(GLO)- Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh định hướng mà Sở Nội vụ đưa ra về việc sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn.
“Việc sáp nhập nhằm sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp manh mún, dàn trải, hoạt động hiệu quả thấp, không còn phù hợp với nhu cầu thực tiễn là cần thiết. Qua đó chuyển đổi cơ chế quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp về y tế, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời cơ cấu lại đội ngũ, giảm biên chế gián tiếp”-ông Huỳnh Văn Tâm-Giám đốc Sở Nội vụ nói về sự cần thiết của chủ trương, cũng là lý do tổ chức hội thảo định hướng trong việc sắp xếp, phát triển các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Dạy nghề sửa chữa ô tô cho con em người dân tộc thiểu số ở 4 huyện, thị phía Đông tỉnh. Ảnh: Đ.T |
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh hiện có những hạn chế như hệ trung cấp không còn sức cạnh tranh, các cơ sở có sự trùng lắp ngành nghề đào tạo, chưa quy hoạch lại đội ngũ giáo viên theo nhu cầu đào tạo, thừa thiếu cục bộ. Công tác tuyển sinh của các trường cũng khá khó khăn. Tỷ lệ tuyển sinh bình quân trong 3 năm (2015-2017) của các trường đều không đạt chỉ tiêu đề ra, cao nhất là Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai với 80%, Trường Cao đẳng Nghề khoảng 70%, Trường Trung cấp Y tế gần 70%, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai chưa được 30%, Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật An Khê chỉ trên 20%.
Nhìn ra các địa phương lân cận, dựa trên tình hình thực tế, mô hình các cơ sở đào tạo, dạy nghề cũng đã có những thay đổi đáng kể. Như tại tỉnh Kon Tum, các trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật, Trung học Y tế, Trung cấp Nghề đã sáp nhập lại thành Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum. Ở tỉnh Khánh Hòa, ngoài Đại học Nha Trang, hiện tỉnh còn có Đại học Khánh Hòa-do các trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch sáp nhập lại. Hay ở Phú Yên có Đại học Phú Yên với sự sáp nhập của Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật từ năm 2007.
Vấn đề đặt ra là các trường trên địa bàn tỉnh ta phải có quyết tâm đổi mới, dũng cảm nhìn nhận khó khăn của mình để có những thay đổi phù hợp. Tuy nhiên, những gợi ý như sẽ sáp nhập các trường thành Trường Cao đẳng Cộng đồng trực thuộc UBND tỉnh, trở thành vệ tinh của trường đại học tương đồng trong nước hoặc trong khu vực, trường trực thuộc doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp khác... đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết các trường đều không muốn sáp nhập.
Tiến sĩ Trịnh Đào Chiến-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, bày tỏ: “Cho phép chúng tôi giữ nguyên mô hình của trường với tên Cao đẳng Sư phạm như lâu nay. Bởi so với nhiều trường khác trên địa bàn, trường chúng tôi vẫn có tỷ lệ tuyển sinh đạt cao, từ 75% trở lên với các ngành: Toán, Tin, Ngoại ngữ, Văn, Giáo dục công dân... Sinh viên vào trường học được miễn học phí, phù hợp với điều kiện còn khó khăn của tỉnh. Và khi ra trường, các em nếu không có việc làm vẫn có thể dạy tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình. Bên cạnh đó, trường chúng tôi làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý rất lớn, hàng năm đáp ứng yêu cầu của Sở là đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý cấp II, cấp I và Mầm non”.
Cùng ý kiến, Th.S Phan Văn Phùng-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi không đồng ý hợp nhất vì đã có truyền thống 40 năm. Đây là trường chuyên nghiệp, có tính đặc thù riêng. Học sinh của trường chiếm 70% là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn nhưng rất có tố chất, đã và đang đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Tây Nguyên cũng như nâng tầm đời sống nghệ thuật tỉnh nhà. Năm 2018 là đúng 40 năm ngày trường thành lập. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã đề cập tới vấn đề nâng cấp trường từ trung cấp lên cao đẳng, nên nguyện vọng của nhà trường là được giữ nguyên. Nếu có thể, chúng tôi đồng ý với hướng sẽ là vệ tinh cho các trường đại học và có mong muốn sẽ trực thuộc ngành Văn hóa”.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trường nào nếu 3 năm không tuyển sinh được như chỉ tiêu đưa ra thì nên sáp nhập. Một vấn đề nữa là cho tới nay, hầu hết các trường chưa quan tâm đến “đầu ra” của trường, không nắm có bao nhiêu người tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, bao nhiêu người thất nghiệp. Khảo sát cho được vấn đề này cũng là cách để cân nhắc lại chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Cũng có người đặt vấn đề: Trước tình hình này, sắp tới, với cơ chế tự chủ tài chính, các trường liệu có kham nổi?
Hà Duy