Thu nhập "khủng" từ vườn chanh tứ quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 năm trồng 1.300 cây chanh tứ quý trên diện tích 1,3 ha, anh Hoàng Văn Anh (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã thu lãi mỗi năm trên 500 triệu đồng.
Đã hẹn trước song để kịp giao chanh cho thương lái gửi sang tỉnh Đak Lak nên anh Hoàng Văn Anh vừa trò chuyện với chúng tôi vừa tranh thủ cùng vợ hái chanh. Anh cho biết, vườn chanh của anh chỉ bón phân chuồng hoai, một ít lân, vỏ cà phê và dùng một ít thuốc sinh học để trừ sâu bệnh. Vì vậy, cây phát triển tốt, cho quả to, đẹp và đảm bảo an toàn, chất lượng. Vì thế, chanh được nhiều thương lái tới thu mua với giá khá cao. Hiện nay, giá chanh đang ở mức 25.000 đồng/kg, thấp hơn so với dịp Tết Nguyên đán 5.000 đồng/kg nhưng cao hơn so với thời điểm mùa lạnh 10.000-15.000 đồng/kg.
 Anh Hoàng Văn Anh dẫn mọi người tham quan vườn chanh của gia đình. Ảnh: N.H
Anh Hoàng Văn Anh dẫn mọi người tham quan vườn chanh của gia đình. Ảnh: N.H
...Giữa năm 2014, khi diện tích hồ tiêu của gia đình bị nhiễm bệnh chết, anh Hoàng Văn Anh đã trồng thử nghiệm đu đủ, chanh giấy nhưng không thành công. Năm 2016, trong chuyến thăm một người bạn ở Đak Lak, vô tình biết đến cây chanh tứ quý cho thu nhập cao, anh quyết định trồng thử nghiệm. “Chanh tứ quý cho thu hoạch quanh năm, thị trường khá rộng nên tôi quyết định trồng phủ kín loại cây này trên toàn bộ 1,3 ha đất sản xuất của gia đình. Rút kinh nghiệm, lần này tôi chọn nơi cung cấp giống uy tín nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng”-anh Hoàng Văn Anh chia sẻ.
Mới đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, anh Hoàng Văn Anh lên mạng học hỏi kinh nghiệm chăm sóc chanh. Sau đó, anh tham quan một số mô hình trồng chanh trong và ngoài tỉnh để tích lũy kinh nghiệm. Đặc biệt, anh đã học hỏi được phương pháp khiến chanh ra quả nhiều, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán và mùa nắng nóng. Sau một năm trồng và chăm sóc, vườn chanh của gia đình anh phát triển tốt và cho thu bói trên 25 tấn, bán được 250 triệu đồng. Năm 2018, vườn chanh tiếp tục cho thu trên 50 tấn. Với giá dao động trong khoảng 10.000-30.000 đồng/kg, gia đình anh thu 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Theo dự tính, năm nay, gia đình sẽ thu hoạch 50-70 tấn quả.
Không chỉ bán chanh thương phẩm, anh còn học kỹ thuật chiết cành bán cây giống cho những hộ dân có nhu cầu trên địa bàn xã với giá 20.000 đồng/cây. Riêng mùa mưa năm 2018, anh đã bán được khoảng 5.000 cây chanh giống, thu về gần 100 triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh tứ quý, anh Anh cho biết yếu tố quan trọng đầu tiên là tìm nguồn giống uy tín để đảm bảo về chất lượng. Bên cạnh đó, cũng như các loại cây trồng khác, cây chanh ưa phân chuồng, mùa khô cần tưới nước thường xuyên để tạo độ ẩm cho đất. Cùng với đó, thường xuyên tỉa cành tạo tán hạn chế cành vượt, loại bỏ những cành già cỗi sâu bệnh, giúp cây thông thoáng, tăng khả năng quang hợp để phát triển cân đối, đủ sức mang trái. “Trồng chanh tứ quý vốn đầu tư thấp, rủi ro ít, không đòi hỏi cao về kỹ thuật nên tôi nghĩ người dân nên đầu tư trồng loại cây này để cải thiện thu nhập”-anh Hoàng Văn Anh chia sẻ.
Nói về mô hình này, bà Lê Thị Như Lai-cán bộ nông nghiệp xã Ia Phang-cho biết: Mô hình trồng chanh tứ quý của hộ anh Hoàng Văn Anh đã cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt. Ngoài năng suất cao, chất lượng đảm bảo thì thị trường tiêu thụ của loại cây trồng này cũng khá rộng. Vì vậy, xã đang khuyến khích bà con trên địa bàn nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất sản xuất của gia đình nói chung, trên diện tích hồ tiêu bị chết nói riêng để cải thiện thu nhập, trong đó có loại cây trồng này.
 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.