(GLO)- Nhắc đến chuyên gia trong lĩnh vực Radar Tomography tại viện CESBIO-viện nghiên cứu hàng đầu của Pháp về thám sát trái đất-thì nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đều không thể không nhắc đến Hồ Tống Minh Định-một người con của Gia Lai, một chuyên gia trẻ tuổi đời và cả tuổi nghề nhưng đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, tháng 8-2014, thuật toán đa lớp Radar Tomography cho vệ tinh P-band BIOMASS do anh và các đồng nghiệp nghiên cứu đã được vinh danh là một trong hai thành tựu tiêu biểu của ngành khoa học trái đất năm 2013 của Cơ quan Không gian Pháp-CNES.
Tiến sĩ Hồ Tống Minh Định (thứ hai trái sang) cùng các cộng sự ở Viện CESBIO. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chuyên gia Viễn thám Radar
Câu chuyện của chúng tôi ban đầu gặp một số khó khăn khi những thuật ngữ khoa học xuất hiện dày đặc, song TS. Hồ Tống Minh Định đã nhanh chóng giải thích bằng những cách diễn đạt dễ hiểu nhất. Theo anh, kỹ thuật Radar Tomography thật ra rất quen thuộc với chúng ta. Ví dụ, để kiểm tra những người bị tổn thương nội bộ từ các chấn thương, người ta có thể dùng máy chụp cắt lớp vi tính (chụp CT-Computerized Tomography) với nguyên lý kết hợp một loạt các tia tín hiệu từ 360° để tạo ra hình ảnh 3D bên trong cơ thể. Nguyên lý của Radar Tomography cũng tương tự, sẽ cho hình ảnh 3D của đối tượng, nhưng chỉ cần kết hợp một vài tia tín hiệu từ một góc rất nhỏ mà thôi. Kỹ thuật này còn được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực: địa chất, đô thị, môi trường… Công việc của chuyên gia trẻ tuổi sinh năm 1980 này là làm thuật toán xử lý cấp dưới, từ đó những chuyên gia ở các ngành khác sử dụng để đưa vào ứng dụng trong cuộc sống.
Chia sẻ với Báo Gia Lai, Hồ Tống Minh Định cho biết: Năm 1998, anh trúng tuyển vào Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh. Cuối khóa, anh chọn làm luận văn về vấn đề xây dựng chương trình mô hình hóa độ cao số. Luận văn được TS. Lê Trung Chơn nhận xét: “Tác giả có năng lực thiết kế chương trình và lập trình đặc biệt”. Kết quả, anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi ngành Địa Tin Học. Hai năm sau, anh hoàn thành xuất sắc luận văn cao học về các thuật toán giải mở pha trong kỹ thuật Viễn thám Radar giao thoa. Với thành tích nghiên cứu này, tháng 6-2006, anh chính thức trở thành giảng viên bộ môn Địa Tin Học tại Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh.
CESBIO (Centre d’Etudes Spatiales de la BIOsphère) là một viện nghiên cứu liên kết giữa : Cơ quan không gian (CNES), Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS), Trường Đại Học Toulouse III và Viện nghiên cứu phát triển (IRD). Viện CEBISO hiện tại là viện hàng đầu của Pháp về nghiên cứu khoa học trong thám sát trái đất. Viện CEBIO là nơi sản sinh ra 2 vệ tinh thám sát trái đất của ESA : SMOS và BIOMASS, và là trung tâm xử lý tín hiệu của 2 vệ tinh này. |
Quan tâm nhiều đến đầu ra của chuyên ngành Viễn thám Radar, Hồ Tống Minh Định dần dần nhận ra rằng đây là lĩnh vực ứng dụng rất quan trọng mà ở Việt Nam đang rất thiếu. Vì vậy, anh đã dành nhiều thời gian cộng tác với các viện khoa học để góp phần vào việc phát triển ngành này ở Việt Nam. Một ví dụ cụ thể là giám sát biến dạng lún đất ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố khác bằng kỹ thuật Viễn thám Radar giao thoa. Đây là một ứng dụng quan trọng mà anh vẫn còn tiếp tục tham gia đóng góp cho đến giờ.
“Mong muốn góp phần vào thành tích khoa học của đất nước”
Những ai quan tâm đến khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực thám sát trái đất, không ai không biết đến Viện Nghiên cứu CESBIO. Vậy đâu là con đường đưa Hồ Tống Minh Định đến với địa chỉ nghiên cứu khoa học hàng đầu này?
