Ruộng nho… độc, lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khởi nghiệp từ trồng nho trên đất Bắc, anh Hoàng Hải Phòng (34 tuổi, dân tộc Tày, ở xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn) đã tạo ra một ruộng nho… độc, lạ vừa là nơi trải nghiệm thú vị cho du khách, vừa đem về doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Tốt nghiệp đại học về quê trồng nho… độc, lạ
Tốt nghiệp cử nhân giáo dục chính trị, Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên, nhưng anh Hoàng Hải Phòng lại quyết định về quê, một xã miền núi của tỉnh Lạng Sơn, để khởi nghiệp với việc trồng nho, một loại cây chưa từng được trồng ở vùng núi phía bắc. Với việc mày mò tìm giống cây phù hợp và đưa công nghệ vào sản xuất, sau 5 năm khởi nghiệp, giờ đây anh đã có gia tài là những ruộng nho với diện tích 2,5 ha ở 2 tỉnh Lạng Sơn và Phú Thọ, cho doanh thu hơn 1,5 tỉ mỗi năm. Đặc biệt, những ruộng nho này trở thành khu du lịch sinh thái cho người dân đến trải nghiệm miễn phí.

Anh Hoàng Hải Phòng chụp ảnh cùng khách tham quan tại ruộng nho nhà mình. Ảnh: NVCC
Anh Hoàng Hải Phòng chụp ảnh cùng khách tham quan tại ruộng nho nhà mình. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Phòng tâm sự, anh sinh ra và lớn lên ở miền núi, trong một gia đình bố mẹ đều làm nghề nông. Khi cây nho được Sở Khoa học - Công nghệ của tỉnh đưa về khảo nghiệm trên địa bàn, gia đình anh xung phong thí điểm. Tuy nhiên, khi ấy việc trồng trọt mới chỉ ở quy mô hộ và trải qua nhiều thất bại.
“Nhà tôi trồng 1.000 cây nho nhưng rồi chết hết do giống cây và thời tiết không phù hợp. Sau đó, tôi tìm hiểu về các giống nho đang được trồng ở VN và nước ngoài, thì thấy một giống nho Trung Quốc thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng núi phía bắc. Vậy là tôi bắt đầu trồng và áp dụng các công nghệ mới vào chăm bón. Đến năm 2014, vụ nho cho thu hoạch thành công với hàng tấn nho, lãi tới hàng trăm triệu đồng”, anh Phòng chia sẻ.
Thấy việc trồng nho mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh quyết định về quê khởi nghiệp từ cây nho. “Năm 2016, tôi bắt đầu mở rộng vùng trồng nho, đến nay diện tích là 2,5 ha, doanh thu đạt 1,5 tỉ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 600 - 700 triệu đồng. Mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 6 thanh niên và
15 lao động thời vụ”, anh Phòng cho biết thêm. Bên cạnh đó, anh còn chuyển giao công nghệ cho thanh niên các tỉnh khác như Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Nguyên... Cuối năm 2020, anh đã liên kết với 8 hộ dân trong vùng để thành lập hợp tác xã trồng nho với quy mô lên đến 4 ha.
Giấc mơ “chiến thắng” nho nhập khẩu
Đặc biệt, ruộng nho của gia đình anh là một trong những ruộng nho “độc, lạ” ở miền núi phía bắc vì ở nơi đây chưa bao giờ trồng nho. Quả nho to mọng, sai trĩu trịt, giống những chùm nho Mỹ vẫn được nhập khẩu bán với giá rất cao. Vì vậy, mô hình đã thu hút người dân đến tham quan, chụp ảnh và mua nho ngay tại ruộng với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Điểm khác biệt, nho được trồng ở vùng núi phía bắc lại có vị ngọt thơm hơn các loại nho trồng ở khu vực phía nam, do nhiệt độ thời tiết có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm. Cây nho được anh “nông dân sư phạm” này chăm sóc một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng và áp dụng theo tiêu chuẩn của VietGap để ra đời những sản phẩm an toàn, chất lượng. Anh cho biết chỉ cần sai một bước trong quy trình là cây đã không đạt chất lượng mong muốn. Vì vậy, có những đợt anh “cố thủ” trong ruộng nho cả ngày lẫn đêm, để chăm chút cho từng cây.
“Vào chu kỳ ra hoa là phải theo dõi liên tục. Đến nửa đêm có khi tôi vẫn làm việc ở ruộng vì có những sâu bệnh chỉ xuất hiện vào ban đêm, phải rình bằng được để xử lý, hoặc khi chăm cây phải xem kỹ từng cái lá để biết lượng nước tưới thiếu hay thừa…”, anh Phòng kể.
Anh Phòng cũng cho biết việc trồng nho còn rất nhiều tiềm năng phát triển. “Từ trước đến nay, nho ở Việt Nam phần lớn là nhập khẩu phải qua quá trình bảo quản, nên giảm chất lượng, giá một số loại nhập từ châu Âu lại quá cao, không phù hợp với đa số người dân. Do đó, khi nho được trồng tại VN, có vị đặc trưng, người dân có thể ngắt ăn ngay tại vườn, nên đã chiếm được sự yêu thích của khách hàng. Nho chín đến đâu chúng tôi bán hết sạch đến đó”, anh Phòng chia sẻ.
Theo anh Phòng, chất lượng nho trồng ở các vùng trên địa bàn miền núi phía bắc đảm bảo tương đương các loại nho nhập ngoại, thậm chí còn đậm vị tươi ngon hơn, nên nếu mở rộng được quy mô sản xuất, có sản lượng lớn thì có thể “đánh bật” nho nhập khẩu.
Điều đáng nói, nhờ khởi nghiệp thành công từ việc trồng trọt sáng tạo ngay tại chính quê hương mình mà mô hình kinh tế của anh phát triển bền vững. Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tàn phá các hoạt động kinh tế, nhưng doanh thu từ trồng nho của gia đình anh vẫn giữ ổn định.
“Dù mặt hàng bán chậm hơn do không mở cửa vườn nho... độc, lạ cho người dân đến tham quan được, nhưng chúng tôi vẫn tiêu thụ hết, bằng việc ship hàng và bán hàng qua mạng”, anh Phòng chia sẻ. Với những thành công đó, mô hình kinh tế của anh Phòng đã từng được tuyên dương, trao giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng của T.Ư Đoàn dành cho các nông dân trẻ tiêu biểu.
Theo Vũ Thơ (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.