Nhà in Gia Lai một thuở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đọc báo, thấy tin Công ty cổ phần In-Đầu tư phát triển giáo dục Gia Lai đưa máy in tờ rời 4 màu offset Mitsubishi Diamond V3000-4 do Nhật Bản chế tạo vào sản xuất. Đây là máy in công nghệ hiện đại nhất hiện nay, và báo Ảnh Tết Nhâm Dần, báo Gia Lai đã in tại Công ty với máy in này.
Vụt nhớ lại thời in typo sắp chữ chì một thuở.
Hồi ấy, quãng đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, xí nghiệp (trước đấy là xưởng) in Gia Lai còn nằm ở chỗ trụ sở BIDV bây giờ, 112 Lê Lợi, ngay ngã ba Hoa Lư. Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum ở cách đấy khoảng 200 m, số 4 Trần Hưng Đạo, giờ là chỗ cái bốt gác quảng trường có cây phượng.
Khi tôi lên nhận việc ở Phòng Văn nghệ Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum tháng 11-1981 thì việc đầu tiên được giao là đọc 1 chùm thơ bó thành bó cất trong cái tủ sắt, chọn ra hai chục bài nộp cho trưởng phòng. Rồi sau đó cầm cả tập bản thảo đánh máy ấy kèm ma két sang nhà in.
Trời ơi là nó hồi hộp.
Bởi lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là in, dẫu lâu nay đã đọc rất nhiều sách báo. Bởi vì đọc nhiều sách báo nên mới mong mỏi quy trình in ra chữ nó như thế nào, bởi về lý thuyết, cả học và đọc thì biết, kỹ thuật in là một trong mấy sự đột biến phát triển văn minh của loài người.
Thì hồi ấy in nó như thế này.
Báo Gia Lai luôn sử dụng các công nghệ in ấn hiện đại nhất để nâng cao chất lượng cho các ấn phẩm báo in. Ảnh: Hoàng Ngọc
Báo Gia Lai luôn sử dụng các công nghệ in ấn hiện đại nhất để nâng cao chất lượng cho các ấn phẩm báo in. Ảnh: Hoàng Ngọc
Mang bản thảo và ma két sang nhà in. Phòng kế hoạch chuyển xuống bộ phận chữ. Tổ này có khoảng hơn chục người, đa phần là nữ. Mỗi người có một cái nửa như bàn nửa như tủ nửa như khay nửa như cái tường đựng thuốc Bắc. Trong ấy là các hộp vuông đựng con chữ chì. Bản thảo thì xé ra chia cho mỗi người mấy trang. Kẹp vào cái bàn, rồi ngồi nhặt từng chữ chì xếp vào khuôn, tất nhiên là xếp ngược, thì khi in nó mới xuôi. Ví dụ chữ Hùng, thì nhặt chữ H (hoa) chữ u có dấu huyền, chữ n, chữ g, xong có một con chèn, rồi nhặt chữ khác.
Các cô thợ sắp chữ nhớ từng ô chữ trước mặt đựng chữ gì. Phải mấy chục ô, bởi một chữ lại có chữ thường chữ hoa, rồi lại chữ dấu thanh, chữ không dấu thanh, rồi các dấu cách, dấu chấm dấu phẩy, chấm than, dấu hỏi... Xếp xong một trang thì lấy dây cột chặt lại, nhiều trang thành “mâm chữ”, đủ để in một tờ giấy lớn (một tờ giấy như thế in được 8 trang) hết sức công phu tỉ mỉ và mất công sức. Nhưng chưa kinh bằng một số chị công nhân loay hoay thế nào đổ ụp phát, tan tành, có chị khóc tu tu. Tức là phải làm lại từ đầu, nhưng trước khi làm lại từ đầu thì phải ngồi nhặt từng con chữ cho đúng vào từng ô của nó, để tiếp tục sắp chữ, chỉ nhặt đúng ô chứ không phải xem từng chữ trước khi đặt vào vị trí nữa. À ở đây còn công đoạn dỡ báo, là in xong thì dỡ cái trang vừa sắp ấy, chữ nào phải trả vào đúng ô ấy.
Sau khi được từng bát chữ 8 trang như thế thì phải “vỗ”, là công đoạn làm cho tất cả chữ nó bằng nhau chằn chặn, để nó thấm mực đều và chạm đều vào mặt giấy. Công đoạn này cũng rất khó bởi chữ dùng nhiều lần, mòn hết, mà lại mòn không đều. Nên mới có chuyện khi in phải quan sát kỹ, chữ nào nhô lên thì hạ xuống, chữ nào mòn thấp xuống thì độn lên. Khó nhất là những chữ chỉ mòn có một nửa.
Sát Tết, công việc nhiều, anh chị em thợ phải làm đêm. Lạnh. Hồi ấy Pleiku còn rất lạnh. Anh chị em “gạ” tôi bồi dưỡng. Sinh viên mới ra trường, nhưng tính vui vẻ, tôi mời anh chị em quả vịt lộn ngay ngã ba Hoa Lư. Sau này “khôn” ra, có tí “thân thiện” ấy, nói gì anh chị em cũng nghe, họ quý và nghe mình thì mình cũng dễ làm việc.