Từ đất Pháp, tiến sĩ trẻ chia sẻ: “Tháng 7-2009, tôi nhận được cùng một lúc tin vui chúc mừng học bổng tiến sĩ toàn phần từ hai trường: Đại học Bách Khoa Delft-Hà Lan và Đại học Bách Khoa Milan-Ý. Tôi đã chọn Bách Khoa Milan vì ở đó có GS. Fabio Rocca, nhà khoa học thiên tài và là người tiên phong khai sáng ngành kỹ thuật Radar giao thoa”. Những ngày tháng đầu tiên học tập tại Milan giống như anh dự tính: Đầy áp lực! Tuy nhiên, qua mỗi lần thảo luận với GS. Fabio Rocca, anh đều trở về với những suy nghĩ tích cực trong việc tìm những vấn đề tồn tại trong khuôn khổ Radar giao thoa và giải quyết nó.
Dịp Tết Nguyên Đán năm 2011, Hồ Tống Minh Định được nhà khoa học Lê Toàn Thủy-một nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng vì những đóng góp cho Việt Nam, là người đưa ngành Viễn Thám về Việt Nam-mời sang Toulouse (Pháp), đón Tết. Bà Lê Toàn Thủy đang công tác tại Viện CESBIO, là người đưa ra ý tưởng làm vệ tinh P-band BIOMASS để đo sinh khối trái đất cho Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) và cũng là chủ tịch khoa học của đề án này. GS. Fabio Rocca cũng là thành viên trong nhóm các nhà khoa học của đề án, và là người đưa ra ý tưởng vệ tinh P-band BIOMASS cần có khả năng chụp Radar Tomography. Đơn giản vì đây là một kỹ thuật nâng cao của Radar giao thoa và chưa có vệ tinh nào trước đây thực hiện. Đây chính là cơ duyên đưa anh đến với lựa chọn nghiên cứu sâu về thuật toán Radar Tomography.
Tháng 2-2013, Hồ Tống Minh Định bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trong đó đề xuất và đánh giá kỹ thuật Radar Tomography cho đề án vệ tinh P-band BIOMASS. Hầu hết các kết quả của luận án đều được đưa trực tiếp vào báo cáo lựa chọn vệ tinh. Tháng 5-2013, vệ tinh P-band BIOMASS được ESA chọn để thực hiện sứ mệnh thám sát sinh khối trái đất và sẽ được phóng vào quỹ đạo năm 2020. Với thành tích khoa học đó, anh được mời làm nghiên cứu sau tiến sĩ cùng với nhà khoa học Lê Toàn Thủy tại Viện CESBIO và dần trở thành một chuyên gia về Radar tomography. Tháng 6-2014, lần đầu tiên anh được mời làm đồng chủ tịch tiểu ban khoa học Radar tomography của tại hội nghị đầu ngành về xử lý tín hiệu Radar. Tháng 8-2014, thuật toán đa lớp Radar tomography cho vệ tinh P-band BIOMASS được vinh danh là một trong hai đóng góp tiêu biểu cho ngành khoa học trái đất năm 2013 của CNES.
Ít người biết rằng, TS. Hồ Tống Minh Định lại có một tuổi thơ “hồn nhiên, ham chơi, không để ý đến thành tích”. Anh kể lại: “Tôi vẫn nhớ hoài một buổi trưa êm ả, năm học lớp 8, chiều đó tôi phải đi thi chọn học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Chẳng hiểu sao hai mắt tôi cứ dính chặt vào nhau, tôi dặn mẹ kêu con thức dậy sau 10 phút nữa để con đi thi nhé. Tôi ngủ thẳng một giấc đến 15 giờ! Thắc mắc hỏi mẹ thì mẹ bảo lay con mấy lần nhưng thấy con ngủ ngon quá nên để yên luôn”. Nhắc lại chuyện này, Hồ Tống Minh Định không khỏi nở một nụ cười thật dí dỏm. Có lẽ, sự không-áp-lực vì bệnh thành tích đã mang đến cho anh những thành tích đáng nể như ngày hôm nay.
Trò chuyện cùng P.V Báo Gia Lai, TS. Hồ Tống Minh Định chân tình chia sẻ: “Tôi không chỉ là một người con của Gia Lai mà là một người con của đất nước Việt Nam, vì vậy hiện tôi vẫn thường xuyên cộng tác với các viện khoa học ở Việt Nam để nghiên cứu, đồng thời mong muốn mang những thành công của mình góp phần vào thành tích nghiên cứu khoa học của đất nước”. Một trong những dự án quan trọng anh đang thực hiện là lập bản đồ đô thị 3D bằng kỹ thuật Radar Tomography tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Minh Thi