Sáng 23/9: Hơn 487.200 ca Covid-19 đã khỏi bệnh; 17 tỉnh, thành qua 14 không ghi nhận F0 trong nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến nay Việt Nam đã chữa khỏi hơn 487.200 ca COVID-19 trên tổng số 718.963 ca mắc; Trong số các bệnh nhân đang điều trị có gần 5.000 trường hợp nặng; Có 17 tỉnh, thành đã qua 14 ngày không ghi nhận F0; TP HCM lập tổ chăm sóc F0 rại cộng đồng
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 718.963 ca mắc COVID-19, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.306 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 714.497 ca, trong đó có 482.083 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 17/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum.
+ Cao Bằng là tỉnh duy nhất kể từ đầu đại dịch đến nay chưa ghi nhận ca mắc COVID-19.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (353.655), Bình Dương (187.493), Đồng Nai (42.362), Long An (31.041), Tiền Giang (13.464).

Hơn 487.200 ca COVID-19 ơ nước ta đã khỏi bệnh
Hơn 487.200 ca COVID-19 ơ nước ta đã khỏi bệnh
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 22/9 là 11.919 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 487.262
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.991 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.185
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 837
- Thở máy không xâm lấn: 164
- Thở máy xâm lấn: 773
- ECMO: 32
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 227 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.781 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 175.593 xét nghiệm cho 431.636 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.211.798 mẫu cho 49.735.296 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 35.675.840 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 28.745.680 liều, tiêm mũi 2 là 6.930.160 liều.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 230.803.601 ca, trong đó có 4.731.083 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 207 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 22/9, thế giới có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.387.366 ca mắc và 699.568 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 446.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 592.000 ca tử vong.
TP HCM: Lập tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi TP Thủ Đức và các quận huyện về việc thành lập Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.
Theo đó, nhằm hỗ trợ trạm y tế, trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, Sở Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận huyện và TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.
Tổ chăm sóc sẽ quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thực hiện xét nghiệm tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm chủng; tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân.
Mỗi tổ chăm sóc dự kiến sẽ quản lý và chăm sóc từ 10 đến 20 F0. Các địa phương căn cứ số F0 tại mỗi phường, xã, thị trấn để lập đủ Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 theo quy định.
Tổ chăm sóc có ít nhất 3 người. Tổ trưởng là bí thư chi bộ/tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban quản lý tòa nhà, khu chung cư. Tổ phó là 1 nhân viên y tế. Thành viên là người đang sinh sống trong tổ dân cư. Những người tham gia cần được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, trừ F0 đã khỏi bệnh.
Tổ chăm sóc có một số điện thoại riêng và trực 24/7 để đảm bảo kết nối với F0. Tổ chăm sóc cần trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2, bình oxy/túi thở oxy, dụng cụ thở oxy, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, phương tiện phòng hộ cá nhân...
Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện hỗ trợ trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, vật tư và tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.
Đồng Nai: Xét nghiệm COVID-19 cho tất cả người dân "vùng đỏ, vùng cam"
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, từ ngày 22 - 29/9, tỉnh xét nghiệm cho 100% người dân tại các khu phố, ấp có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và nguy cơ cao (vùng cam). 
Cụ thể, lực lượng chức năng lấy mẫu 6 lần (mẫu gộp 3) để xét nghiệm. Khi phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý ngay, phân loại riêng để đưa vào cơ sở cách ly theo dõi, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và tổ chức cách ly theo quy định. 
Khi có kết quả xét nghiệm khẳng định PCR, các trường hợp âm tính được trở về nhà tự theo dõi sức khỏe, tuân thủ Thông điệp 5K; những người dương tính được chuyển vào cơ sở cách ly, điều trị theo quy định.
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch xét nghiệm thần tốc để kiểm soát các vùng nguy cơ trên địa bàn; thành lập bộ phận thường trực triển khai kế hoạch xét nghiệm đặt tại UBND huyện, thành phố để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc thực hiện, tiếp nhận thông tin, điều phối xe thu dung người nghi mắc COVID-19.
Đến nay Đồng Nai có hơn 42.500 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 21.300 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, 392 trường hợp tử vong.
Sóc Trăng: Thiết lập vùng cách ly y tế gần 28.000 nhân khẩu
Tối 22/9, Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng xác định 29 F0 mới được phát hiện tại 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân của thị xã Vĩnh Châu. Trong đó, một trường hợp phát hiện qua sàng lọc cộng đồng (tài xế L.T.H.), 5 F1 của anh H. trở thành F0 và 23 người trong khu vực phong tỏa có liên quan đến chuỗi lây nhiễm.
Tài xế H. (37 tuổi, ngụ ấp Lai Hòa A) lái xe tải cho một doanh nghiệp thu mua tôm tại xã Lai Hòa. Tối 20/9, người này chở nguyên liệu đi giao cho nhà máy thủy sản tại Khu công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng).
Khi đến huyện Mỹ Xuyên, anh H. được test nhanh tại chốt kiểm soát COVID-19 cho kết quả dương tính. Kết quả xét nghiệm RT-PCR của tài xế tiếp tục dương tính với SARS-CoV-2.
Sau một ngày đêm truy vết, ngành y tế tỉnh Sóc Trăng xác định thêm 28 F0 tại Lai Hòa và ấp Tham Chu của xã Vĩnh Tân. 
Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định thiết lập vùng y tế đối với 2 khu vực dân cư trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu với gần 28.000 nhân khẩu. Thời gian áp dụng 15 ngày, kể từ 13 giờ ngày 22/9. Lực lượng chức năng sẽ thiết lập ngay các chốt và thực hiện kiểm soát 24/24 giờ tại các vùng cách ly y tế trên.
Thái Bình (suckhoedoisong.vn)

Có thể bạn quan tâm

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.