Pleiku bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tại chỗ, tạo đà cho du lịch phát triển.

Sức hút từ thổ cẩm

Những năm gần đây, thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn TP. Pleiku đã vượt ra khỏi không gian làng nhờ sự xuất hiện của những câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Tiếng khung cửi ngày càng vang xa cùng những sản phẩm thổ cẩm tinh tế đã dần chinh phục được thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo tồn nghề dệt truyền thống và tạo sinh kế bền vững cho chị em phụ nữ DTTS.

Năm 2022, CLB dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ) với 23 thành viên là những phụ nữ có tay nghề giỏi chính thức thành lập. Đây là tín hiệu vui không chỉ với chị em mà cả những người dân trong làng khi thổ cẩm có thể vươn ra thị trường.

Trong căn nhà của mình, bà Pel-Chủ nhiệm CLB dành riêng một góc để trưng bày các sản phẩm nghề dệt thủ công truyền thống. Bà cũng tận dụng không gian xung quanh nhà để treo từng tấm vải thổ cẩm với màu sắc bắt mắt nhằm tôn vinh giá trị đặc sắc của nghề dệt truyền thống.

Đưa chúng tôi xem những sản phẩm do các thành viên trong CLB làm ra, bà Pel phấn khởi thông tin: “Với vai trò Chủ nhiệm CLB, tôi hướng dẫn, chỉ dạy cho chị em nâng cao tay nghề và tìm đầu ra cho các sản phẩm. Ngoài các sản phẩm như trang phục thì chị em còn làm thêm túi xách, ví cầm tay, móc khóa, khăn quàng cổ… Khách du lịch rất thích các sản phẩm dệt của chị em và mua về sử dụng, làm quà biếu người thân, bạn bè. Từ đó, chúng tôi giữ được nghề”.

Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ) ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.S

Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ) ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.S

Ngoài việc được ngắm nhìn nghệ nhân say sưa bên khung dệt, nhiều du khách còn cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc này. Chị Trương Thị Mỹ Loan (du khách đến từ TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vui vẻ nói: “Đến Pleiku, tôi không chỉ được tham quan nhiều cảnh đẹp mà còn khám phá nhiều nét văn hóa độc đáo của người Jrai. Tôi thấy bà con DTTS ở đây rất mến khách, đặc biệt rất khéo tay khi làm ra những sản phẩm thổ cẩm có nhiều chi tiết hoa văn đặc sắc. Đây là một chuyến du lịch đáng nhớ của tôi”.

Trong căn nhà nhỏ của chị H’Yứt ở giữa làng Chuét Ngol (xã Chư Á), các thành viên của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm đang say sưa bên khung cửi. Đôi tay khéo léo của các chị thoăn thoắt dệt nên từng hoa văn độc đáo trên tấm vải. Đối với các chị, dệt không chỉ là niềm đam mê mà còn là nghề. Để mở ra hướng đi mới cho thổ cẩm, 8 chị dệt giỏi nhất làng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol vào đầu năm 2021 do chị H'Yứt làm Chủ nhiệm.

Trò chuyện với chúng tôi, chị H’Nguyệt-Thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm-bày tỏ: “Tôi biết dệt từ nhỏ nhưng chỉ dùng trong gia đình. Từ khi tham gia Tổ hợp tác, công việc của tôi khá ổn định. Mỗi tuần, tôi dệt từ 1 đến 2 tấm thổ cẩm và cho thu nhập trên 1 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình tôi cũng nhờ đó mà tốt hơn”.

Còn chị H’Yứt thì chia sẻ: Trong làng mình hầu hết phụ nữ đều biết dệt. Từ khi thành lập Tổ hợp tác thì tay nghề của mọi người được nâng cao và chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng nên các chị em rất phấn khởi. Trung bình mỗi tháng, một thành viên sẽ dệt được 3 đến 4 bộ váy áo thổ cẩm. Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là người dân trong làng và các địa phương lân cận. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực tham gia các lễ hội của địa phương để quảng bá sản phẩm. Mỗi dịp như vậy, khách du lịch mua rất nhiều.

Theo chị H’Yứt, tuy mới thành lập chưa đầy 4 năm nhưng Tổ hợp tác hoạt động khá hiệu quả. Tổ đã nhận được nhiều đơn hàng với giá từ 1,2-2 triệu đồng/sản phẩm. Những tay dệt tài hoa của làng Chuét Ngol luôn nỗ lực để thổ cẩm của làng mang một sức sống mới với đường dệt tinh xảo, không chỉ phục vụ người dân trong làng mà còn chinh phục du khách gần xa.

Ông Trương Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Chư Á-cho hay: Xã có 8 làng đồng bào DTTS. Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh việc khôi phục, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc tại chỗ, đặc biệt là duy trì nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm vươn ra thị trường, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng

Thành phố Pleiku là trung tâm kinh tế-chính trị-xã hội của tỉnh. Cùng với đó, Pleiku còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Jrai, Bahnar như: cồng chiêng, nhà rông, nhà sàn, tượng nhà mồ, các nghề thủ công đan lát, dệt thổ cẩm... Hiện thành phố có 30 dân tộc anh em sinh sống, với dân số trên 264 ngàn người, trong đó, dân tộc Jrai và Bahnar chiếm hơn 12%.

