Xa màu áo lính, như một định mệnh, Giàng Seo Lú trở về cao nguyên trắng nơi Lú sinh ra trong vai trò khác. Vai trò của người ươm mầm giữa non cao.
Suốt cuộc hành trình của phóng viên đến với những lớp học giữa cao nguyên trắng của Trường mầm non Thải Giàng Phố, chúng tôi được nghe tiếng hát véo von của con trẻ, được chứng kiến những thầy cô nhiều nghề.
Lớp học của thầy Giàng Seo Lú luôn là những giờ học thú vị. |
Trường mầm non Thải Giàng Phố có lẽ là một trong số ít những trường được “ưu ái” khi có đến 2 thầy giáo mầm non.
Nếu thầy Giàng Seo Phềnh vẫn đang nặng lòng với những học trò trên những điểm cao thì năm học mới, thầy giáo Giàng Seo Lú (người dân tộc H’mông) trở về điểm trường trung tâm Thải Giàng Phố.
Những năm trước đây, 2 thầy Giàng Seo Phềnh và Giàng Seo Lú từng song hành với nhau suốt những điểm cao, điểm sâu của Thải Giàng Phố này.
Chỉ mới đôi năm trước, trong điểm trường Sản Chư Ván chót vót hay Ngải Thầu hun hút trong thung lũng mù sương còn in bóng hai thầy múa hát cùng đàn con.
Giàng Seo Lú cũng như Giàng Seo Phềnh hai thầy đều là người địa phương, cùng gắn bó với nghề giáo viên mầm non đầy duyên nợ.
Ngay từ nhỏ, Giàng Seo Lú nghĩ mình chẳng bao giờ sẽ rời vùng cao nguyên trắng này đi đâu. Bởi đó là nơi anh lưu giữ tất cả những ký ức của tuổi thơ.
Ngay từ nhỏ Giàng Seo Lú đã bước đôi chân trần suốt các triền non cao của Bắc Hà. Những ngày cuối đông, đầu xuân, cả Bắc Hà tràn ngập một màu trắng của hoa mơ, hoa lê, hoa mận.
Và xứ sở “cao nguyên trắng” bừng nở sự tinh khôi đó đã làm cho Giàng Seo Lú tự nhủ mình sẽ chẳng bao giờ xa xứ này.
Thế nhưng, khi vừa trưởng thành, Giàng Seo Lú đã khoác lên mình bộ quân phục của người lính. Lú rời miền cao nguyên để đi theo tiếng gọi của quân đội.
Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Giàng Seo Lú kể: “Sau khi học xong lớp 9, em xuống Thái Nguyên học thiếu sinh quân. Những tưởng cuộc đời mình sẽ gắn bó với quân ngũ.
Sau đó, mình rời quân ngũ và được cử đi học, mình cũng không nghĩ mình sẽ học giáo viên mầm non và cũng không nghĩ mình được quay trở lại nơi mình sinh ra để làm bạn với con trẻ.
Nhưng có lẽ nghề đến với mình như một định mệnh và về lại nơi này công tác cũng như một định mệnh với mình”.
Riêng với thầy giáo Lú, hiệu trưởng trường Thải Giàng Phố, chị Nguyễn Thị Duyên luôn dùng những lời khen có cánh. Các cô giáo mầm non khác cũng đều tỏ ra rất cảm phục với thầy giáo Lú.
Về khoản hát hay, múa giỏi thì thầy giáo Lú chẳng kém chị em nào trong trường, thậm chí có phần nhỉnh hơn.
Khi hỏi “bí quyết” nào khiến thầy Lú hát hay, múa giỏi mà khiến các cô giáo phải ghen tị như vậy, thầy Lú chỉ cười.
“Mọi việc đến với mình cũng hết sức tự nhiên, có lẽ những ngày trong quân đội cũng giúp được mình nhiều thứ.
