Tái canh cà phê: Chậm nhưng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mục tiêu tái canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng thu nhập cho người trồng cà phê, góp phần phát triển ngành cà phê bền vững, song trên thực tế, việc triển khai chính sách này đang gặp phải nhiều rào cản…

Khởi động cho vay tái canh

Hiện nay, diện tích cà phê toàn tỉnh là 79.122 ha. Theo kế hoạch tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn giai đoạn 2015-2020 đã ban hành, tỉnh Gia Lai có 13.420 ha cần thực hiện tái canh, trong đó trồng tái canh là 13.363 ha, ghép cải tạo 57 ha. Trong năm 2015, thực hiện tái canh 1.971 ha. Với mục tiêu đó cùng với chính sách cho vay tái canh cây cà phê đã được ban hành, đa số hộ dân và các công ty tham gia lĩnh vực trồng cà phê trên địa bàn rất vui mừng vì được tháo gỡ vấn đề về vốn khi triển khai cho vay chương trình tái canh.

 

Kiểm tra thực tế vườn cây để giải ngân vốn tái canh. Ảnh: Thảo Nguyên
Kiểm tra thực tế vườn cây để giải ngân vốn tái canh. Ảnh: Thảo Nguyên

Được vay trong vòng 8 năm đối với trồng tái canh, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm; còn ghép cải tạo được vay tối đa là 4 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm, với lãi suất không vượt quá 7% (trong thời gian 4 năm ân hạn trả nợ gốc và lãi) là điều kiện để người sản xuất cà phê yên tâm vay. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn vay theo chương trình đến nay vẫn chưa thực hiện nhanh được. Hiện Agribank Gia Lai mới chỉ ký được một hợp đồng tín dụng đầu tiên với số vốn cho vay 39 tỷ đồng. Lý giải vấn đề này, theo ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai thì: Khi xét duyệt cho vay phải đảm bảo nguyên tắc hiệu quả. Đây là nguồn vốn ưu đãi, do đó khách hàng phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật tái canh, bởi chỉ cần sai quy trình có thể rủi ro sẽ rất lớn. Ngân hàng chỉ là đơn vị cung ứng vốn, còn quá trình tái canh phải cần đến các ngành chuyên môn từ quy định việc sử dụng giống cây, kiểm nghiệm cải tạo đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật… Theo phản ánh của một số đơn vị có kinh nghiệm trong việc tái canh, nếu làm đúng thứ tự một quy trình phải mất khoảng 5 năm từ khi nhổ bỏ cây, người sản xuất sẽ không có thu, nên nếu ân hạn chỉ có 4 năm vẫn chưa đến thời kỳ vườn cây bước vào kinh doanh để trả nợ ngân hàng.

“Ngân hàng đã ghi nhận việc này, trường hợp khách hàng có nhu cầu kéo giãn thời gian vay, phía ngân hàng cũng linh động giải quyết để tạo điều kiện tốt nhất cho người sản xuất yên tâm làm (theo hình thức cho vay 8 năm theo chương trình, còn lại là vay kênh thương mại)”-ông Thu cho biết thêm.

Không thể làm… lụi!

Ông Nguyễn Hữu Đại-Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1 cho biết: Bài học từ sự thất bại của một đơn vị trồng tái canh khi không tuân thủ đúng quy trình, làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng là sự cảnh báo rất rõ. Hiện nay, tổng diện tích trồng và kinh doanh cà phê của Công ty là 502 ha; trong đó, diện tích đã thực hiện tái canh giai đoạn I (từ năm 2010 đến 2013) là 157 ha; vừa rồi, Công ty đã vay vốn ngân hàng để thực hiện tái canh 200 ha trong giai đoạn II (2015-2018).

Theo quy trình tái canh của Cục Trồng trọt, người trồng phải sử dụng 100% giống cà phê mới, có năng suất, chất lượng cao; giống phải có nguồn gốc, xuất xứ và được cấp có thẩm quyền chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Trong khi đó, lâu nay nông dân đã quen với việc tự ươm giống, giờ phải chứng minh nguồn gốc sẽ rất khó khăn.

Tiếp đến, là xét nghiệm mẫu đất để phân tích mật độ tuyến trùng, nấm bệnh gây hại cà phê, rồi thực hiện điều kiện đất để tái canh, từ việc làm đất, cho đến luân canh hoa màu nhằm cải tạo đất theo một thời gian quy định tối thiểu là 2 năm sau khi nhổ bỏ cà phê. Kinh phí để xét nghiệm mẫu đất mất khoảng 300 ngàn đồng/ha thì không lớn nhưng việc phải mời người của Viện Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên về lấy và phải đợi kết quả mất vài tháng. Tính ra một chu kỳ trồng tái canh đến khi thu hoạch rất dài, trong khoảng thời gian này người trồng mất thu nhập. Do đó, cũng là tái canh nhưng nhiều người đã “liều” nhổ lên không qua luân canh cải tạo đất mà trồng ngay. Có những vườn cây sinh trưởng và đến kỳ thu hoạch cho năng suất đảm bảo. Tuy nhiên các ngành chức năng khuyến cáo nếu làm theo kiểu này rủi ro sẽ rất cao.

Chính những điều này làm cho nhiều hộ nông dân “ngại” tái canh đại trà những vườn cà phê già cỗi mà chỉ chọn tái canh theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm một ít để có thể tự xoay xở vốn đầu tư, không phải đi vay. Theo đánh giá của ngân hàng, muốn đẩy nhanh tiến độ cho vay tái canh cây cà phê không chỉ mình ngân hàng thực hiện được mà rất cần sự vào cuộc của các ngành, các địa phương trong việc tuyên truyền cho người dân thấy rõ mục đích của việc cần thiết phải tái canh. Mục tiêu đến năm 2020, năng suất cà phê bình quân đạt trên 3 tấn nhân/ha, sản lượng cà phê toàn tỉnh đạt trên 198.500 tấn cà phê nhân. Đặc biệt, trên 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 9728-2012.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.