Với những lợi thế này, Pleiku xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc tại chỗ thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là cơ sở để phát huy tiềm năng, mang lại thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, việc giữ gìn được các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục tín ngưỡng sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút với du khách.

Những năm gần đây, làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) đã trở thành điểm đến quen thuộc của rất nhiều du khách khi đến Pleiku. Không chỉ có giao thông thuận lợi, lại nằm cạnh khu Di tích thắng cảnh Biển Hồ, làng Ia Nueng còn lưu giữ 3 nhà rông, 6 nhà sàn truyền thống, cây đa, giọt nước và các nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Đây là lợi thế để làng triển khai các hoạt động về du lịch cộng đồng.

Đường vào làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Ảnh: N.S

Đường vào làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Ảnh: N.S

Bà R'Cơm H'Myữ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Biển Hồ-thông tin: Làng có 225 hộ với 1.087 khẩu, trong đó, người Jrai chiếm 96,89%. Hiện làng còn lưu giữ 5 bộ cồng chiêng, bà con vẫn thường sử dụng trong dịp cưới hỏi, tang ma, lễ trưởng thành hay trong những hoạt động văn hóa. Cùng với đội ngũ nghệ nhân lớn tuổi, làng đã thành lập 1 đội cồng chiêng.

Bên cạnh đó, làng còn lưu giữ một số nghề truyền thống như: đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm... Trong khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng của làng còn có mô hình “Vườn tượng gỗ Bahnar, Jrai” gồm 24 tượng gỗ và cột trang trí, trưng bày với các nhóm tượng mô tả đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, lễ hội, tình cảm gia đình.

Theo bà H'Myữ, trong làng có 3 cây đa cổ thụ khoảng 200 năm tuổi. Hàng năm, cứ vào dịp lễ, Tết, ngày hội của làng, bà con lại tụ họp dưới mái nhà rông hay dưới cây đa cổ thụ để tổ chức các nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa như: pơ thi, mừng lúa mới, cúng giọt nước… Hiện làng đang thành lập Tổ quản lý du lịch cộng đồng bao gồm những người am hiểu về văn hóa của người Jrai, qua đó giúp khai thác tốt giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch.

Tháng 9-2023, UBND TP. Pleiku ban hành Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng, mở ra cơ hội đầu tư, xây dựng, định hướng và phát triển nhằm đưa Ia Nueng trở thành điểm đến hấp dẫn. “Để xây dựng thành công làng văn hóa du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, xây dựng phong cách ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ vệ sinh môi trường, đặc biệt hướng tới mục tiêu “Mỗi người dân trong làng là một hướng dẫn viên du lịch”.

Ngoài ra, xã cũng đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai thường xuyên mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho người dân, tập huấn hướng dẫn bà con làm du lịch cộng đồng”-bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ- thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-đánh giá: Thời gian qua, để níu chân du khách ở lại lâu hơn, thành phố đã quan tâm nâng cao dịch vụ, sản phẩm du lịch bằng cách nỗ lực khôi phục lại các lễ hội truyền thống của người Jrai và Bahnar gắn với sự tham gia của người dân. Đồng thời, sưu tầm một số nét văn hóa, món ăn để bảo tồn và chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Nhờ đó, lượng du khách đến với Pleiku ngày càng tăng lên. Nhiều hộ dân đã có thu nhập từ việc kinh doanh, khai thác các dịch vụ ăn uống, lưu trú; bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy.

Phụ nữ làng Mơ Nú (xã Chư Á) tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cộng đồng. Ảnh: N.D

Phụ nữ làng Mơ Nú (xã Chư Á) tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cộng đồng. Ảnh: N.D

Cũng theo ông Hà, nhằm lưu giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, năm 2023, UBND TP. Pleiku đã phê duyệt đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) và làng Ốp (phường Hoa Lư).

Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn, du lịch xanh thân thiện với môi trường… Đồng thời, lập đoàn khảo sát về tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng và làng Ốp.

“Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cho 2 làng Ia Nueng và làng Ốp, quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, kết nối các đơn vị lữ hành đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm, sớm đưa 2 ngôi làng này thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn, góp phần tăng thu nhập cho người dân”-ông Hà nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Với diện tích hơn 413.511 ha, cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh phù hợp cho du lịch sinh thái. (Ảnh đơn vị cung cấp).jpg

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Bên cạnh các giải pháp như xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường thì đẩy mạnh truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu được đưa ra tại diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được tổ chức ngày 15-11 tại TP. Pleiku.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đang tổ chức tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ, mà còn là cơ hội để thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương.