(GLO)- Năm 2014 đã ghi một dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử đóng tàu quân sự Việt Nam: Lần đầu tiên đóng mới thành công hai tàu tên lửa tấn công nhanh. Ngày 27-6 vừa qua, hai tàu tên lửa HQ377 và HQ378 đã được bàn giao và biên chế cho lực lượng Quân chủng Hải quân Việt Nam. Một trong những người đảm trách nhiệm vụ giám sát việc lắp đặt vũ khí cho hai con tàu “made in Việt Nam” này là Tiến sĩ, Đại úy Hồ Việt Hưng.
Tiến sĩ, Đại úy Hồ Việt Hưng hiện đang công tác tại Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng-Bộ Quốc phòng). Tháng 6-2014, Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Ba Son đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen vì đã có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ đóng mới tàu tên lửa đầu tiên tại Việt Nam.
Tiến sĩ Hồ Việt Hưng. Ảnh: Phương Duyên |
“Học để đáp ứng yêu cầu thời đại”
Trò chuyện cùng P.V, TS. Hồ Việt Hưng cho biết: Năm 1999, sau khi tốt nghiệp THPT ở Trường THPT Chuyên Hùng Vương, với giải ba quốc gia môn Hóa học, anh được tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi anh đang học năm nhất đại học, Bộ Quốc phòng có chủ trương tuyển chọn sinh viên bên ngoài có thành tích học tập xuất sắc và có nguyện vọng phục vụ quân đội để gửi đi đào tạo nước ngoài. “Nhận thấy đây là cơ hội tốt để có thể cống hiến được khả năng của mình và từ nhỏ cũng yêu mến các anh chiến sĩ với màu áo lính nên tôi đã quyết định nhập ngũ vào tháng 8-2000”-Hồ Việt Hưng nhớ lại.
Tháng 9-2000, anh được cử sang học tại Trường Đại học Đóng tàu Quốc gia Ukraina. Đây là một trong 2 trường đại học đóng tàu hàng đầu của Xô Viết trước kia. Sau 7 năm học tập ở nước bạn, Hồ Việt Hưng tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành máy lạnh tàu thủy. Về nước, anh nhận quyết định về công tác tại Công ty Sông Thu-Đà Nẵng (trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). 3 năm sau, anh tiếp tục được Bộ Quốc phòng cử đi làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Quốc gia Astrakhan (Liên bang Nga). Tuy rất tình cờ khi bước vào con đường phục vụ lâu dài trong quân đội, nhưng với chuyên gia trẻ tuổi này thì “học tập là nguyện vọng bản thân và mình cũng mong muốn học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu thời đại”.
Tháng 11-2013, Hồ Việt Hưng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Trạm năng lượng tàu thủy. Sau khi về nước, anh được phân công công tác tại Tổng Công ty Ba Son với nhiệm vụ tham gia vào công tác kỹ thuật đóng tàu tên lửa đầu tiên của Việt Nam.
Tự hào tàu chiến “made in Việt Nam”
Có thể nói, lần đầu tiên đóng mới tàu tên lửa là một trọng trách vô cùng lớn lao đối với hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân của Tổng Công ty Ba Son. Đó là bước ngoặt khẳng định sức mạnh của quân sự Việt Nam. Với Hồ Việt Hưng, nhiệm vụ phụ trách hệ thống điều hòa không khí trên tàu và giám sát lắp đặt hệ thống vũ khí càng nặng nề hơn. Anh chia sẻ: “Công việc chính của mình là nghiên cứu tài liệu, bản vẽ của đối tác Nga để lắp đặt các hệ thống trên tàu. Phải làm việc với chuyên gia Nga hàng ngày để vượt qua những khó khăn về kỹ thuật có thể xảy ra trong thực tế”.
Tiến sĩ Hồ Việt Hưng cho biết, từ mô hình đến việc lắp đặt có không ít trở ngại, đòi hỏi người kỹ sư cũng như công nhân phải linh hoạt để vượt qua. “Có những hệ thống rất hiện đại chưa được lắp đặt ở Việt Nam bao giờ. Trong khi đó, việc lắp đặt các vũ khí trên tàu đòi hỏi độ chính xác rất cao, do đó người kỹ sư phải luôn bám sát thực tế và không ngừng học hỏi kinh nghiệm của chuyên gia nước bạn, dần dần lĩnh hội những kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn”-Hồ Việt Hưng nói về những nỗ lực trong khi thực hiện nhiệm vụ. Để sớm hoàn thành 2 tàu tên lửa đầu tiên này, anh và hàng trăm đồng sự nhiều khi phải làm cả vào ngày nghỉ và buổi tối, khi thì trong cái nắng gay gắt trên boong tàu hoặc ở dưới hầm tàu nóng bức. Vất vả là vậy, nhưng trước tình hình căng thẳng tại biển Đông, anh em cán bộ kỹ thuật lại càng mong muốn con tàu được nhanh hoàn thiện và ra khơi để bảo vệ biển đảo.
Với những nỗ lực đó, tháng 4-2014, lần đầu tiên sau 88 năm kể từ ngày thành lập, Tổng Công ty Ba Son đã cho ra mắt cặp tàu tên lửa tấn công nhanh, đa năng, cơ động, hiện đại nhất được đóng ở trong nước và trang bị kịp thời cho Hải quân Việt Nam. TS. Hồ Việt Hưng vui mừng nhớ lại: “Lúc thử tàu, khi tên lửa cả hai tàu lao đi đều trúng mục tiêu ngay từ loạt bắn đầu, tất cả mọi người đều cảm thấy thật tự hào và hạnh phúc. Vì điều này khẳng định sự trưởng thành của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của Việt Nam nói chung, thành quả của Công ty Ba Son nói riêng. Bản thân mình cũng thấy tự hào vì Ba Son đã có thể đóng được con tàu hiện đại như vậy. Từ đó, thay vì đi mua tàu, chúng ta có thể mạnh dạn tự đóng những con tàu tương tự, thậm chí hiện đại hơn để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Chia sẻ về những hoài bão trong công việc, TS. Hồ Việt Hưng trải lòng: “Mình mong muốn Việt Nam dần dần có thể tự chủ về công nghệ, từ đó những kỹ sư có thể độc lập trong việc vận hành, lắp đặt, sửa chữavà chế tạo được những hệ thống vũ khí, tên lửa, radar phức tạp…”.
Phương Duyên