"Khát" nhân công thu hoạch cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch cà phê niên vụ 2015. Năm nay, người trồng cà phê ở các địa phương trong tỉnh đón một mùa vụ không mấy thuận lợi khi thời tiết, năng suất, giá cả đều không ủng hộ. Nỗi vất vả ấy còn kéo dài đến khâu thu hoạch khi không ít nhà vườn “đỏ mắt” tìm nhân công thu hái.

Sở hữu vườn cà phê hơn 1 ha nhưng do không có nhân công nên anh Nguyễn Bá Lân (thôn Ia Lâm, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) phải tìm khắp nơi. “Năm trước, người vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… vào hái cà phê thuê rất nhiều, năm nay tìm mãi không ra”-anh Lân chia sẻ.

 

Biển thuê người hái cà phê dựng ngay ven quốc lộ 19 hướng về huyện Chư Prông và Đức Cơ. Ảnh: Hải Lê
Biển thuê người hái cà phê dựng ngay ven quốc lộ 19 hướng về huyện Chư Prông và Đức Cơ. Ảnh: Hải Lê

Tương tự, hộ ông Nguyễn Phúc Thắng (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) có hơn 3 ha cà phê cũng chật vật, khó lắm mới kiếm ra người hái thuê. “Năm nay, mưa nắng thất thường, trái chín sớm lại không đều nên thu hoạch rất khó. Nhà tôi muốn thu hoạch cho gọn, tranh thủ nếu được giá bán luôn, vậy mà tìm mãi mới được vài người, giá thuê lại cao”-ông Thắng cho biết.
 

Gia Lai hiện có khoảng 79.770 ha cà phê, trong đó 76.522 ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh. Giá cà phê do các tiểu thương thu gom tại nhà vườn trong các ngày qua đã có dấu hiệu tăng so với thời điểm đầu mùa vụ, dao động trong khoảng 6.500-7.000 đồng/kg cà phê tươi.

Chính bởi nhân công khan hiếm nên giá thuê người thu hái cũng bị đẩy lên. “Các năm trước, giá thuê tầm 150-180 ngàn đồng/ngày, năm nay rẻ cũng phải 160-190 ngàn đồng/ngày cả bao ăn. Nếu thuê theo sản phẩm thì khoảng 70-80 ngàn đồng/tạ cà phê tươi. Vậy mà họ không muốn làm”-ông Thắng tâm sự thêm.

Thời tiết khô hạn khiến năng suất cà phê giảm mạnh, kèm giá cả lại biến động bất lợi khiến người trồng cà phê năm nay kém vui. Thêm chuyện phải vất vả tìm kiếm nhân công thu hái, nhiều người tỏ ra mệt mỏi. “Gia đình nuôi 2 đứa con học đại học chỉ trông chờ vào vườn cà phê này, giờ lời lãi kém quá tôi rất lo lắng không biết sẽ trang trải sao, rồi Tết nhất sắp tới”-ông Lân than thở.

 

Ảnh: Hải Lê
Ảnh: Hải Lê

Theo nhiều người làm cà phê, sở dĩ năm nay thiếu hụt nhân công thu hoạch là bởi nguồn lao động từ các tỉnh Bắc Trung bộ đã không còn đổ dồn về Tây Nguyên thu hái cà phê thuê nhiều như trước nữa. “Trước đây tầm tháng 9, tháng 10 là lao động từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… lên Gia Lai hái cà phê rất nhiều, năm nay thì rất ít, đa số là người quen vào hái giúp cho bà con. Một phần có thể bây giờ nhiều việc, nhà máy, xí nghiệp cần tuyển lao động nên họ không cần đi xa làm thời vụ. Cũng có thể, do mấy năm trước giá mủ cao su còn cao, họ vào làm kiếm thêm thu nhập. Bây giờ cao su rẻ, vào hái cà phê thuê ngày công cũng không cao trong khi đi lại tốn kém, xa gia đình-một người chuyên đặt mối giới thiệu người hái cà phê thuê lý giải.

Vài năm nay, nhờ mối quen biết nhiều, một số người kiêm luôn việc môi giới, dẫn dắt các nhóm thợ vào mỗi mùa thu hoạch cà phê, hồ tiêu… Từ khoảng cuối tháng 10 tới nay, số người tìm người hái cà phê thuê còn… nhiều hơn số người liên hệ tìm việc. Tuy nhiên, chỉ nhà vườn lớn hay người làm nhà nước, làm thêm vườn rẫy không trông coi được mới phải nóng ruột chuyện tìm người thu hái ngay. Cà phê kém như năm nay, nhà nào cũng cố bớt chi phí đầu tư.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.