(GLO)- Cơ chế “một cửa” là việc giải quyết công việc cho một tổ chức, một cá nhân thuộc thẩm quyền của một cơ quan từ khâu hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đã hoàn chỉnh cho đến khi hoàn thành trả kết quả tại một đầu mối. Tại bộ phận một cửa, cán bộ phụ trách sau khi hướng dẫn, kiểm tra đủ hồ sơ thủ tục sẽ hoàn chỉnh yêu cầu của công dân, tổ chức ngay hoặc hẹn công dân ngày đến nhận lại kết quả.
Trong khi đó, cơ chế “một cửa liên thông” là việc giải quyết công việc cho một tổ chức, một cá nhân thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ khâu hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đã hoàn chỉnh cho đến khi hoàn thành trả kết quả tại một đầu mối. Tại bộ phận này, có nhiều cơ quan cắt cử cán bộ thường trực. Việc tổ chức “một cửa liên thông” ngoài việc góp phần thuận lợi cho công dân, tổ chức có yêu cầu không phải đi đến nhiều cơ quan có liên quan còn giúp cho công tác quản lý giữa các cơ quan không còn tình trạng “vênh” nhau số liệu và tránh thất thu thuế...
Bộ phận “Một cửa” TP. Pleiku. Ảnh: L.V.N |
Nhiều năm qua, cùng với nhân rộng các mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã cũng tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. UBND TP. Pleiku và UBND huyện Chư Sê triển khai mô hình “Một cửa điện tử”. Theo đó, hầu hết các đơn vị đều sử dụng các phần mềm để quản lý công tác tài chính, kế toán; hơn 4.000 tài khoản thư điện tử công vụ đã được tạo lập, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc đạt tỷ lệ trên 50%... Đây có thể nói là một cuộc “cách mạng” trong cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng. Từ đó, giảm rất nhiều thời gian xử lý công việc cho cán bộ tiếp nhận và thụ lý, giúp công tác thống kê và quản lý hồ sơ khoa học hơn, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ qua hệ thống mã vạch tại bộ phận “Một cửa” hoặc qua mạng internet, không đi lại phiền hà và giám sát tinh thần, thái độ, trách nhiệm, đạo đức, ý thức phục vụ nhân dân của cơ quan hành chính nhà nước.
Tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn những vấn đề bất cập trong nhiều khâu về cải cách thủ tục hành chính như: chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử” chưa cao, còn mang tính hình thức do ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân còn hạn chế. Bên cạnh đó, tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính chưa cao, việc trả kết quả không đúng hẹn.
Ngoài ra, hầu hết tại các bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử” bố trí không gian bên trong và bên ngoài giữa người yêu cầu với cơ quan thụ lý qua khung kính thấp trông rất bất tiện. Không những thế, nhiều cơ quan đặc thù có lượng công dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử” quá tải nên cán bộ làm không xuể dẫn đến cáu gắt. Hàng ngày sau 8 giờ làm việc, nhất là cán bộ ở xã vùng sâu, vùng xa khó có điều kiện cập nhật văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó tình trạng giải quyết yêu cầu của công dân còn lủng củng và kéo dài thời gian so với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Cải cách hành chính là một phần công việc trong chức năng quản trị xã hội. Về lâu dài cần tiếp tục rà soát phân loại các đơn vị hành chính cấp xã để có thể áp dụng phương thức hoạt động của mô hình tổ chức bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử” phù hợp với đặc điểm quản lý, trình độ cán bộ, công chức và điều kiện cơ sở vật chất của mỗi địa phương. Nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ, công chức làm việc và đẩy mạnh việc kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện hoạt động tại bộ phận này là rất quan trọng.
Lê Văn Nhung