Thiếu nhân lực khi phát triển du lịch tại chỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành đang rơi vào tình trạng thiếu hụt một lực lượng lớn nhân sự sau dịch COVID-19. Không ít doanh nghiệp khi chú trọng phát triển du lịch tại chỗ phải chạy đua, đăng tin tuyển dụng nhân sự với mức lương khủng. 
 
Khách du lịch tham quan Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Tư liệu
Khách du lịch tham quan Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Tư liệu
Hiếm nhân lực chất lượng
Gần hai tháng đăng tin tuyển nhân sự ở những vị trí cốt cán như điều hành tour, quản lý kinh doanh, kế toán trưởng... thế nhưng, anh Trần Văn Minh (quản lý công ty du lịch ở Hà Nội) vẫn chưa tuyển được đủ người. Nhiều năm hoạt động trong ngành du lịch, dịch vụ, công ty của anh Minh đã cố gắng đưa ra các chính sách hỗ trợ người lao động nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. 
Anh Trần Văn Minh chia sẻ: “Hiện công ty cần rất nhiều nhân sự lành nghề, chuyên nghiệp. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, không ít lao động vững chuyên môn, nghiệp vụ tốt đã phải rời bỏ, tìm việc làm khác để mưu sinh. Thậm chí, một số công ty thời điểm này còn sẵn sàng tuyển lao động chưa có tay nghề, kinh nghiệm để đào tạo lại từ đầu nhưng họ cũng không mặn mà”.
Không chỉ thiếu hụt lao động có trình độ, chị Lê Vân Anh (quản lý khách sạn ở phố cổ Hà Nội) cũng đang “đau đầu” khi doanh nghiệp cũng đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động phổ thông. Trong đợt cao điểm du lịch như dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, dù cũng đã đăng tin tuyển dụng nhưng khách sạn của chị Vân Anh vẫn thiếu khuyết nhiều vị trí như nhân viên lễ tân, phụ bếp, buồng phòng...
“Sau dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành chỉ có đủ nguồn lao động vận hành. Trong đó, nhân lực cho bộ số phận dịch vụ vẫn bị thiếu khuyết ở một số vị trí. Doanh nghiệp chúng tôi cũng cố gắng đăng tin, trả lương hậu hĩnh hơn so với thời điểm trước dịch COVID-19 nhưng cũng rất khó thu hút” - anh Trần Đức Ân (SN 1989, hướng dẫn viên du lịch) tâm sự. 
Tìm cách khôi phục, lấp đầy
Theo Hội đồng Lữ hành thế giới (WTTC), chỉ trong hai năm 2020-2021, dịch COVID-19 đã làm mất đi 62 triệu/334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng khuyến cáo, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch COVID-19 đi qua và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.
Với ngành du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1.2020, toàn ngành đã rơi vào khủng hoảng do dịch COVID-19 bùng phát. Doanh nghiệp du lịch buộc phải ngừng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng, khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự để duy trì guồng máy với số nhân viên tối thiểu, cho nghỉ việc hoặc chờ việc. 
Các chuyên gia cho rằng, khi chú trọng phát triển du lịch tại chỗ, cần phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu của tổ chức kinh doanh, phục vụ khách du lịch.
Đồng thời, cần phải rà soát, tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực du lịch, đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực, đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch ở địa phương trong cả nước, thích ứng với điều kiện, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Theo Lan Nhi (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.