Thật ra mình hát không hay như ca sĩ nhưng hát để các con thấy hay và say mê theo hát mới là điều khó.
Còn múa giỏi thì thật cũng không phải giỏi nhưng làm sao cho các con thích là được”.
Sau màu áo lính, thầy giáo Giàng Seo Lú đến với mầm non như một định mệnh. |
Khi được hỏi kỷ niệm nào nhớ nhất và thầy giáo Lú sợ nhất điều gì khi đi dạy. Thầy Lú nói: “Kỷ niệm thì nhiều lắm anh ạ, mỗi năm học đi qua, mỗi học trò rời trường vào lớp 1, ngoan, chịu khó học là mình vui rồi. Còn sợ nhất thì không có gì sợ hơn mùa mưa lũ.
Có lần đi qua cầu treo, chở cô giáo đi mà tụi em suýt bị lũ cuốn. Đường mùa mua thì vất vả vô cùng.
Thế nhưng, điều đó chưa sợ bằng việc học sinh nhớ lớp, vượt cả đường rừng đến lớp vào ngày mưa. Học trò đi đường thế nào, bị làm sao thì các thầy mất ngủ.”
Dành thời gian ngồi quan sát các học sinh tí hon giữa vùng cao nguyên trắng mới thấy cái nghề mầm non này không phải ai cũng kham được.
Nhìn các thầy, các cô dạy mới thấy, nhiệt tình thôi chưa đủ vì đơn giản vì không đủ kiến thức sư phạm đặc thù và tâm lý của những người… làm cha làm mẹ thì khó có thể giải quyết sự cố chẳng ngày nào không có.
Với thầy Lú, thầy có lợi thế nhất định là người sinh ra từ chính cao nguyên trắng này, khi các con mới đến trường, tiếng phổ thông chưa sõi nên việc giao tiếp với thầy cô gặp nhiều khó khăn.
Trong lớp học của các thầy, chưa bao giờ thấy một lời to tiếng, những tiếng “chúng mình làm theo thầy nào”, “chúng mình làm cái này nào…”, cứ đều lên tăm tắp.
Trong lớp là vậy, nhưng giờ chơi, trẻ vùng cao lại rất… bản năng.
Vấn đề mâu thuẫn của con trẻ, phân xử thế nào cho hết cũng… rất đau đầu.
Những “phiên tòa” nho nhỏ trong cuộc giành giật đồ chơi, đòi làm... thủ lĩnh phải phân xử nhanh chóng.
Khi đi lớp, thân nhau rồi thì việc không nằm cạnh nhau hay tự dưng khóc thét chẳng biết đang đau cái gì trong bụng...
Những năm trước, khi cuộc sống còn khó khăn, các bếp ăn bán trú chưa được lập ra, các con phải cho cơm, cho thức ăn vào lá rừng, vào túi ni lông nhìn nheo nhóc vô cùng.
Được sự quan tâm của các cấp ngành giáo dục, các bếp ăn bán trú nhà nước và nhân dân cùng xây dựng đã được lập ra, các thầy giáo lại “được” thêm phần vất vả.
Bữa cơm của các con tuy đơn giản nhưng đủ chất và nhất là nhìn các con chỉ mới vừa 2 tuổi thôi nhưng tính độc lập rất cao, việc ăn uống không phải nhắc nhở chút nào. Việc nhắc duy nhất là cần… trật tự.
“Khác với các thầy cô giáo những ngành học khác chỉ dạy là chính, giáo viên mầm non phải dạy và dỗ...phân xử và yêu thương.” Thầy Giàng Seo Lú “tổng kết” về cái nghề mà thầy cho là định mệnh đã gắn với mình sau những ngày khoác áo lính.
Tiếng hát từ các lớp mầm non trên các điểm trường của Thải Giàng Phố đã và đang góp một phần vào việc xây dựng lớp người mới cho cao nguyên trắng Bắc Hà này ngày một đổi thay.
Lại Cường/GDVN