(GLO)- Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông là đơn vị đầu tiên của khu vực Tây Nguyên mạnh dạn tiến hành sản xuất dòng sản phẩm mủ cao su chất lượng cao Latex để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Vì thế, những năm qua, dù giá mủ cao su có nhiều biến động nhưng Công ty vẫn luôn đứng vững giữa “cơn bão” của thị trường…
Dây chuyền sản xuất cao su. Ảnh: Đ.T |
Hành trình đưa mủ vượt đại dương
Những năm 90 của thế kỷ trước, hàng ngàn ha cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã bắt đầu đi vào chu kỳ khai thác ổn định. Các dòng sản phẩm lúc đó chủ yếu là SVR3L, SVR5, SVR10, SVR20 thường được bán trong nước và xuất khẩu ra thị trường truyền thống là Trung Quốc. Thế nhưng, thời điểm ấy giá mủ cao su cũng như thị trường tiêu thụ Trung Quốc luôn trong tình trạng thiếu ổn định nên hoạt động kinh doanh của Công ty gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có giai đoạn sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, phải chia ra đi bán lẻ. Nhớ lại quãng thời gian đó, ông Trần Ngọc Bính-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty vẫn chưa thể nào quên: “Giai đoạn này hầu hết các công ty cao su trên cả nước đều lâm vào tình cảnh khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Có thời điểm, các công ty phải mang hàng ra tận Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) thuê chỗ ở để tiếp thị hàng cho các đối tác Trung Quốc, miễn là ai trả được giá thì bán, thậm chí chỉ vài tạ cũng bán…”. Ròng rã hơn 10 năm lao đao với việc tiêu thụ sản phẩm, phải đến cuối năm 2004 thị trường cao su mới dần ổn định trở lại.
Sau những thăng trầm đã trải, để chủ động hơn trong công tác kinh doanh, Ban Giám đốc Công ty đã họp bàn tìm chiến lược kinh doanh mới nhằm tạo một thế đứng vững chắc cho Công ty. Trong đó, các vấn đề thiết yếu cần phải tiến hành ngay là: đa dạng hóa sản phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu cao su ra nước ngoài… Với quyết tâm cùng tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Công ty, những năm tiếp theo Công ty đã nghiên cứu cho ra các loại sản phẩm mới SVR CV50, SVR CV60 có thị trường tiêu thụ rộng và giá cả cao hơn. Dù đã đạt được những thành công nhất định trong chiến lược kinh doanh, nhưng với quyết tâm vươn lên cao hơn và xa hơn, Công ty đã tìm tòi nghiên cứu, nắm bắt thị trường để tiếp tục sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao mang tầm quốc tế.
Năm 2008, Công ty bắt đầu nghiên cứu và sản xuất dòng sản phẩm mủ Latex, đây là sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng, giá cả cao hơn, ít tốn lao động, chi phí sản xuất thấp hơn so với các sản phẩm khác, chưa kể thị trường đa dạng. Thế nhưng, để sản xuất được loại sản phẩm này đòi hỏi một quy trình hết sức nghiêm ngặt, bắt đầu từ người công nhân cạo mủ phải thường xuyên vệ sinh chén bát, dụng cụ khai thác luôn sạch sẽ, thời gian trút mủ sớm hơn do không thể để lâu ngoài trời, nếu bị nước mưa hay bụi bẩn rơi vào sẽ dễ bị nhiễm khuẩn làm mủ bị đông. Ngoài ra, để chế biến được sản phẩm này, khi mủ về đến nhà máy thì hàm lượng DRC phải luôn cao hoặc phải bằng 28% và phải đảm bảo các yêu cầu về các thông số như: độ ổn định cơ học MST, trị số KOH…
Để sản xuất được dòng sản phẩm này, Công ty đã cử cán bộ, công nhân đi học tập tiếp thu công nghệ mới nhằm nâng cao tay nghề, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng của các đối tác; xây dựng và đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư trang-thiết bị máy móc, cải tiến kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu từ đầu vào đến sản phẩm đầu ra, xây dựng phòng kiểm phẩm đạt chuẩn ISO: 17025 đảm bảo kết quả kiểm định chính xác, khách quan, kịp thời thông tin cho nhà máy chế biến và khách hàng...
Sau 2 năm tìm tòi nghiên cứu, Công ty quyết định đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến mủ Latex công suất 3.000 tấn/năm, là dây chuyền sản xuất mủ Latex đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. Bước ngoặt báo hiệu sự thành công trong chiến lược kinh doanh của Công ty là vào năm 2010, khi Công ty sản xuất được những lô hàng Latex cô đặc đầu tiên với sản lượng 800 tấn. Đến tháng 7-2011, vượt qua được sự kiểm soát khắt khe của hàng rào chất lượng, tiêu chuẩn, Công ty đã xuất khẩu sang Mỹ lô hàng mủ Latex đầu tiên và sau đó là thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Với những sự kiện này, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc về thương hiệu, uy tín, chất lượng của các dòng sản phẩm mủ cao su Latex trên thị trường quốc tế.
Tạo thế đứng vững chắc
Hướng dẫn ghép giống cao su. Ảnh: Đ.T |
Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thị trường xuất khẩu cao su ra nước ngoài của Công ty đến nay đã đạt được những thành công nhất định. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm mủ của Công ty đã ổn định và được chia đều ra các luồng tiêu thụ phát triển tương tác lẫn nhau. Tại thị trường trong nước (chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng sản phẩm), Công ty đã có những đối tác vững chắc, được xem như là những khách hàng truyền thống như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty TNHH TMCP Hải Hưng, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng... Đối với xuất khẩu, sản phẩm của Công ty ngày càng đảm bảo về chất lượng, chủng loại và quy cách để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những khách hàng khó tính nhất tại thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…, chiếm tỷ trọng hơn 30%. Còn với thị trường tiêu thụ dòng sản phẩm chất lượng cao mủ Latex là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu cũng chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong tổng sản phẩm, đặc biệt các thị trường này mang tính ổn định cao và giá cả ít biến động. Nhờ thực hiện tốt các mặt công tác trong chiến lược kinh doanh nên những năm qua, dù thị trường có nhiều biến động, giá mủ cao su lao dốc nhưng số lượng xuất khẩu của Công ty luôn ổn định. Cụ thể, năm 2015 xuất khẩu đạt 2.001 tấn, kim ngạch đạt 3,9 triệu USD; năm 2016 xuất khẩu đạt 2.161 tấn, kim ngạch đạt 3,3 triệu USD.
Ngoài việc chế biến, xuất khẩu mủ cao su, Công ty còn phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh khác như: sản xuất và chế biến gỗ cao su; sản xuất phân vi sinh; trồng cà phê... nên đã thu được nhiều thành tựu khả quan. Tính riêng năm 2016, doanh thu từ sản xuất mủ cao su đạt 214,40 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 8,50 tỷ đồng; doanh thu từ gỗ cao su đạt 22,29 tỷ đồng, lợi nhuận 1,7 tỷ đồng; doanh thu từ cà phê gần 3 tỷ đồng, lợi nhuận 0,82 tỷ đồng… Tổng tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty năm 2016 đạt doanh thu 263,94 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt 25,38 tỷ đồng.
Với tầm nhìn chiến lược và sự đa dạng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã tìm được lối rẽ của riêng mình trong việc tiêu thụ các sản phẩm để có thể đứng vững giữa “cơn bão” của thị trường.
Lê Anh