Thành phố vàng bí ẩn El Dorado có thực sự tồn tại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm năm qua, nhiều kẻ tham lam đến từ châu Âu đã bỏ mạng trong cánh rừng đầy cạm bẫy ở Nam Mỹ với hy vọng tìm ra thành phố vàng El Dorado.
Việc Columbus đặt chân đến châu Mỹ năm 1492 là chương đầu tiên trong cuộc đụng độ văn hóa góp phần thay đổi thế giới. Đó là một cuộc chiến tàn bạo của 2 phong cách sống và hệ thống tín ngưỡng hoàn toàn đối lập.
Huyền thoại của người châu Âu cho rằng, El Dorado là một thành phố vàng mất tích và đang chờ sự khám phá của các nhà thám hiểm. Điều đó phản ánh khát vọng vô tận của người châu Âu với vàng và động cơ khai thác những vùng đất mới để tận thu của cải.
Trong khi đó, truyền thuyết của người Nam Mỹ về El Dorado lại cho thấy bản chất thực sự của thành phố này và những người sống ở đó. Với người Nam Mỹ, El Dorado chưa bao giờ là một địa điểm, mà là một nhà lãnh đạo giàu có. Người này được cho là có thói quen phủ vàng khắp cơ thể từ đầu tới chân mỗi buổi sáng và rửa sạch chúng trong một hồ nước thiêng liêng vào buổi tối.
El Dorado thực chất là một nhà lãnh đạo của người Muisca thích phủ vàng, chứ không phải thành phố vàng như truyền thuyết.
El Dorado thực chất là một nhà lãnh đạo của người Muisca thích phủ vàng, chứ không phải thành phố vàng như truyền thuyết.
Sự thật đằng sau truyền thuyết đang dần sáng tỏ trong những năm gần dây, khi các nhà khoa học kết hợp các tư liệu lịch sử có từ lâu và nghiên cứu khảo cổ mới. Ở tâm điểm của truyền thuyết thành phố vàng là câu chuyện có thực về một nghi lễ thực hiện bởi người Muisca, vốn sống ở miền Trung Colombia từ năm 800 sau Công nguyên đến ngày nay.
Nhiều sử gia Tây Ban Nha khác nhau đã đến lục địa xa lạ này vào đầu thế kỷ 16 để ghi chép về nghi lễ này của El Dorado và một trong những tư liệu tốt nhất là của Juan Rodriguez Freyle. Trong cuốn sách của Freyle có tên Cuộc chinh phục và thám hiểm tân vương quốc Granada được phát hành năm 1636, nhà sử học này cho biết, khi một nhà lãnh đạo trong cộng đồng người Muisca qua đời, một “nhân vật vàng” sẽ được chọn lựa và diễn ra quá trình thừa kế.
Lãnh đạo mới được lựa chọn thường là cháu của người vừa từ trần, sẽ tham dự một nghi lễ kế thừa kéo dài và đỉnh điểm là việc chèo một con thuyền trên hồ nước linh thiêng, tương tự như hồ Guatavita ở miền Trung Colombia.
Vây quanh bởi 4 thầy tế có địa vị cao nhất mặc đồ gắn lông chim, đội vương miện vàng và người đầy trang sức, tân lãnh đạo trong tình trạng khỏa thân nhưng phủ bụi vàng sẽ tiến hành nghi lễ hiến tế vàng bạc châu báu cho các vị thần bằng cách ném chúng xuống hồ.
Trên bờ hồ, nhiều người dân đứng theo dõi buổi lễ, chơi nhạc cụ và đốt lửa nghi ngút từ những chiếc chậu. Trên bè cũng có 4 ngọn lửa tỏa khói hương trầm lên bầu trời. Khi bè trôi đến giữa hồ, thầy tế sẽ phất một lá cờ yêu cầu đám đông im lặng. Thời điểm này là lúc đám đông thể hiện sự trung thành với lãnh đạo mới bằng cách hô vang sự ủng hộ từ trên bờ hồ.
Qua một số nghiên cứu khảo cổ, nhiều khía cạnh nói về sự kiện trên được xác nhận là có thật. Có nghiên cứu cũng cho thấy kỹ năng tuyệt vời và quy mô sản xuất vàng ở Colombia vào thời điểm người châu Âu đặt chân đến châu Mỹ năm 1537.
Với người Muisca, vàng hay cụ thể hơn là hợp chất vàng, bạc và đồng đều được gọi là tumbaga. Những kim loại này được đánh giá cao không phải vì giá trị về mặt vật chất mà là phương diện tinh thần. Chúng được cho là có khả năng kết nối với các vị thần và mang đến sự cân bằng, hòa hợp trong xã hội Muisca.
Một món đồ bằng vàng của người Muisca.
Một món đồ bằng vàng của người Muisca.
