Tòa quên luật?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tòa án- nơi cần có cán bộ có trình độ chuyên môn nhất định để tìm ra sự thật, giải quyết tranh chấp một cách công minh nhất. Thế nhưng, mới đây lại có chuyện lạ đời khi Tòa án dựng chuyện không thành có, tạo ra nhiều khuất tất nhưng thẩm phán xét xử vẫn bình chân như vại.
Tòa sơ thẩm “vẽ” diễn biến phiên tòa
Ngày 4-12-2009, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Chư Sê, Gia Lai đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “kiện đòi nợ” giữa nguyên đơn là ông Huỳnh Anh Tịnh và bà Phạm Thị Tuyết Mai, bị đơn là ông Phạm Hữu Nghĩa và bà Nguyễn Thị Nên. Vụ án do thẩm phán Vương Đức Phượng thụ lý, xét xử, và cán bộ Dương Nam Anh Chinh làm thư ký.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tại phiên tòa, phía bị đơn ông Nghĩa, bà Nên vắng mặt và ủy quyền cho ông L.D. tham gia tố tụng. Ông L.D. hoàn toàn không chấp nhận đơn khởi kiện của phía nguyên đơn và yêu cầu tính rõ lại lãi suất vì lãi suất khá cao (30%/tháng). Thế nhưng ngay trong bản án và biên bản phiên tòa, lại thể hiện: “Nay vợ chồng tôi (ông Nghĩa, bà Nên) đồng ý trả cho ông Tịnh, bà Mai số tiền gốc 502.780.000 đồng... Còn vấn đề ông Tịnh, bà Mai đề nghị tính lãi suất theo quy định của pháp luật từ ngày 5-8-2009 đến nay trên số tiền gốc là vợ chồng tôi không đồng ý”...
Đây là một sự bịa đặt của TAND cấp sơ thẩm, không đúng diễn biến tại phiên tòa. Sau khi bản án được ban hành, ngày 10-12-2009 thẩm phán Vương Đức Phượng lại ký Thông báo số 05/TB-TA về việc sửa đổi bổ sung Bản án sơ thẩm số 17/2009/DSST ngày 4-12-2009 của TAND huyện Chư Sê. Tuy nhiên thông báo sửa đổi, bổ sung bản án này không được tống đạt cho bị đơn cũng như người đại diện của bị đơn để thực hiện quyền kháng cáo của họ.
Nói về Thông báo số 05 nói trên, vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn còn cho biết thêm: “Qua kiểm tra các chứng cứ tại hồ sơ, không có chứng cứ nào để xác định việc đã tống đạt thông báo trên cho bị đơn cũng như người đại diện theo ủy quyền của bị đơn. Như vậy cấp sơ thẩm đã vi phạm Điều 58-Bộ luật Tố tụng Dân sự về quyền và nghĩa vụ của các đương sự. Đây là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Hơn nữa căn cứ vào Điều 240-Bộ luật Tố tụng Dân sự thì việc thẩm phán Vương Đức Phượng ban hành Thông báo số 05/TB-TA ngày 10-12-2009 nói trên  nhưng hồ sơ không thể hiện sự phối hợp với các hội thẩm nhân dân là thành viên của Hội đồng xét xử (HĐXX) trong vụ án đó (không có biên bản họp HĐXX). Như vậy đủ cơ sở để xác định cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng”.
Tòa Phúc thẩm “cố đấm ăn xôi”?
Bản án dân sự số 17/2009/DSST nói trên của TAND huyện Chư Sê bị kháng cáo trong trường hợp phía bị đơn hoàn toàn không biết gì về Thông báo số 05/TB-TA về việc bổ sung, sửa đổi Bản  án dân sự số 17/2009/DSST này do Tòa án không tống đạt. Ngày 13-5-2010, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án dân sự trên ra xét xử phúc thẩm do thẩm phán Võ Quang làm chủ tọa. Thay vì hủy án sơ thẩm do những sai phạm nghiêm trọng về tố tụng của cấp xét xử sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm lại ra sức bảo vệ cho những khuất tất nghiêm trọng ấy của Tòa án cấp dưới.
