(GLO)- Thế hệ như tôi thật khó hình dung và cảm nhận được một cách trọn vẹn về tình người trong một giai đoạn khó khăn của đất nước: Thời bao cấp. Song qua những câu chuyện, ký ức một thời của những người trong cuộc, dù cho cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề nhưng con người vẫn luôn đối xử với nhau đầy ắp tình người.
Bà Rơ Châm H’Yéo-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai nhớ lại: “Trong làng chỉ cần có một việc gì là mọi người cùng xúm lại lo chuyện. Ký ức về những lần người dân cáng người bằng võng đi cấp cứu hay một hộ làm nhà là cả làng nghỉ làm đến giúp, giờ tôi vẫn không quên”.
Gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Internet |
Bà H’Yéo sinh ra và lớn lên ở xã Ia Phí, huyện Chư Pah. Những ngày đất nước vừa thống nhất và cho đến cuối những năm 80 thế kỷ trước, nơi đây vẫn chưa có đường đi và phương tiện đi lại thuận lợi như bây giờ. Vì thế, khi có người ốm nặng thì cả làng cắt cử thanh niên cáng người bệnh đi bộ vài chục cây số để đến Bệnh viện tỉnh Gia Lai-Kon Tum cứu chữa. Bà H’Yeo kể: “Cuối năm 1976, cuộc sống của người dân ở đây còn vô cùng vất vả, thiếu thốn đủ bề, nhưng tình thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau thì vô bờ bến. Tôi nhớ, cuối năm 1980, gia đình tôi làm lại căn nhà tranh. Bố, mẹ tôi đến nói chuyện với già làng về chuyện làm nhà thì sáng sớm hôm sau, từ già trẻ, gái trai tập trung ở nhà tôi rất đông, mỗi người giúp một việc. Nhà có thịt, có gà, có gạo, rượu ghè thì mang đến hỗ trợ; thanh niên đào móng, chị em vào rừng cắt tranh, lấy gỗ. Những ngày tiếp theo già làng cử một số chị em đến nhà tôi lo chuyện cơm nước, còn thanh niên tiếp tục giúp gia đình tôi làm nhà. Cứ thế cho đến khi căn nhà hoàn chỉnh. Không chỉ nhà tôi mà nhà nào trong làng làm nhà, cả làng cũng giúp như thế. Điều này cho đến bây giờ vẫn còn nhưng chỉ là một ngày đầu mở móng thôi, còn những ngày tiếp theo có thợ rồi, thanh niên và người dân trong làng không còn phải giúp nữa”.
Còn câu chuyện của bà Nguyễn Thị Căn (tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cũng rất đáng nhớ với những chi tiết thật cảm động. Lần đó chị Hồng-hàng xóm của bà sống ở khu tập thể bị ốm nặng. “Nhà chị Hồng lúc đó bói cũng không ra hạt gạo để nấu cháo. Khi mọi người trong khu tập thể biết chuyện, người thì đưa chị đi khám bệnh, người thì nhường tem phiếu mua rau, gạo, người thì mang cho vài quả chuối, quả trứng gà (là một trong những ước mơ thời bấy giờ). Nhờ sự chia sẻ, đùm bọc như thế, chị Hồng đã qua cơn nguy kịch và bình phục. Tôi cảm thấy, dường như cuộc sống càng khó khăn thì con người lại càng thêm gắn bó”-bà Căn rưng rưng xúc động khi nhớ lại tình người một thời như thế.
Bà Đinh Thị Kuenh-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) cũng được rất nhiều bà con trong xã biết đến với những việc làm tình nguyện từ những ngày gian khổ ấy. Đầu tiên là từ chuyện Trường Tiểu học và THCS xã Kon Chiêng bắt đầu được gầy dựng lại sau chiến tranh. Hiệu trưởng nhà trường đích thân đến từng làng vận động, nhờ người dân về giúp trường nấu cơm cho học sinh. “Gia đình mình lúc đó có 3 em ruột học tại trường này. Mà từ nhà mình đến trường xa 10 cây số. Lấy việc chung làm trọng và để các em có cái chữ, mình đã tình nguyện làm “anh nuôi” cho nhà trường suốt 7 năm không công. Ngày ấy, trường còn nghèo lắm, chỉ có đủ bàn ghế cho học sinh ngồi, cơ sở vật chất thì xập xệ. Thấy vậy, mình đã đi vận động từng làng quyên góp “hũ gạo tình thương” để lấy gạo nuôi học sinh. Củi đun không có thì mình vận động chị em mỗi làng một tuần góp một xe củi. Làng cắt cử người đi lấy để sẵn ở nhà rông, khi hết củi đun, gạo ăn, giáo viên đi xe đạp đến địa điểm chở về dùng”-bà Kuenh nhớ lại. Chính từ những việc làm của bà, Trường Tiểu học và THCS Kon Chiêng được mọi người biết đến gọi bằng cái tên trìu mến: Trường bán trú dân nuôi. Và ngôi trường bán trú dân nuôi đầu tiên của tỉnh cũng là mô hình điểm sau này được chọn nhân rộng toàn tỉnh.
Những câu chuyện về nhờ giữ chỗ xếp hàng, nhờ bơm vá xe đạp, nhờ trông hộ nhà, nhờ trông hộ con nhỏ… của thời bao cấp giờ đã không còn tồn tại. Nhưng những câu chuyện về tình người vẫn luôn là dấu ấn khó quên. Với ông Chu Quang Tùy (đường Phạm Văn Đồng nối dài, TP. Pleiku)-từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 408, nhớ về thời bao cấp là nhớ về những ngày thiếu thốn đủ bề nhưng trong lúc gian khó nhờ biết yêu thương mà con người đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách. Ông Tùy kể: “Trong kháng chiến, nếu không có sức mạnh của tình yêu thương, đùm bọc thì làm sao quân dân ta có thể đánh tan kẻ thù Pháp, Mỹ hùng mạnh? Nếu không có tình yêu thương thì liệu ngày hôm nay chúng ta có được sống trong một đất nước hòa bình thế này không? Và cũng nhờ có đức tính biết yêu thương, chia sẻ ấy, đồng bào cả nước đã bao lần cùng nhau sẻ chia, vượt qua nỗi đau thiên tai hay bão tố. Cho dù ở những vùng miền khác nhau nhưng ai ai trên đất nước này cũng đều hướng về nhau. Truyền thống đó, tình người đó chúng ta cần giữ gìn và phát huy”.
Mỹ Đức