(GLO)- Những năm gần đây, việc khai thác tự phát đã khiến cây tắc kè đá-một loại dược liệu quý dưới tán rừng có nguy cơ cạn kiệt. Trăn trở trước thực trạng ấy, thầy Lục Văn Chiến-giáo viên Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã thử nghiệm nhân giống vô tính nhằm bảo tồn loài dược liệu này.
Thầy giáo Lục Văn Chiến bên vườn ươm giống cây tắc kè đá của gia đình. Ảnh: Mộc Trà |
Huyện Kbang có nhiều loài dược liệu quý như: tắc kè đá, chè dây, thổ sâm, sa nhân, nấm linh chi... mọc tự nhiên dưới tán rừng. Trong đó, cây tắc kè đá (còn gọi là ổ rồng) phân bố nhiều ở các xã: Krong, Đak Rong, Kon Pne… Theo thầy Chiến, tắc kè đá là cây sống phụ sinh lâu năm trên các thân gỗ lớn hay hốc đá. Tắc kè đá là vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền Việt Nam và được sử dụng để chữa trị nhiều bệnh. “Là giáo viên Sinh học, tôi muốn góp phần vào việc nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và thử nghiệm nhân giống vô tính cây tắc kè đá. Qua đó, tôi muốn cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn và phát triển hợp lý nguồn dược liệu quý của địa phương”-thầy Chiến chia sẻ.
Từ tháng 1 đến 7-2020, bên cạnh thu thập các nguồn tài liệu và kết quả nghiên cứu liên quan đến cây tắc kè đá, thầy Chiến còn dành thời gian đi thực địa tại những cánh rừng ở xã Đak Rong để hiểu rõ hơn về loài dược liệu này. Thầy Chiến cho biết: Qua trao đổi với cán bộ Kiểm lâm và người dân địa phương về phân bố, tình hình khai thác và sử dụng cây tắc kè đá làm dược liệu, tôi đã thu thập được khá nhiều thông tin về vị trí chúng xuất hiện để làm cơ sở xây dựng 10 tuyến điều tra, thu mẫu thuộc địa phận 2 làng: Kon Bông, Kon Trang. Tiếp đó, tôi tiến hành nghiên cứu định tính một số nhóm hợp chất dược liệu có trong thân rễ của cây tắc kè đá bằng phản ứng hóa học với các thuốc thử đặc hiệu. Kết quả cho thấy, trong dịch chiết thân rễ của cây có các thành phần flavonoid, alkaloid, tannin, saponin và đường khử. Đây sẽ là cơ sở cho những nghiên cứu định lượng các nhóm chất này nhằm đánh giá dược tính của loài tắc kè đá ở Đak Rong.
Cũng qua kết quả nghiên cứu, thầy Chiến xác định được loài tắc kè đá phân bố ở rừng Đak Rong có tên khoa học là Pseudodrynaria coronans. Đây là một trong những loài dương xỉ có giá trị dược liệu cao, tác dụng chính là tăng cường chức năng thận và khỏe mạnh xương khớp, thúc đẩy lưu thông máu để ức chế cơn đau.
Những cây tắc kè đá thường sống phụ sinh lâu năm trên các thân gỗ lớn. Ảnh: Mộc Trà |
Thầy Nguyễn Ngọc Quản-Hiệu trưởng Trường THPT Anh Hùng Núp: “Đối với đề tài nghiên cứu về cây tắc kè đá, tôi cho rằng nó vừa phù hợp với chuyên môn của thầy Chiến lại vừa khá thiết thực, khi mà hiện nay, việc bảo tồn và phát triển các loài dược liệu quý dưới tán rừng đang được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh”. |
Thầy Chiến đã thử nghiệm nhân giống vô tính loại cây này bằng phương pháp giâm hom thân rễ trên các loại giá thể khác nhau như: thân cây sống, thân cây mục, hốc đá nhân tạo, đất phân. Đoạn thân rễ thầy dùng nhân giống dài khoảng 8-10 cm, đảm bảo yêu cầu sinh trưởng tốt, khỏe mạnh và không sâu bệnh. Ngoài ra, thầy còn tiến hành giâm hom tắc kè đá trên đất phân có sử dụng chất kích thích sinh trưởng NAA (Naphthylacetic Acid) để đối sánh.
“Sau 3 tháng, tôi nhận thấy trong 4 loại giá thể được sử dụng để giâm hom thân rễ cây tắc kè đá thì tỷ lệ ra chồi tốt theo thứ tự là đất phân (90%), thân cây sống (70%), hốc đá (66,7%) và cuối cùng là thân cây mục (50%). Như vậy, xét cả về tỷ lệ ra chồi và sự phát triển của cây, giâm hom tắc kè đá đạt kết quả tốt nhất trên giá thể thân cây sống và hỗn hợp đất phân. Kết quả này rất thuận lợi cho việc giâm hom đại trà loài dược liệu này bởi giá thể hỗn hợp đất phân là khá dễ thực hiện”-thầy Chiến nhận định.
Cũng theo thầy Lục Văn Chiến, để bảo tồn nguyên vị loài tắc kè đá trong tự nhiên cần có những nghiên cứu trên phạm vi rộng hơn nhằm đánh giá và khoanh vùng phân bố của loài, làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo vệ. Cùng với đó, kết hợp gây trồng và phát triển quần thể trong các vườn ươm; tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân địa phương và khuyến cáo họ trồng cây tắc kè đá tại vườn nhà để giảm áp lực khai thác ngoài tự nhiên; đồng thời, đẩy mạnh, mở rộng hoạt động nghiên cứu khoa học về loài dược liệu này. Hiện nay, thầy Chiến vẫn duy trì việc ươm giống cây tắc kè đá làm mẫu trong khuôn viên gia đình.
MỘC TRÀ