Thẩm phán Võ Quang đưa ra lý lẽ: Có những sai phạm đó là do cách ghi chép của tòa cấp dưới có sự nhầm lẫn về ngôn từ(!?). Theo hồ sơ tố tụng, biên bản phiên tòa và Bản án dân sự sơ thẩm số 17/DSST ngày 4-12-2009 của TAND huyện Chư Sê thể hiện nguyên đơn là ông Huỳnh Anh Tịnh và bà Phạm Thị Tuyết Mai kháng cáo. Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tịnh và bà Phạm Thị Tuyết Mai không kháng cáo cũng như không khiếu nại về bản án trên.
Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, nguyên đơn trình bày: Không có Huỳnh Anh Tịnh, mà là Huỳnh Tịnh và bà Phạm Thị Tuyết Mai. Như vậy, Huỳnh Tịnh và Huỳnh Anh Tịnh là hai chủ thể khác nhau. Việc xác định sai chủ thể đã thể hiện cấp sơ thẩm trong phần thủ tục phiên tòa cũng đã không làm rõ tư cách của nguyên đơn. Việc ra bản án và tuyên bố chấp nhận đơn khởi kiện của Huỳnh Anh Tịnh và bà Phạm Thị Tuyết Mai, xử buộc ông Phạm Hữu Nghĩa và bà Nguyễn Thị Nên trả cho ông Huỳnh Anh Tịnh và bà Phạm Thị Tuyết Mai số tiền hơn 500 triệu đồng là sai về chủ thể. Hơn thế nữa đơn khởi kiện chỉ do một mình bà Mai ký, nhưng tòa lại đưa ông Huỳnh Anh Tịnh, nay là Huỳnh Tịnh (chưa có cơ sở xác định chủ thể nào là đúng) tham gia với tư cách là nguyên đơn, trong khi ông Tịnh không có khởi kiện(?!).
Nếu như lý lẽ của thẩm phán Võ Quang, tòa sơ thẩm lộn ngôn từ thì tại sao lại không bổ sung, sửa chữa luôn ngay trong thông báo bổ sung số 05/TB-TA. Và tại phiên tòa phúc thẩm lại xuất hiện thêm một chủ thể mới là ông Huỳnh Tịnh. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm không có bất kỳ một chứng cứ nào để chứng minh ông Huỳnh Tịnh nguyên đơn tại phiên tòa phúc thẩm và nguyên đơn Huỳnh Anh Tịnh tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm là một chủ thể, ngoài lời khai phản biện của ông Huỳnh Tịnh.
Bản án phúc thẩm “cố đấm ăn xôi” lại đồng tình bảo vệ cho những sai phạm trên của thẩm phán Vương Đức Phượng và thư ký Dương Nam Anh Chinh. Dư luận đang rất quan tâm xem cơ quan chức năng xử lý những khuất tất trên như thế nào?
Vy Vĩnh

Có thể bạn quan tâm

Dùng thẻ bảo hiểm y tế của người khác có thể bị phạt ít nhất 40 triệu đồng

Dùng thẻ bảo hiểm y tế của người khác có thể bị phạt ít nhất 40 triệu đồng

(GLO)- Theo hồ sơ thẩm định dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi vừa được Bộ Tư pháp công bố, người dùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giả, thẻ của người khác đi khám-chữa bệnh để hưởng chế độ trái quy định có thể bị phạt ít nhất 40 triệu đồng, tăng gấp đôi so với hiện hành.

Ô tô tông người đi bộ, 1 người nguy kịch

Ô tô tông người đi bộ, 1 người nguy kịch

(GLO)- Sáng 6-5, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Gia Lai đang phối hợp với Công an xã Gào (TP. Pleiku) khám nghiệm hiện trường để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông khiến 1 người bị thương nặng.