúng tôi đến địa phận làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai. Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình là khu du lịch Sê San Island của Hợp tác xã Du lịch Nhân Phú. Khu du lịch tọa lạc giữa một khoảng không gian xanh mát, hữu tình. Sê San Island có diện tích hơn 1 ha với đa dạng hạng mục: nhà hàng nổi phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí, đốt lửa trại, nghỉ dưỡng, chèo thuyền SUP. Hiện tại, chủ nhân khu du lịch đang đề nghị được khai thác dịch vụ du thuyền trên sông.

Với không gian thoáng đãng, xanh mát, khu du lịch Sê San Island là điểm đến hấp dẫn trong hành trình thưởng ngoạn dòng Sê San. Ảnh: V.T.T

Với không gian thoáng đãng, xanh mát, khu du lịch Sê San Island là điểm đến hấp dẫn trong hành trình thưởng ngoạn dòng Sê San. Ảnh: V.T.T

Khu du lịch này cách nơi tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 khoảng 50 m. Như vậy, du khách có thêm sự lựa chọn thú vị trong hành trình về miền biên giới. Sau khi trải nghiệm một vài dịch vụ, chúng tôi bắt đầu ngược dòng Sê San trong tâm thế háo hức.

Anh Trương Quốc Khánh sống tại làng chài, nghề chính là lái thuyền đưa du khách tham quan khu vực lòng hồ Sê San 4 và tìm hiểu đời sống của người dân trên đảo. Đồng hành cùng chúng tôi trong suốt chặng đường, anh như một hướng dẫn viên thực thụ khi chia sẻ khá nhiều thông tin hữu ích về nơi này, đồng thời giới thiệu về nét đẹp và sự diệu kỳ của thiên nhiên ban tặng người dân nơi đây. Anh Khánh cho biết giá cho dịch vụ tham quan lòng hồ, làng chài, ghé thăm các hòn đảo là 1 triệu đồng cho đoàn từ 10 đến 15 khách.

Sau 5 phút rời bến, chúng tôi dừng chân tại đảo Lá. Sở dĩ có tên như vậy là bởi trên đảo được dựng khá nhiều chòi dừng chân nghỉ dưỡng được lợp bằng lá dừa nước có xuất xứ từ miền Tây lên. Công trình này do Hợp tác xã Du lịch Nhân Phú đầu tư và quản lý. Nếu có nhu cầu, du khách được phục vụ ăn uống, thưởng ngoạn cảnh quan xung quanh đảo.

Theo yêu cầu của đoàn, anh Khánh đưa chúng tôi đến tham quan làng chài. Thuyền ngược dòng, mặt nước yên ả, xanh trong. Từ xa, những nhà bè đặc trưng của vùng sông nước quần tụ lại thành một làng chài nhỏ lênh đênh trên mặt sông, bình dị và mộc mạc tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và lột tả phần nào cuộc sống của cư dân miền sông nước. Trước kia, nơi đây chỉ là một ngôi làng nhỏ. Hiện nay, làng chài Sê San đang dần trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách, mở hướng phát triển cho loại hình du lịch sông nước.

Chúng tôi dừng chân tại nhà bè của chị Hà Thị Diễm Nhung (quê An Giang). Gia đình chị Nhung đã có 12 năm sinh sống tại làng chài. Chị Nhung cho hay: Có khoảng 30 hộ sinh sống (chủ yếu là người An Giang) trong những ngôi nhà nổi san sát trên mặt sông, nằm lọt thỏm trong khu vực lòng hồ và được bao bọc bởi các hòn đảo xung quanh. Chồng chị là anh Nguyễn Thành Nhân trước đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Sau này, công việc kinh doanh du lịch ngày càng phát triển, lượng khách đến khá đông nên anh nghỉ nghề đánh cá, cùng vợ phục vụ khách du lịch.

Chị Hà Thị Diễm Nhung đang phơi cá cơm khô, một đặc sản du khách nên mua về làm quà khi đến thăm làng chài Sê San. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Chị Hà Thị Diễm Nhung đang phơi cá cơm khô, một đặc sản du khách nên mua về làm quà khi đến thăm làng chài Sê San. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Theo chị Nhung, hầu như ngày nào cũng có khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ tại đây, cuối tuần thì đông hơn. Chỉ với những món cá đặc trưng như cá lăng nha đuôi đỏ, cá rô cờ, cá chạch, cá chình… mang đi hấp, nướng, nấu lẩu là đủ khiến thực khách xuýt xoa. Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, gia đình anh chị còn thu mua cá cơm tươi về phơi khô, làm bánh tráng cá cơm rất được ưa chuộng.

“Khách du lịch biết đến khu vực này ngày càng nhiều hơn. Thời gian gần đây, khá đông người dân trong tỉnh và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Được sự vận động của chính quyền cũng như ý thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, chúng tôi đều bảo nhau chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ cũng như đảm bảo thức ăn tươi ngon, hợp vệ sinh và giá cả phải chăng”-chị Nhung hồ hởi chia sẻ.

Sau hành trình tham quan lòng hồ, thưởng ngoạn sông nước Sê San giữa mây trời, tìm hiểu về cuộc sống thanh bình của cư dân làng chài, du khách có thể nối tuyến trải nghiệm thác Mơ (làng Ếch, xã Ia Khai), di tích Bến đò A Sanh (xã Ia Khai)... Và, chắc chắn mỗi người sẽ có những kỷ niệm tuyệt vời mà khi xa rồi vẫn còn luyến lưu và nhớ mãi.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.