(GLO)- L.T.S: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cho người lao động ngày càng gia tăng. Trao đổi với Báo Gia Lai về vấn đề này, ông Thới Văn Đạo-Giám đốc BHXH tỉnh cho biết:
Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN ở các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 4-2015, toàn tỉnh có 503 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 3 tháng với tổng số tiền trên 58 tỷ đồng; chiếm 3,3% so với kế hoạch năm. Trong đó, nợ BHXH là 43,5 tỷ đồng, nợ BHYT là 13,2 tỷ đồng và nợ BHTN là 1,25 tỷ đồng.
Hiện nay, một số đơn vị có số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cao như: Công ty cổ phần Vận tải hàng hóa tỉnh có 67 lao động, nợ 30 tháng với số tiền trên 2,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đông Hưng có 17 lao động, nợ 48 tháng với số tiền trên 1,1 tỷ đồng; Công ty Sản xuất Thương mại và xây lắp Điện Gia Lai nợ 50 tháng với số tiền trên 324 triệu đồng. Ngoài ra, một số đơn vị hợp tác xã, công ty TNHH có số lao động ít, nhưng nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài điển hình là: Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ Pleiku có 7 lao động, nhưng nợ 53 tháng; Xí nghiệp tư doanh Quốc cường có 13 lao động, nợ trên 51 tháng; Công ty TNHH Vinh Quang I có 12 lao động, nợ trên 22 tháng.
Ảnh: Đức Phương |
P.V: Thưa ông, các đơn vị sử dụng lao động thường sử dụng cách thức, thủ đoạn nào để trốn tránh việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động?
- Ông Thới Văn Đạo: Mặc dù quy định của Luật BHXH; Luật BHYT và Luật Việc làm là chủ sử dụng lao động phải đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động có ký kết hợp đồng từ 3 tháng trở lên và mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN theo đúng hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng và trong thời gian 30 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế các đơn vị doanh nghiệp thường lách luật ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc hợp đồng theo công việc để trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Trên địa bàn tỉnh, có một số đơn vị có sử dụng lao động lớn, nhưng đóng không đủ số người làm việc trong doanh nghiệp hoặc chỉ đóng cho một số người làm công tác quan trọng trong doanh nghiệp. Mặt khác mức tiền lương, tiền công của người lao động thường được chủ sử dụng lao động đóng thấp hơn mức tiền thực nhận của người lao động tại đơn vị và tình trạng các đơn vị đã thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN phần của người lao động đóng nhưng không nộp cho cơ quan BHXH, BHYT, BHTN.
P.V: Việc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi của người lao động, thưa ông?
- Ông Thới Văn Đạo: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Việc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sẽ ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ hưu trí, tử tuất; hoặc khi mất việc người lao động không được thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, không được hỗ trợ các khoản chi phí học việc và chi phí tư vấn hỗ trợ tìm việc làm mới; đồng thời, người lao động sẽ không được cấp thẻ BHYT để đi khám-chữa bệnh, nếu chẳng may gặp phải bệnh hiểm nghèo thì rơi vào vòng xoáy của nghèo nàn và trở thành gánh nặng cho xã hội.
Hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là vi phạm Hiến pháp về quyền con người, nó không chỉ thiệt hại về vật chất, tinh thần người lao động mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững an sinh xã hội của đất nước. Do vậy cần xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với những hành vi trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người lao động.
P.V: Thưa ông, thời gian tới BHXH tỉnh có những giải pháp gì để động viên các đơn vị thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT cũng như xử lý các đơn vị nợ đọng kéo dài tiền BHXH, BHYT, BHTN?
- Ông Thới Văn Đạo: Thời gian tới tiếp tục triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và chuẩn bị cho việc thực hiện Luật BHXH sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh Gia Lai, BHXH tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn với mục tiêu là giảm tối đa nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với một số giải pháp cụ thể như sau:
Tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân và người lao động và chủ sử dụng lao động, nhằm giới thiệu chế độ, chính sách và pháp luật về BHXH, BHYT.
Phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện Quy chế phối hợp thực hiện hợp tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và trong việc trao đổi thông tin; kiểm tra-thanh tra việc đóng nộp BHXH, BHYT cho người lao động tại các đơn vị, kịp thời rà soát các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN gửi thông báo đến đơn vị đề nghị tham gia theo đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT.
Chủ động phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng đối với người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, phân khai nguồn EU hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; chuẩn bị triển khai BHYT cho học sinh sinh viên năm học 2015-2016, hướng dẫn UBND xã, phường lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT.
Chủ động, thường xuyên theo dõi, rà soát, đôn đốc và phân loại các đơn vị nợ để có sự kết hợp các giải pháp hợp lý, hiệu quả. Kịp thời cung cấp danh sách các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho tổ công tác kiểm tra liên ngành của tỉnh để thông báo đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định về thu nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.Trường hợp đơn vị cố tình chây ỳ, không đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN cơ quan BHXH sẽ lập các thủ tục khởi kiện ra tòa theo đúng quy định của pháp luật.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Đức Phương