Đấy là chữ, còn hình thì làm sao?
Thì mang cái hình ấy vào Sài Gòn, làm kẽm về in.
Tức là dùng kỹ thuật tráng kẽm sao đấy, tất nhiên cũng phải in ngược. Chỗ nào đen thành trắng và ngược lại. Nhưng quả là, hồi ấy, giấy thì đen, nửa nhám nửa nhẵn, in ảnh trên báo (cả Tạp chí Văn Nghệ và báo Gia Lai-Kon Tum) chỉ thấy một khối đen đen, “thấp thoáng như là bóng người” chứ nào có tỏ tường. Ngay bây giờ in offset xịn như thế, giấy cũng tốt đến như thế, mịn như thế, nhưng lơ đãng cái là trông cũng chả biết là cái gì ngay, huống gì hồi ấy.
Báo Gia Lai thì in ảnh nhiều và liên tục nên mỗi lần đi làm là làm hàng trăm bản kẽm, tức là toàn ảnh nguội, tính thời sự coi như là zê rô. Đại loại khi đi thì ảnh bỏ trong ca táp, lên xe đò ngồi rất xịn, như... cán bộ đi công tác. Khi về mỗi cái ảnh như thế phơi vào một miếng kẽm. Miếng kẽm dán vào miếng gỗ dày hơn đốt ngón tay, khổ mỗi chiều trung bình 20 tới 30 cm, báo Tết thì miếng kẽm to hơn nữa để in bìa. Hàng trăm miếng gỗ như thế thành mấy bao tải vác ngất nghểu chất lên nóc xe đò mang về Gia Lai, bạn bè miền xuôi gọi là “chở gỗ về rừng”. Mà rất đúng thế.
Nhưng so với thời trong chiến tranh thì như thế là xịn rồi. Ông Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai-nghe nói hồi kháng chiến trong rừng cũng tham gia in lito. Là kiểu in viết chữ ngược lên đá, rồi ịn giấy lên, mực lem nhem dính vào, thế là thành... báo, thành truyền đơn. Và cái bộ khung ban đầu của xưởng in Gia Lai-Kon Tum cũng là mấy anh công nhân in từ chiến khu ra, có anh Minh, rồi anh Vui là giám đốc. Sau này tới chị Viên là diễn viên đoàn tuồng khu 5 đang làm Phòng Văn nghệ với tôi, được bổ nhiệm làm giám đốc, chị Huỳnh Thị Ngọc Lan làm kế toán, và bây giờ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần In-Đầu tư phát triển giáo dục Gia Lai. Từ bấy tới giờ quả là sự phát triển ngoạn mục, tới không tưởng tượng nổi.
Lại nhớ, hồi ấy, tới mấy năm trời tôi vừa làm biên tập vừa là người trực tiếp sửa bản in Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai-Kon Tum, sau khi có anh em sửa thì tôi vẫn phải đọc bông cuối cùng. Và vì thế mà tôi rất rành tính khổ giấy, số lượng giấy để ký hợp đồng in không bị phí. Giấy thời ấy khổ cố định, tính thế nào để bị xén bỏ đi ít nhất thì không phải ai cũng làm được.
Có một kỷ niệm nữa, một hôm chờ sửa bản in khuya, tôi ngồi nhìn một cô công nhân sắp chữ vừa làm vừa... ngủ gật, tóc xõa tràn xuống mặt. Tự nhiên vụt ra một tứ thơ về cô công nhân sắp chữ, hết sức trữ tình. Giờ lâu rồi, không nhớ nữa, chỉ nhớ câu kết: “Sợi tóc mềm vô cớ cứ bay ngang”. Bài thơ in ở báo Gia Lai-Kon Tum. Khi báo đưa xuống nhà in, các cô sắp chữ cứ người này bảo là người kia. Tôi vô tình lò dò sang đọc bông, các cô cứ dò hỏi giống như tôi làm cụ thể về ai đó. Vấn đề là, hôm sau báo phát hành, chị Viên-Giám đốc xí nghiệp mời tôi vào phòng làm việc, kêu chị Lan kế toán trưởng sang, trịnh trọng nói: Xí nghiệp cảm ơn Hùng đã hiểu và thông cảm với công việc của xí nghiệp và cán bộ, công nhân viên. Có tí “động viên chia sẻ” lại, mong Hùng nhận. Hồi ấy, lương tôi 63 đồng một tháng, phong bì có 10 đồng, tối ấy tôi lại đãi anh em công nhân vịt lộn ngã ba Hoa Lư.
Sau, vợ tôi làm ở Trung tâm Y tế dự phòng về nói, vừa kiểm tra sức khỏe, rất nhiều công nhân xí nghiệp in bị nhiễm độc chì.
Bây giờ, ấn nút phát, hàng vạn tờ báo được in trong nửa giờ đồng hồ...
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.