Một hậu duệ của người Muisca là Enrique Gonzalez giải thích, với họ vàng không biểu tượng cho sự thịnh vượng. “Với người Muisca ngày nay, cũng như tổ tiên của chúng tôi trước đây, vàng chỉ có giá trị như một lễ vật và không đại diện cho sự giàu có”.
Những nghiên cứu gần đây của Maria Alicia Uribe Villegas ở Viện Khảo cổ UCL cho thấy rằng, người Muisca tạo ra vật phẩm bằng vàng là để làm đồ hiến tế cho các vị thần, nhằm cầu mong họ tạo ra sự cân bằng trong vụ trụ và đảm bảo sự ổn định với môi trường.
Theo nhà khảo cổ Roberto Lleras Perez, một chuyên gia về vàng và hệ thống tín ngưỡng của người Muisca, sự chế tác và sử dụng vàng của người Muisca là rất khác biệt ở Nam Mỹ. “Theo tôi biết, cho đến nay chưa có xã hội nào khác lại dùng đến 50% lượng vàng sản xuất được để dùng làm đồ hiến tế. Tôi nghĩ điều đó thật đặc biệt”, ông Perez nói.
Vì tất cả đồ bằng vàng trong mỗi lần hiến tế có những đặc điểm hóa chất giống nhau và nét riêng biệt, điều đó cho thấy những đồ vật này được làm riêng cho một đợt hiến tế và chỉ tồi tại trong vài giờ hoặc vài ngày trước khi bị vứt đi.
Đặc biệt, hình vẽ một chiếc bè vàng đúng như miêu tả trong sách của Juan Rodriguez Freyle, được 3 người dân tìm thấy trong một hang động nhỏ ở phía nam Bogota năm 1969. Hình vẽ cho thấy một người đàn ông phủ vàng đi ra một hồ thiêng. Điều đó càng khẳng định câu chuyện thực về El Dorado.
Mô tả về thành phố vàng El Dorado theo truyền thuyết của người châu Âu.
Mô tả về thành phố vàng El Dorado theo truyền thuyết của người châu Âu.
Việc El Dorado bị biến thành một thành phố vàng huyền thoại cho thấy sự thèm khát nguồn kim loại quý giá của những kẻ chinh phục đến từ châu Âu. Họ biết rất ít về giá trị thực sự của xã hội Muisca. Tâm trí của người châu Âu chỉ đơn giản là cảm thấy choáng ngợp trước cảnh tượng rất nhiều vàng được ném xuống nước hồ và được chôn trong những địa điểm linh thiêng ở Colombia.
Năm 1537, câu chuyện đồn thổi về El Dorado đã thu hút nhà chinh phạt người Tây Ban Nha, Jimenez de Quesada và đội quân gồm 800 người của ông ta, với sứ mệnh tìm ra đường đi trên bộ đến Peru và quê hương Andean của người Muisca lần đầu tiên.
Quesada và binh sĩ của ông ta bị dụ sâu vào trong những vùng đất xa lạ, khắc nghiệt và cướp đi tính mạng của nhiều người. Tuy nhiên, thứ mà đội quân của Quesada tìm thấy lại khiến họ kinh ngạc, vì những món vàng của người Muisca không giống như những thứ họ từng thấy trước đó. Các món đồ bằng vàng tinh tế được chế tác bằng kỹ thuật độc đáo chưa từng xuất hiện ở châu Âu.
Đáng tiếc là các cuộc săn vàng trong vô vọng vẫn tồn tại đến ngày nay. Các nhà khảo cổ trên thế giới đang đấu tranh để ngăn nạn cướp phá đang tăng lên. Giống những kẻ chinh phạt châu Âu trong thế kỷ 16, bản sao của họ lại tiếp tục cướp phá quá khứ của Nam Mỹ và lấy đi những câu chuyện tuyệt vời đằng sau món đồ bằng vàng của người Muisca.
Số lượng vàng do những tên cướp hiện đại tìm ra thật đáng kinh ngạc. Trong những năm 1970 khi các địa điểm mới được bọn trộm phát hiện ở phía bắc Colombia, đã khiến thị trường vàng thế giới chao đảo.
Nạn cướp bóc kim loại quý của người Muisca đồng nghĩa với một số lượng lớn đồ bằng vàng trước thời Columbia bị nấu chảy và khiến giá trị khảo cổ của chúng về nền văn hóa cổ đại cũng biến mất vĩnh viễn.
Thật may mắn là một số bộ sưu tập đồ bằng vàng khác đang được cất giữ ở bảo tàng Museo del Oro tại Bogota, Colombia và Bảo tàng Anh ở London, Anh. Chúng góp phần cung cấp cái nhìn rõ nét quan niệm khác biệt của người Muisca về giá trị vật chất, sự nhận thức con người và quan trọng nhất là kể cho chúng ta câu chuyện thực sự về truyền thuyết El Dorado.
Theo PV (Trí Thức Trẻ/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm