"Cây Kơ-nia" của làng Krông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Già nói theo ý Đảng nên dân làng mới nghe và làm theo đấy. Già chỉ là “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân, giữa luật tục với luật pháp”- già Ksor H’Blăm(74 tuổi)cười hiền lý giải khi mọi người nhắc tới những cống hiến của già cho làng Krông, cho vùng biên giới Ia Mơr ( huyện Chư Prông).

Năm 1962, Ksor H’Blăm tình nguyện đi theo bộ đội cụ Hồ. Với vóc dáng nhỏ nhắn của cô sơn nữ tuổi 16, Ksor H’Blăm được giao nhiệm vụ làm giao liên, gùi công văn, chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí thuốc men... Vốn sáng dạ nên sau một thời gian hoạt động cách mạng, năm 1967, H’Blăm được gửi ra miền Bắc học văn hóa. 2 năm sau, cô trở về xây dựng cơ sở. H’Blăm cũng là một trong số ít chiến sĩ nữ tham gia vào chiến dịch Plei Me của Quân giải phóng trên chiến trường chống Mỹ ở Tây Nguyên vào năm 1965. Sau giải phóng, H’Blăm làm bộ đội tăng cường cấp huyện. Năm 1982, sau 20 năm phục vụ trong quân đội Ksor H’Blăm nghỉ hưu với quân hàm Thượng uý.

Già H’Blăm tự hào kể về những năm tháng hoạt động cách mạng. Ảnh: Trần Dung
Già H'’Blăm tự hào kể về những năm tháng hoạt động cách mạng. Ảnh: Trần Dung

Trở về với làng Krông (xã Ia Mơr) khi tuổi xuân đã qua đi, H’Blăm chỉ trăn trở một điều là làm sao để người dân làng Krông hết đói, hết nghèo? Làm sao để người dân vùng biên này thoát ra khỏi những hủ tục lạc hậu? Rồi với những gì H’Blăm học được từ những năm tháng làm cách mạng, bà ngày đêm tới từng nhà, tỉ tê trò chuyện để vận động người dân cải tạo vườn tược, trồng cây lúa, cây bắp, cây mì, nuôi bò, nuôi heo… để cải thiện cuộc sống. “Có tận mắt chứng kiến dân làng đói khổ thế nào thì mình mới có quyết tâm để thuyết phục, để giúp đỡ họ vượt qua cái nghèo, cái khổ. Hồi đó mình vừa làm vừa thuyết phục họ. Biết cái gì thì mình truyền dạy cho người dân cái đó. Diệt giặc đói cũng gian khổ như diệt giặc Mỹ vậy đó”- già Ksor H’Blăm trầm ngâm nhớ lại.

Ngày ấy, Ia Mơr là xã biên giới phía tây nam của huyện Chư Prông và dân số đa phần là người dân tộc thiểu số. Tập tục sinh hoạt canh tác của người dân còn rất lạc hậu. Cả làng chỉ biết trồng lúa theo mùa vụ. Theo đó là tư tưởng lạc hậu nên cái đói, cái nghèo vẫn mãi đeo đẳng. “Từ ngày có già H’Blăm dân làng chúng tôi chú tâm làm ăn. H’Blăm làm ăn giỏi, biết nhiều chuyện hay và lúc nào cũng có mặt kịp thời để giúp đỡ mọi người. H’Blăm sống một mình và hết lòng chăm lo cho dân làng”- bà Dim (làng Krông) tự hào khi nói về già H’Blăm. Năm 1998, người dân làng Krông đồng thuận bầu Ksor H’Blăm làm già làng. Ksor H’Blăm trở thành người phụ nữ đầu tiên ở vùng biên này được người dân tín nhiệm bầu làm già làng.

“Làng Krông không phải là nơi mình sinh ra nhưng là nơi mình quyết định gắn bó cuộc đời còn lại. Mình yêu ngôi làng này, yêu thương những người dân nghèo khổ ở đây. Bởi vậy khi được bầu làm già làng, mình thấy trách nhiệm của mình càng lớn. Bản thân phải làm được nhiều việc tốt hơn nữa cho làng Krông”- già H’Blăm tâm sự. Đặt trên vai trách nhiệm cao cả, bà H’Blăm luôn tỏ ra là một người tháo vát, nhanh nhẹn trong công việc. Già hăng say lao động sản xuất để làm gương cho dân làng. Với số vốn là những đồng lương hưu ít ỏi, già mua bò về nuôi. Già trồng thêm khoai, mì. Thời gian sau, đàn bò của già đã lên hơn chục con. Già H’Blăm trở thành gương làm kinh tế giỏi cho dân làng học tập. Khi thuyết phục được họ bằng những việc làm của mình, già bắt đầu cho dân làng mượn bò về nuôi. Khi bò sinh sản già sẽ lấy lại bò mẹ, tiếp tục cho người khác mượn gây dựng con giống. Rồi già chỉ cho người dân trồng lúa, trồng mì sao cho hiệu quả…

Tuy tuổi đã cao nhưng già H’Blăm vẫn chăm lo phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Dung
Tuy tuổi đã cao nhưng già H'’Blăm vẫn chăm lo phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Dung

Làng Krông có 60 hộ với trên 400 nhân khẩu nên với già H’Blăm thì khó nhất vẫn là việc nói sao cho người làng thoát dần khỏi những phong tục tập quán lạc hậu, chí thú làm ăn. Với già, để làm được điều đó, phải sử dụng thứ “vũ khí” vô cùng quan trọng- đó là sức mạnh của tình đoàn kết. Già lại tiếp tục ngày đêm vận động dân làng ở vùng biên giới thắt chặt đoàn kết quân dân, xây dựng vùng biên giới vững mạnh, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh. “Già Ksor H’Blăm đã chủ động phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Mơr để cùng giải quyết chuyện buôn làng, cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ Quốc. Chúng tôi thường gọi già là "ngôi sao xanh Biên phòng"- Thượng úy Rơ Ô Thuy- Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên Phòng Ia Mơr chia sẻ.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm